Chiến lược “săn” cổ tức có thể giúp nhà đầu tư hưởng lợi kép, nhưng cơ hội hiện tại được nhìn nhận không còn nhiều

Chiến lược “săn” cổ tức có thể giúp nhà đầu tư hưởng lợi kép, nhưng cơ hội hiện tại được nhìn nhận không còn nhiều

“Săn” cổ tức khi thị trường đi ngang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chứng khoán duy trì xu hướng đi ngang, ít có cơ hội kiếm lời từ chênh lệch giá, cổ phiếu của doanh nghiệp trả cổ tức cao được nhà đầu tư ưu tiên.

Chọn đúng cổ phiếu là lãi “kép”

Nhà đầu tư Duy Quang chia sẻ, sau thời gian “lướt sóng” các cổ phiếu có biến động giá lớn, nhưng lãi ít đã chốt lời, còn lỗ lớn mới cắt, dẫn đến kết quả thua lỗ gần 30% tài khoản. Trong 2 tháng gần đây, anh chuyển hướng đầu tư sang nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định và chi trả cổ tức ở mức cao. Hiện tại, nhà đầu tư này chủ yếu nắm giữ cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) và cổ phiếu BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh.

Theo anh Quang, chiến lược nhằm vào cổ tức tỏ ra hiệu quả khi giá cổ phiếu VEA hiện tăng so với giá mua, đồng thời anh được nhận cổ tức hơn 4.000 đồng/cổ phiếu; còn mã BMP tăng giá đáng kể và mức cổ tức cao hơn, 6.500 đồng/cổ phiếu. Ước tính, 2 mã này đang mang lại mức sinh lời khoảng 20% chỉ trong thời gian ngắn.

Những năm qua, VEAM ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định, lợi nhuận bình quân gần 7.000 tỷ đồng/năm và chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ trên 40%, trong đó năm 2019 và 2020 là hơn 50%, năm 2022 là gần 42%, năm 2023 và 2024 dự kiến duy trì ở mức cao. Với thị giá gần đây dao động quanh mức 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức của cổ phiếu VEA đạt khoảng 12%, cao hơn gấp đôi lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Cổ phiếu BMP đang có thị giá cao, trên 90.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tỷ suất cổ tức vẫn hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng. Đặc biệt, những ai nắm giữ cổ phiếu BMP từ đầu năm 2023 thì đến nay lãi lớn, vì giá cổ phiếu tăng gần gấp đôi, do lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 của Nhựa Bình Minh vượt mức kỷ lục của cả năm 2022.

Trong khi đó, nhà đầu tư Minh Hằng đang nắm giữ cổ phiếu NT2 của Công ty cổ phần Điện lực Nhơn Trạch 2 (NT2), doanh nghiệp có kết quả kinh doanh và mức chia cổ tức ổn định.

“Giá cổ phiếu NT2 từ giữa năm 2023 đến nay có diễn biến giảm, nhưng giảm không đáng kể so với xu hướng tăng kéo dài từ nhiều năm trước. Cổ phiếu này đã mang lại thu nhập đáng kể cho tôi trong những năm qua”, chị Minh Hằng nói.

Một số nhà đầu tư khác quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng, khi hình thức chia cổ tức bằng tiền được thực hiện sau vài năm tạm dừng. Giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu, dành nguồn lực để xử lý nợ xấu, nhưng năm 2023 không còn “cấm” như trước. Không ít nhà băng đã và đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền như HDBank, MB, VIB, TPBank, VPBank, ACB… Trong đó, HDBank chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, MB chia cổ tức 5%, TPBank chia cổ tức 25%.

Các chuyên gia khuyến nghị, những lúc thị trường biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, hoạt động kinh doanh cầm chừng, thì sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tốt, trả cổ tức tiền mặt cao sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng có lãi.

Triển vọng doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng khi lựa chọn cổ phiếu đầu tư.

Trên thế giới, chiến lược lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh tốt và chờ nhận cổ tức được nhiều nhà đầu tư giá trị áp dụng, trong đó có tỷ phú Warren Buffett. Bí quyết thành công của huyền thoại đầu tư Warren Buffett đó là kiếm tiền từ khi chọn mua cổ phiếu, chứ không phải chờ đến lúc chốt lời, bởi ông xác định mục tiêu ngay từ đầu là đợi hưởng cổ tức và đầu tư dài hạn, chứ không đầu cơ lướt sóng ngắn hạn.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trọng Đình Tâm nhận xét: “Đầu tư nhận cổ tức tiền mặt là phương pháp an toàn, bớt rủi ro hơn nhiều so với việc giao dịch liên tục trên thị trường và phù hợp cho nhà đầu tư giá trị trong thời gian đủ dài”.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nhà đầu tư quan tâm hơn đến kênh đầu tư cổ phiếu với các mã chi trả cổ tức cao. Tuy nhiên, đó phải là cổ phiếu của những công ty có nguồn thu nhập ổn định, chính sách cổ tức ổn định, lợi nhuận sau thuế trong năm khó khăn 2023 vẫn khả quan. Một số cổ phiếu đáng quan tâm như CNG của Công ty cổ phần CNG Việt Nam, NT2 của Công ty cổ phần Điện lực Nhơn Trạch 2, PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa, PVI của Công ty cổ phần PVI…

Lưu ý “bẫy cổ tức”

Chiến lược “săn” cổ tức có thể giúp nhà đầu tư hưởng lợi kép từ cổ tức và khả năng giá cổ phiếu tăng, nhất là khi lãi suất giảm mạnh. Mặc dù vậy, cơ hội hiện tại được nhìn nhận không còn nhiều.

“Hiện không có quá nhiều công ty trả cổ tức cao, đồng thời thị trường đã phản ánh khả năng trả cổ tức vào giá cổ phiếu, tức giá đã tăng, cũng như lựa chọn doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng đều đặn không phải điều dễ dàng. Có những doanh nghiệp kinh doanh tốt trong nhiều năm, nhưng không đảm bảo sẽ duy trì điều đó trong tương lai, nên cần đánh giá triển vọng phát triển kỹ lưỡng”, anh Hoài Nam, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ.

Ngoài ra, nhà đầu tư mua cổ phiếu sát ngày chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức có thể gặp phải rủi ro “đu đỉnh”, tuy được hưởng cổ tức nhưng đối diện với nguy cơ thua lỗ vì giá giảm, chưa kể cổ tức phải nộp thuế thu nhập 5%.

Anh Nam lưu ý, hiện nay, một số doanh nghiệp chi trả mức cổ tức rất cao, nhưng chỉ trong 1 - 2 năm kinh doanh thuận lợi, hoặc có các khoản ghi nhận lãi đột biến. Nếu hoạt động kinh doanh không còn thuận lợi và khó khăn xuất hiện có thể đẩy giá trị công ty giảm nhanh vì lợi nhuận sụt giảm, đồng nghĩa giá cổ phiếu đi xuống và cổ tức cao không còn, thì nhà đầu tư mua cổ phiếu nhằm hưởng cổ tức trước đó rơi vào “bẫy cổ tức”.

Mặt khác, những doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt cao thường thuộc nhóm ngành “bình bình”, không có nhu cầu đầu tư mở rộng, triển vọng tăng trưởng không còn nhiều, đồng nghĩa dư địa tăng giá cổ phiếu ở mức thấp và mức chia cổ tức đã đạt giới hạn. Trường hợp lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt, việc hạn chế đầu tư mở rộng có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ lợi nhuận chuyển từ bão hòa sang suy giảm, dòng cổ tức theo đó sẽ giảm, giá cổ phiếu cũng giảm.

Tin bài liên quan