Sàn giao dịch bất động sản: Vui vẻ... “nộp phạt”

Sàn giao dịch bất động sản: Vui vẻ... “nộp phạt”

(ĐTCK-online) Ngày 21/1, Đoàn Thanh tra liên ngành bao gồm Thanh tra Bộ Xây dựng, C46 Bộ Công an, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng đã công bố sai phạm của 25/61 sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội sau khi tiến hành thanh tra theo Quyết định số 761/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chứng kiến buổi công bố trên có đại diện của trên 60 sàn giao dịch.

Đối tượng chính của cuộc thanh tra này là những sàn giao dịch thuộc sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty, công ty đang thực hiện dự án xây dựng các khu đô thị mới, chủ yếu là các sàn bất động sản đã có thâm niên hoạt động ít nhất 3 năm.

Tiến sỹ Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, sai phạm tại các sàn giao dịch chủ yếu là các hành vi chủ đầu tư khai khống vốn chủ sở hữu để xin thực hiện dự án; bán bất động sản không đủ điều kiện như chung cư bán khi chưa hoàn thành móng; biệt thự bán khi chưa hoàn thành xây thô; không công bố thông tin về sàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; bán bất động sản khi chưa có giấy phép xây dựng; huy động vốn vượt quá 70%...

Tất cả các sàn giao dịch đều thừa nhận hành vi sai phạm. Điều đáng nói là với mức phạt 60 - 250 triệu đồng (cộng gộp các vi phạm), hầu hết các sàn này đều "vui vẻ" khẳng định, sẵn sàng nộp đủ tiền phạt ngay sau khi có quyết định, không thắc mắc, khiếu nại gì. Lý giải điều này, giới đầu tư bất động sản cho rằng, mức phạt như trên vẫn chưa đủ sức răn đe với các sàn, bởi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt, mức lợi nhuận đối với mỗi giao dịch thành công là rất lớn.

Mới đây nhất, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng công bố kết luận xử phạt 11 sàn giao dịch bất động sản khác tại TP. HCM như sàn ACB, Intasco, BCCI, Quốc Cường, Chương Dương,... với những sai phạm giống như tại Hà Nội. Điểm khác biệt duy nhất là danh sách các sàn tại TP. HCM vi phạm được công bố công khai ngay. Trong khi đó, phóng viên ĐTCK đã nhiều lần liên hệ và gặp trực tiếp Thanh tra Bộ Xây dựng nhưng vẫn không nhận được danh sách các sàn vi phạm tại Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có gần 700 sàn giao dịch bất động sản. Sự ra đời ồ ạt của các sàn khiến việc chấp hành các quy định của luật rất hình thức, thậm chí mang tính che chắn, đối phó, cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Với tỷ lệ sai phạm của các sàn lên tới hơn 40% (tại Hà Nội) thì các kiểu "bán lúa non", khai khống vốn, rồi huy động vốn, bán suất ngoại giao... đã tạo nên sự hỗn loạn của thị trường.

Để các sàn giao dịch bất động sản thực hiện đúng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư thì các doanh nghiệp phải xác định đúng vai trò, vị trí của sàn giao dịch trong chiến lược kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những hoàn thiện khung chính sách đối với loại hình hoạt động này, đồng thời minh bạch trong công bố thông tin, hỗ trợ cho các sàn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như tính minh bạch của các sàn.