Vị thế bị lung lay
Phần lớn giao dịch vàng, bạc diễn ra trên thị trường ngoài sàn (OTC) và London là trung tâm toàn cầu lớn nhất cho các giao dịch này. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Anh, được thành lập năm 1694, từ lâu đã trở thành nhà giao dịch chính trên thị trường quốc tế. Bên cạnh lịch sử lâu dài chấp nhận quyền sở hữu vàng, việc ngày làm việc tại London trùng với cả thời gian tại New York và Hồng Kông là lợi thế lớn của Thủ đô nước Anh.
Do các giao dịch vàng tại London được thực hiện chủ yếu qua trao đổi trực tiếp giữa người mua, người bán, mà không có sự can thiệp của bất kỳ bên lưu ký nào, nên không có con số chính xác về số lượng vàng được giao dịch tại đây. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hãng nghiên cứu CPM Group, lượng vàng giao dịch tại London đã vượt qua mức 6,2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.
Mặc dù vậy, vị thế trung tâm giao dịch vàng lớn nhất của London đang giảm dần, trước lo ngại của giới đầu tư về tình trạng thao túng lãi suất liên ngân hàng (Libor), vốn từ lâu được lấy làm tiêu chuẩn cho biến động lãi suất hàng ngày. Theo đó, các thành viên thị trường nghi ngờ tính chính xách của việc các nhà băng đang thiết lập mức giá cho vàng tại London, đồng thời khiến giới chức quản lý thắt chặt hơn quy định tại thị trường này.
Cụ thể, các quy tắc mới thuộc MiFID II (quy định do Ủy ban châu Âu khởi xướng nhằm tạo lập khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các thị trường tài chính trong khối EU) và Basel III khiến chi phí giao dịch tại thị trường OTC trở nên đắt đỏ hơn, phần nào ảnh hưởng tới lợi thế của sàn giao dịch vàng tại London.
Cùng với đó, diễn biến nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu khiến một số nhà băng thông báo ý định chuyển trụ sở và nhân viên ra khỏi London, bao gồm cả bộ phận phục vụ cho giao dịch vàng.
Thách thức chủ yếu đến từ Mỹ và Trung Quốc
Một trong những nguyên nhân chính đe dọa tới vị thế của London chính là sự trỗi dậy từ các sàn giao dịch tại Mỹ và Trung Quốc.
Theo đó, sàn Comex của CME Group tại New York đã trở thành thị trường tương lai lớn nhất với vàng và đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Trong quý III vừa qua, Comex chứng kiến lượng giao dịch tăng lên mức kỷ lục với 20 triệu hợp đồng. Lợi thế lớn nhất của Comex, so với sàn giao dịch OTC tại London, chính là sự minh bạch, về khối lượng, thanh khoản và giá cả, bởi các giao dịch được thông qua sàn và có trung tâm lưu ký.
Bên cạnh đó, sàn giao dịch Shanghai Gold Exchange, ra đời cách đây 15 năm, với mục tiêu đối trọng với London, cũng đang chứng kiến khối lượng giao dịch tăng không ngừng. Kể từ năm ngoái, sàn giao dịch này đã thiết lập mức giá mỗi ngày cho vàng, với nỗ lực tạo một chỉ số tiêu chuẩn mới cho khu vực và đề cao tác động của nhân dân tệ lên giá vàng. Các hợp đồng tương lai có thể được thiết lập tại Shanghai Futures Exchange và gần đây, Hong Kong Exchanges & Clearing Ltd cũng tham gia cuộc chơi, với việc cung cấp các hợp đồng tương lai vàng bằng cả nhân dân tệ và USD.
Chưa hết, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore đều đang có động thái thiết lập sàn giao dịch vàng riêng biệt, thu hút thêm nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu.
Trong “cuộc chiến” hiện tại, dù có nhiều khó khăn, nhưng London với vị thế từ lâu đời vẫn có những sức mạnh nhất định. Cụ thể, đa phần bộ phận giao dịch vàng của các nhà băng lớn đa quốc gia đều hiện diện tại thành phố này. Quan trọng hơn, lượng vàng dự trữ, vốn là cơ sở cho giao dịch vàng, đang tập trung rất lớn tại đây.
Theo Hiệp hội Thị trường vàng bạc London (LBMA), hơn 7.000 tấn vàng, 32.000 tấn bạc đang được cất giữ tại Ngân hàng Trung ương Anh, JPMorgan Chase & Co, HSBC Holdings Plc, ICBC Standard Bank Plc và một số ngân hàng khác.
Một khi khối lượng vàng lớn vẫn ở London và ngành công nghiệp vàng tại đây sẵn sàng thích nghi với những biến động, sức mạnh của thủ đô nước Anh sẽ vẫn được giữ vững trên thị trường vàng.