“Mạnh vì gạo”
Ngày 15/9/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông Công ty cổ phần Điện lực Gelex (Gelex Electric, mã chứng khoán GEE) nhận quyền hưởng cổ tức đợt 1/2023, tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, dự kiến thanh toán vào ngày 4/10. Với 300 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Gelex Electric sẽ chi 300 tỷ đồng để trả cổ tức. Đại hội cổ đông năm 2023 của Công ty đã thông qua mức trả cổ tức năm nay là 20%.
Ngày 25/8 vừa qua, Công ty cổ phần FPT đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1/2023, tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.Với gần 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến FPT chi khoảng 1.260 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông, dự kiến vào ngày 12/9, ngay trước thềm sinh nhật 35 năm của Công ty.
Trước đó, FPT đã tăng vốn điều lệ từ 11.043 tỷ đồng lên hơn 12.699 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 165,6 triệu cổ phiếu chia cổ tức với tỷ lệ 15%, lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty mẹ và lợi nhuận chưa phân phối đã điều chuyển từ công ty con về công ty mẹ trong quý I/2023. Thời điểm thay đổi vốn điều lệ là ngày 17/7/2023.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, FPT dự kiến chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt, tương đương năm 2022, nhưng năm ngoái còn có khoản cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ chia là 20:3.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,9% và 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 3.003 tỷ đồng, tăng 20,6%; lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 2.732 đồng. So với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm, FPT đã hoàn thành lần lượt 46% và 48%.
Tính đến cuối tháng 6/2023, FPT có lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 26.688 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm.
Cổ đông của Công ty cổ phần Tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán TCH) cũng đón tin vui khi tháng 9 này, doanh nghiệp trả cổ tức đợt 1/2023, với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt, sẽ thanh toán vào ngày 15/9. Với hơn 668,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Tài chính Hoàng Huy dự kiến chi 334,1 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Theo kế hoạch đã được Đại hội cổ đông thông qua, Tài chính Hoàng Huy sẽ chia cổ tức năm 2023 tối đa 10% bằng tiền mặt. Năm ngoái, Công ty chi trả cổ tức 12% bằng tiền mặt.
Tại Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã chứng khoán PVT), tỷ lệ tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 là 3% bằng tiền mặt. Với gần 324 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PV Trans sẽ chi hơn 97 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông, dự kiến vào ngày 5/10.
Điểm chung của các doanh nghiệp trả cổ tức sớm cho cổ đông trong bối cảnh môi trường kinh doanh nói chung còn nhiều khó khăn là có nền tảng tài chính vững vàng, hoạt động kinh doanh và đầu tư chắc chắn, có năng lực quản trị rủi ro.
Lãnh đạo Tài chính Hoàng Huy cho biết, trước đây, khi thị trường bất động sản bùng nổ, có nhiều ý kiến trong nội bộ Công ty đề xuất đầu tư nhiều dự án cùng lúc, phát triển thêm các dự án ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội và Hải Phòng. Tuy nhiên, sau khi trao đổi và tranh luận gay gắt, Ban lãnh đạo đã chọn đầu tư tập trung vào những dự án mà Công ty có thế mạnh. Nhờ đó, doanh nghiệp hạn chế vay nợ và giữ nguồn lực để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án.
Với FPT, doanh nghiệp này duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số, việc mở rộng ra thị trường nước ngoài đã giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn, tìm được không gian tăng trưởng mới, bất chấp thị trường công nghệ trong nước suy giảm và cắt giảm chi tiêu.
Cơ hội hưởng lợi kép
Hầu hết nhà đầu tư “lăn chốt” cổ tức thời gian qua đều hưởng lợi kép, đó là được quyền nhận cổ tức và lãi từ giá cổ phiếu tăng. Chẳng hạn, cổ phiếu TCH tăng từ vùng giá 9.000 đồng/cổ phiếu lên gần 14.000 đồng/cổ phiếu. Một số nhà đầu tư trước đó đã gom mua cổ phiếu TCH ở dưới mệnh giá với luận điểm, tỷ suất cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, trong khi giá trị sổ sách là 12.000 đồng/cổ phiếu, tức định giá P/B ở mức hấp dẫn.
Tương tự, cổ phiếu FPT có đợt tăng giá mạnh trong thời gian qua khi bứt phá từ vùng 80.000 đồng/cổ phiếu lên gần 100.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FPT đã “ăn trọn” cổ tức và mức tăng giá cổ phiếu sau ngày chốt quyền.
Doanh nghiệp vừa trả cổ tức cao, vừa có sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh, giá cổ phiếu sẽ tăng, giúp nhà đầu tư hưởng lợi từ cổ tức và chênh lệch giá.
Thông thường, những doanh nghiệp có cổ đông nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu lớn ưa thích cách chia cổ tức bằng tiền mặt, thậm chí chia phần lớn lợi nhuận làm ra.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp này được không ít nhà đầu tư quan tâm, tiêu chí lựa chọn là tỷ suất cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng. Mặt khác, doanh nghiệp có mức chia cổ tức hấp dẫn phần lớn hoạt động kinh doanh tốt, có dòng tiền đều đặn nên giá cổ phiếu dễ tăng, nhất là khi thị trường chung đang trong xu hướng tăng giá. Nhờ đó, nhà đầu tư có chiến lược đầu tư hưởng cổ tức sẽ hưởng lợi kép.
Chiến lược đầu tư kiểu “ăn chắc, mặc bền” này thường phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn. Thực tế, nếu chọn được cổ phiếu tốt như FPT, REE… và canh mua ở vùng giá hợp lý, thì sau 5 - 10 năm, giá trị tài sản của nhà đầu tư có thể tăng rất mạnh.
Chị Hương ở Hà Nội chia sẻ, vợ chồng chị mua 1 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam từ hơn 10 năm trước và thỉnh thoảng mua thêm, cộng với việc Ngân hàng chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu, số lượng sở hữu đến nay là hơn 3 triệu đơn vị, với giá vốn bình quân chưa đến 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá gần đây đạt trên 20.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài chênh lệch giá, chị nhận về hàng tỷ đồng cổ tức mỗi năm.
Tương tự, anh Bảo, sau 5 năm đầu tư chứng khoán, chiến lược đầu tư giá trị và tích lũy dần đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, anh mua cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel khi còn giao dịch trên UPCoM và mua thêm khi chuyển sang HOSE, chỉ sau 3 năm đã lãi 4 lần. Với cổ phiếu BWE của Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, mặc dù thị trường chung trong năm 2022 giảm mạnh, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng khoảng 5%.
“Chiến lược đầu tư giá trị và nắm giữ dài hạn phù hợp với tôi vì không có nhiều thời gian theo dõi cổ phiếu và nhận thấy giao dịch lướt sóng không hiệu quả bằng”, anh Bảo nói.