Sàn giao dịch tài sản số: Cẩn trọng khoảng trống pháp lý

Sàn giao dịch tài sản số: Cẩn trọng khoảng trống pháp lý

(ĐTCK) Chưa có quy định pháp lý, hoạt động của các sàn giao dịch tài sản số dựa vào công nghệ blockchain có thể mang đến những rủi ro cho người tham gia. Nếu xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư sẽ ở thế “nắm dao đằng lưỡi”.

Sàn ảo huy động tiền thật

Tháng 3 năm ngoái, dự án lập VNDC - sàn giao dịch tài sản số đã ra mắt tại TP.HCM. Theo thông tin được công bố, sàn hoạt động như một nền tảng giao dịch tài chính, gồm cho vay, gọi vốn cộng đồng, phát hành voucher điểm thưởng... Toàn bộ các giao dịch được ký hợp đồng điện tử với đơn vị trao đổi giữa các bên là VNDC - "đồng tiền" sử dụng trong nội bộ hệ sinh thái của sàn. Một "đồng" VNDC tương ứng với một đồng tiền Việt Nam, có bảo chứng của các ngân hàng đối tác.

Người tham gia sàn giao dịch VNDC có thể lập hợp đồng điện tử để gọi vốn cho dự án khởi nghiệp, sản xuất sản phẩm mới, bán tài sản số khác, đi vay, cho vay hoặc phát hành voucher... Tất cả giao dịch đều được thực hiện bằng “đồng” VNDC.

Ông Phạm Xuân Huy, Tổng giám đốc CTCP Ðiện tử kinh tế Việt Nam - Vinagroups, đồng sáng lập dự án trả lời báo chí rằng, sàn giao dịch phục vụ cho nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ điều kiện vay ngân hàng và các doanh nghiệp muốn quản trị cổ phiếu minh bạch. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp, cá nhân có tiền nhàn rỗi muốn tích trữ vốn, cho vay hoặc đầu tư cũng có thể tham gia VNDC như một kênh rót tiền an toàn, minh bạch.

"Chẳng hạn, khi bạn muốn gọi vốn khởi nghiệp, bạn có thể tạo một tài khoản rỗng trên VNDC. Các nhà đầu tư quan tâm sẽ rót tiền hoặc cho bạn vay bằng 'đồng' VNDC. Sau khi chốt thương vụ, bạn có thể chuyển đổi VNDC thành đồng Việt Nam ngay lập tức với giá trị quy đổi 1:1", ông Huy nói.

Ngoài Vinagroups, dự án này có 3 cổ đông sáng lập khác gồm CTCP Ðầu tư điện tử Việt Nam - CTCP TrustPay, CTCP Ðầu tư HVA (doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX), CTCP Ðầu tư và phát triển Dgroup. Trong giai đoạn gọi vốn cộng đồng từ tháng 3 đến tháng 5, nhà đầu tư cá nhân có thể rót vốn vào dự án VNDC theo hình thức mua cổ phiếu nội bộ (VNDS). Dự kiến, có 300 triệu cổ phần VNDS được phát hành với giá từ 1.500 - 8.000 đồng/đơn vị, chia thành nhiều đợt.

“Nhà đầu tư mua VNDS sẽ nhận được cổ tức dựa trên lợi nhuận của đơn vị chủ quản dự án là CTCP Quản lý tài sản số (DAMH). Trong trường hợp chuyển nhượng, chúng tôi có chính sách giá rõ ràng nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư ban đầu”, ông Huy chia sẻ.

Gần đây, CTCP Tập đoàn Ðầu tư MCC, một đơn vị dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2020, cũng công bố mở sàn giao dịch tài sản số IZIChain. Theo đó, sàn được quảng cáo có các ưu điểm như giao diện thân thiện, cách dùng đơn giản, không phí giao dịch, tốc độ tối ưu, công bằng, bảo mật tối đa. Sàn có các chức năng chính như trao đổi số hóa, trao đổi thực, ngân hàng số.

“MCC sẽ triển khai số hóa các dự án bất động sản và tiến hành thực hiện huy động vốn cho các dự án. IZIChain sẽ sử dụng nền tảng công nghệ và kinh nghiệm đã có để thực hiện số hóa, xác định cơ cấu vốn huy động, xây dựng website, công cụ đầu tư, marketing cho chương trình”, MCC cho biết.

Rủi ro khó lường

Báo Ðầu tư Chứng khoán đã liên hệ với các đơn vị sáng lập của dự án VNDC, IZIChain để làm rõ hơn hoạt động của sàn giao dịch này.

Xét về góc độ huy động vốn của VNDC, với phương án mà lãnh đạo Vinagroups đưa ra, số tiền huy động cho riêng dự án này có thể lên tới 240 tỷ đồng và mang màu sắc rõ ràng của việc huy động vốn từ công chúng qua thị trường chứng khoán.

Theo tìm hiểu của người viết, cho đến thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào liên quan đến đợt phát hành của CTCP Quản lý tài sản số (DAMH) cho dự án sàn giao dịch tài sản số VNDC.

Tuy nhiên, một lãnh đạo từ Cơ quan Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Luật Chứng khoán không xác định rõ trường hợp này có phải là huy động vốn qua thị trường chứng khoán hay không. Vì thế, nếu phát sinh tranh chấp khiếu kiện, nhà đầu tư gửi khiếu nại đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ không xử lý trường hợp này.

Ðề cập đến tính pháp lý của những giao dịch trên các sàn giao dịch tài sản số, ông Nguyễn Cảnh Thăng, Phó trưởng phòng Pháp luật kinh tế ngành, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp nói thẳng “hiện chưa có quy định”. Nếu có tranh chấp, các bên đưa vụ việc ra tòa án và theo quy định, tòa không được từ chối thụ lý các vụ việc, nhưng thiếu khung pháp lý để xử lý, nên người dân sẽ “nắm dao đằng lưỡi”.

Tin bài liên quan