Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Sàn đỏ lửa vì đâu?

(ĐTCK) Ðó là câu hỏi mà tổng giám đốc một công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đặt ra khi ông chưa thật tin vào lý giải của mình trước thực trạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chuyển động ngược đà tăng trưởng của nền kinh tế. 

Nếu cứ đà này, nhiều mục tiêu phát triển thị trường năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra sẽ không thể hoàn thành.

Mục tiêu đầu tiên có nguy cơ không đạt là việc gia tăng số lượng nhà đầu tư tham gia TTCK, với kế hoạch đạt 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

TTCK khó kiếm lãi, khiến nhà đầu tư ngày càng rơi rụng. Số tài khoản được mở đến cuối năm 2019 là 2,35 triệu, tăng 7,5% so với cuối năm 2018.

Nhìn trong chuỗi 3 năm gần đây thì lại thấy, tốc độ tăng tài khoản mới có xu hướng giảm dần.

Nếu năm 2020 không có giải pháp mới và giả sử tăng trưởng số tài khoản trên TTCK tương đương năm 2019 thì cuối năm, số tài khoản nhà đầu tư cũng chỉ đạt con số 2,5 triệu, thấp xa so với kế hoạch 3% dân số có tài khoản đầu tư chứng khoán.

Mục tiêu thứ hai có nguy cơ không thực thi được là việc phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cụ thể là các công ty quản lý quỹ đầu tư.

Toàn TTCK có 48 công ty quản lý quỹ, đang quản lý tổng tài sản khoảng 300.000 tỷ đồng, nhưng 90% số này đến từ việc ủy thác quản lý đầu tư.

Khối tài sản quản lý ủy thác lại tập trung chủ yếu vào 3 công ty quản lý quỹ có công ty bảo hiểm đứng sau, đó là Eastpring Investment, Bảo Việt, Manulife (chiếm 75%).

Lượng vốn do các quỹ huy động được từ công chúng chưa tới 33.000 tỷ đồng, chia cho 48 quỹ đầu tư được cấp phép.

Nếu không có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển thì các công ty không lập được quỹ, không có khách hàng ủy thác đầu tư sẽ không còn đất sống.

Tương lai ngành quỹ sẽ thu lại trong một vài công ty đứng đầu, khó có thể tạo nên lực lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp, thay thế cho tỷ trọng 90% nhà đầu tư là các cá nhân như hiện nay.

Nhiều mục tiêu khác như tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, tăng quy mô vốn hóa (100% GDP), tăng độ sâu và tính chuyên nghiệp… cũng khó có thể thực hiện được trên hiện trạng thị trường yếu thanh khoản và kéo dài chuỗi đỏ sàn như hiện nay.

Không thể phủ nhận rằng, những bất ổn trong bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, khiến dòng tiền chọn các công cụ an toàn như vàng, bạch kim… hơn là chứng khoán.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tình trạng thanh khoản giảm và sàn đỏ rực trên nền tảng nền kinh tế tăng trưởng cao khiến nhiều người cảm nhận, đó là một nghịch lý, cần có lời giải khác, chứ không thể nương theo quốc tế là xong.

Tính đến ngày 6/1/2020, TTCK Việt Nam trải qua 7 phiên liên tiếp thanh khoản dưới mức 2.500 tỷ đồng, chỉ bằng 0,057% so với giá trị vốn hóa (vốn hóa TTCK đạt 4,383 triệu tỷ đồng cuối năm 2019).

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, họ thiếu niềm tin vào sức khỏe tài chính và khả năng kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp niêm yết nên rút dần ra khỏi TTCK.

Tuy nhiên, tổng giám đốc công ty chứng khoán ngoại trên nghiêng về quan điểm, sức khỏe tài chính doanh nghiệp chỉ là nguyên nhân thứ hai, còn nguyên nhân chính là cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đều hụt kỳ vọng khi họ nhận ra rằng, những giải pháp họ chờ đợi từ lâu như nới room, T+0, NVDR, nâng hạng… vẫn ở tương lai xa.

Mỗi năm, công ty tổ chức vài cuộc roadshow về TTCK Việt Nam ở quốc tế, nhưng ông rất khó xử mỗi khi nhà đầu tư nước ngoài có những câu hỏi cụ thể về Việt Nam.

Năm nay, ông cũng chưa biết sẽ nói gì về điểm mới của TTCK Việt Nam. “Chính tâm lý hụt kỳ vọng khiến dòng tiền dè dặt và không còn nhiệt tâm chảy vào chứng khoán”.

Dù có lý giải riêng, nhưng vị tổng giám đốc CTCK ngoại vẫn tiếp tục đặt câu hỏi vì sao thị trường đỏ lửa?

Chắc chắn không có câu trả lời chung nhất cho tất cả các chủ thể, nhưng các quan điểm cần được chia sẻ để giữ lại sự gắn kết và niềm tin, TTCK sẽ tăng trưởng.

Tin bài liên quan