Sàn hàng hóa trên đường đại chúng hóa

Sàn hàng hóa trên đường đại chúng hóa

(ĐTCK-online) Sáng 24/10, trong lễ khai trương CTCP Tài chính Việt (TCV), ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT TCV cho biết, dù mới Công ty mới “chạy thử” giao dịch hàng hóa một thời gian ngắn nhưng kết quả phát đi các tín hiệu khá khả quan.

Theo giấy phép thành lập, TCV thực hiện nghiệp vụ môi giới giao dịch hàng hóa và tư vấn đầu tư. Hiện tại, Công ty là thành viên mới nhất của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX). Ông Dương cho biết, sau vài tuần “chạy thử”, TCV đã thu hút vài trăm NĐT mở tài khoản, trong đó gần 100 tài khoản hoạt động. Bản tin chiến lược giao dịch của TCV trung bình thu hút khoảng 500 lượt truy cập/ngày. Với những con số khá ấn tượng này, ông Dương nhìn nhận, kênh đầu tư hàng hóa đang thể hiện một sắc thái trái ngược hoàn toàn với kênh chứng khoán. Kênh giao dịch hàng hóa hội tụ nhiều ưu thế: các sản phẩm và chiến lược giao dịch đa dạng, NĐT được phép sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao nên có thể gặt hái lợi nhuận lớn theo cả hai chiều giá lên xuống, giao dịch T+0. Sự yếu thế lớn nhất của kênh đầu tư hàng hóa so với chứng khoán là… sự mới mẻ. Ông Dương nhận xét, trừ các NĐT đã giao dịch vàng trước đây, các NĐT chứng khoán bước sang sân chơi mới sẽ cảm thấy nhiều bỡ ngỡ. Vì vậy, vai trò của đội ngũ tư vấn là hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Duy Phương, Tổng giám đốc VNX cho biết, hiểu được khó khăn này của các NĐT nên công tác phát triển thị trường đang được Sở rất chú trọng. Về định hướng hoạt động, VNX đã kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước như Bloomberg, Reuters, VCCI... để chia sẻ thông tin và thực hiện các đề tài nghiên cứu thực tế. Về công tác tuyên truyền, VNX thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, công bố thống tin và giải đáp thắc mắc cho thành viên, NĐT và các tổ chức quan tâm. Về thông tin, VNX đã cố gắng cung cấp các bản tin về tình hình giao dịch, thông tin thị trường như trên TTCK. Song song đó, để hỗ trợ thông tin chuyên sâu về ngành, VNX đã cung cấp thông tin và hỗ trợ các tổ chức trong ngành cà phê, cao su, thép nắm bắt tình hình thị trường và tham gia giao dịch. Về chính sách thu hút thành viên, Sở đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thành viên kinh doanh, thành viên môi giới trong việc tổ chức đào tạo chuyên viên, hệ thống giao dịch, phát triển thị trường.

Theo ông Phương, với các nỗ lực này, sau vài tháng, VNX đã nâng từ 3 thành viên chính thức lên con số 12. Năm thành viên khác đang chờ duyệt hồ sơ và nhiều tổ chức đang nghiên cứu thông tin, cũng như hợp tác nhiều mặt khác nhau trong lĩnh vực này. Doanh số giao dịch trên thị trường ngày một tăng. Mỗi ngày, nhu cầu giao dịch trên VNX hơn 500 lô và các thành viên báo cáo về việc gia tăng tài khoản khá tích cực (mỗi ngày có khoảng 40 - 70 tài khoản mở mới). Hiện có một số CTCK cũng bắt đầu khảo sát và nghiên cứu cách thức giao dịch, hợp tác với VNX.

So với sự phát triển nhanh của VNX, hoạt động của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuật (BCEC) những tháng gần đây có phần trầm lắng hơn. Nếu nhìn vào thanh khoản, người ngoài thậm chí có cảm giác BCEC đang đuối dần. Về điều này, ông Đào Trung Kiên, cố vấn của Trung tâm cho biết, tất nhiên BCEC kỳ vọng sàn hàng hóa sớm trở thành kênh đầu tư có tính đại chúng, được nhiều NĐT quan tâm. Tuy nhiên, về định hướng phát triển, BCEC không muốn NĐT cá nhân quan niệm đây là một kênh kiếm tiền mang tích chất đỏ đen. Theo ông Kiên, để truyền tải thông điệp này ra thị trường, BCEC đang tiến hành  hai biện pháp song song. Thứ nhất, phát triển khối NĐT tổ chức, cụ thể là nhóm DN sản xuất, xuất nhập khẩu cà phê có nhu cầu bảo hộ giá. Thứ hai là phát triển nhóm NĐT cá nhân hướng tới kiếm lợi nhuận từ các bước nhảy lớn về giá trong thời gian ngắn.

BCEC có lợi thế đặt trụ sở tại thủ phủ của đất cà phê, nhưng một khó khăn mà đơn vị này vấp phải là tâm lý “chờ thử xem” của các DN cà phê trong nước. Hiện nhiều DN đang tham gia giao dịch cà phê kỳ hạn nhằm bảo hộ giá ở nước ngoài, nhưng với sân chơi trong nước, họ lại mang tâm lý chờ xem sàn hoạt động như thế nào mới tham gia. Sự thiếu vắng các NĐT tổ chức lớn khiến thanh khoản của BCEC vẫn khá thấp. Điều này lại gây tắc động tiêu cực, hạn chế sự quan tâm của NĐT cá nhân. Đứng trước các thách thức này, BCEC vẫn đặt nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá là định hướng thu hút sự chú ý của NĐT trong giai đoạn tới đây. Một trong các sự kiện sắp tới là Trung tâm sẽ tổ chức phổ biến kiến thức về giao dịch hàng hóa miễn phí vào ngày 6/11 tới tại TP. HCM. Sau đó, BCEC có thể sẽ kết hợp với Đại học Kinh tế TP. HCM tổ chức sàn giao dịch hàng hóa ảo. Những nỗ lực này nhằm truyền bá để nhiều NĐT biết tới kênh đầu tư mới mẻ này.