Sàn giao dịch hàng hóa: Những kinh nghiệm thành công

(ĐTCK-online) Sàn giao dịch hàng hóa và hợp đồng kỳ hạn là các khái niệm khá mới mẻ với đa số các NĐT Việt Nam. Hiện tại, trong nước đã có một số sàn đi vào hoạt động như Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) với sản phẩm cà phê; Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) với sản phẩm cao su và cà phê (từ ngày 18/4); Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom - STE) với mặt hàng thép và đường.

Theo dự báo, sân chơi này thời gian tới tiếp tục xuất hiện nhiều gương mặt và sản phẩm mới. Kinh nghiệm thành công của các sàn hàng hóa trên thế giới là một gợi ý cho Việt Nam trong việc xây dựng, đồng thời cũng cho thấy khá nhiều bất cập trong việc phát triển và quản lý mô hình này.

Sự hậu thuẫn của Chính phủ

Trong cuộc hội thảo mới đây về sàn hàng hóa do Bộ Công Thương tổ chức, ông Chong Kim Seng, Giám đốc điều hành Sở giao dịch hàng hóa phái sinh Bursa tại Malaysia đã chia sẻ, sự thành công của Sở in đậm sự hậu thuẫn của Chính phủ nước này. Chẳng hạn, trong các chuyến công du ra nước ngoài hay gặp gỡ các NĐT quốc tế, từ Phó thủ tướng Malaysia (phụ trách vấn đề về công thương), Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia thường xuyên giới thiệu về hoạt động và cơ hội đầu tư vào sàn hàng hóa dầu cọ của nước này. Sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ Malaysia không chỉ giới hạn ở việc tuyên truyền quảng bá thương hiệu, mà còn cả ở việc tổ chức vận hành.

Ông Chong Kim Seng cho biết, về cơ chế quản lý, Chính phủ nước bạn cũng tham gia khá sâu vào hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa Malaysia . Cách thứ nhất là thông qua các quỹ do Chính phủ quản lý (tương tự SCIC của Việt Nam ), Chính phủ Malaysia tham gia mua lại một số cổ phần nhất định để có thể tham gia quản lý. Cách thứ hai là Chính phủ nắm giữ việc bổ nhiệm các chức danh quan trọng, Sở giao dịch hàng hóa chỉ được quyền đề xuất. Điều này cũng tương tự thông lệ tại sở giao dịch hàng hóa của các quốc gia trong khu vực: 1/3 các chức danh chủ chốt tại các sở giao dịch là nhân sự được chính phủ bổ nhiệm. Điều này đảm bảo các sàn hàng hóa hoạt động minh bạch và công bằng. Cả nhà sản xuất lẫn nhà đầu tư tài chính cần được bảo vệ.

Sự kiên nhẫn

Chưa có sàn giao dịch hàng hóa nào ra đời và thành công ngay lập tức. Ông Chong Kim Seng đã chi sẻ kinh nghiệm trên và cho biết, sàn hàng hóa Malaysia ra đời từ năm 1968. Mô hình hiện tại được cải tiến và định hình vào những năm 90 của thế kỷ trước và duy trì đến ngày nay. Tuy nhiên, phải gần 10 năm sau khi tái cấu trúc, sàn hàng hóa Malaysia mới thực sự có bước nhảy vọt, khởi sắc từ năm 2002.

Theo ông Chong Kim Seng, giao dịch hàng hóa kỳ hạn là một sản phẩm hiện đại. Các nhóm chủ thể tham gia như NĐT tài chính thuần túy và nhà sản xuất có nhu cầu bảo hộ giá cần một thời gian dài để làm quen, học hỏi. Một trong các tiêu chí đánh giá sự thành công của sàn hàng hóa là tính thanh khoản. Điều này chỉ đến khi sàn thu hút được nhiều nhóm NĐT. Sự quan tâm của công chúng chỉ đến sau một giai đoạn bền bỉ tuyên truyền, giáo dục và bổ trợ kiến thức cho các NĐT.

 

Sự hoạch định chiến lược

Để không xảy ra tình trạng cạnh tranh mang tính thôn tính lẫn nhau, nhiều quốc gia đã hoạch định chiến lược khá tốt, giới hạn số sàn hàng hóa ngay từ ban đầu. Trung Quốc là một quốc gia đã thấm nhuần khá lớn bài học này. Thời cực thịnh, quốc gia đông dân nhất hành tinh này có vài chục sàn hàng hóa khác nhau, cho phép NĐT giao dịch đủ loại hàng hóa từ kim loại quý tới các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, do phát triển nóng, thiếu quy hoạch nên sau đó các sàn đã chịu sự điều tiết theo quy luật thị trường. Giờ đây, số sàn hàng hóa tại Trung Quốc trụ lại được chỉ đếm trên đầu ngón tay, điển hình như sàn giao dịch Đại Liên với các mặt hàng nông sản, sàn Thượng Hải với sản phẩm kim loại quý…

Kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng cho thấy, định hướng chiến lược của một quốc gia cho phép tồn tại song song nhiều sàn hàng hóa thì nên chuyên biệt các sản phẩm để tránh chồng chéo, cạnh tranh nội bộ, lãng phí nguồn lực. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, sàn nông sản Đại Liên rất mạnh với hơn 200 thành viên, số lượng NĐT đăng ký giao dịch hơn 200.000 người, hoạt động vươn ra 30 tỉnh, thành. Doanh số hàng năm của sàn Đại Liên lên tới 30 tỷ nhân dân tệ. Song song với sàn Đại Liên, sàn giao dịch Thượng Hải chỉ chuyên biệt về kim loại màu.

Bên cạnh đó, bài học từ các quốc gia đi trước cho thấy, sàn hàng hóa luôn được đặt  gần các vùng trọng điểm về nguyên liệu trọng điểm. Có thể thấy điều này với trường hợp của sàn hàng hóa Bursa (Malaysia) nổi danh vì mặt hàng dầu cọ - thế mạnh của nước này, sàn giao dịch hàng hóa Singapore (SICOM) gắn với mặt hàng cao su - thế mạnh của các quốc gia Đông Nam Á… Điều này xuất phát từ thực tế giai đoạn ban đầu các sàn hàng hóa cần sự tham gia đông đảo của các nhà sản xuất có nhu cầu bảo hiểm giá. Vị trí địa lý thuận lợi, chuyển giao hàng nhanh gọn là điều kiện tiên quyết tạo nên sự thành công.