Sân chơi “Tài chính thông minh”: Tạo nguồn lực công nghệ tài chính cho Việt Nam

Sân chơi “Tài chính thông minh”: Tạo nguồn lực công nghệ tài chính cho Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 11/4, Thời báo Ngân hàng và Tập đoàn FPT công bố về việc phối hợp đẩy mạnh giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông toàn quốc. Đồng thời, thực hiện ký kết hợp tác triển khai sân chơi “Tài chính thông minh” - sân chơi giáo dục tài chính trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh phổ thông toàn quốc.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán tại sự kiện, ông Đào Hồng Giang, Phó chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Khối Tài chính - Ngân hàng FPT IS thuộc Tập đoàn FPT cho biết, thị trường lao động của Việt Nam hiện đang rất sôi động và ngành ngân hàng không ở ngoài guồng quay này. Bắt đầu từ giai đoạn Đổi mới và đặc biệt trong khoảng 15 - 20 năm trở lại đây, nguồn nhân lực ngành tài chính ngân hàng có sự hiểu biết về công nghệ thông tin rất nóng hổi.

Ông Giang chia sẻ, thực tế triển khai các dự án cho khách hàng là ngân hàng xong, FPT IS sau đó thường bị khách hàng “câu” nhân lực ở ba vị trí: Thứ nhất, quản trị dự án; Thứ hai, phân tích nghiệp vụ (đây là người vừa hiểu biết công nghệ, vừa “phiên dịch” nhu cầu ngành tài chính ngân hàng sang công nghệ để lập trình); Thứ ba, lập trình viên trưởng.

Để có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh về nguồn nhân lực khốc liệt, ông Giang cho biết, FPT IS đã triển khai các chính sách đãi ngộ, cũng như xây dựng định hướng phát triển sản phẩm và thị trường để có thể “cầu hiền” ngược lại từ các ngân hàng, các hãng công nghệ chuyên làm các giải pháp tài chính ngân hàng.

Trước đây, nếu có cơ hội, người dân sẽ được học về tài chính và công nghệ từ khối đại học, còn thực tế hiện nay công nghệ đã phổ biến và đi xuống dần cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học. Với việc giáo dục kiến thức tài chính ngân hàng cũng được phổ cập dần xuống các cấp học, ông Giang tin rằng, với nền kiến thức chung vừa về công nghệ vừa về tài chính của học sinh, sinh viên sẽ giúp cho lực lượng lao động trong tương lai hiểu biết cả về công nghệ và tài chính ngân hàng dồi dào hơn.

“Thời gian tới, khi sự cạnh tranh khốc liệt về nhân sự trong lĩnh vực công nghệ, tài chính ngân hàng giảm nhiệt hơn sẽ chứng minh sân chơi “Tài chính thông minh” là một chiến lược hợp lý, rất tốt không chỉ cho Tập đoàn FPT hay ngành tài chính ngân hàng nói riêng mà là nguồn lực lao động của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, tôi tin tưởng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn với lực lượng lao động của các quốc gia khác trong khu vực, trên thế giới”, ông Giang nói.

Chia sẻ tại sự kiện bà Lê Thị Thuý Sen, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia hướng tới việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân. Đặc biệt là giúp những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng để thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính và tạo ra một cộng đồng tài chính thông minh. Trong đó, để thay đổi nhận thức thói quen tài chính cần tập trung vào các nhóm đối tượng mục tiêu.

“Chúng tôi hướng tới giới trẻ bởi đây là lực lượng lao động chính trong tương lai, những người thường xuyên sử dụng các ứng dụng công nghệ để lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Do vậy, khi thay đổi được nhận thức, thói quen, hành vi tiêu dùng, hiểu biết tài chính của giới trẻ, chúng ta sẽ tạo ra được sự thay đổi của cộng đồng. Chúng tôi hi vọng sự hợp tác này sẽ góp phần tạo ra một cộng đồng tài chính tốt đẹp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai”, bà Sen nói.

Được biết theo chương trình hợp tác, hai bên thống nhất đồng tổ chức sân chơi “Tài chính thông minh” với mục tiêu ươm mầm, giáo dục kiến thức tài chính cho học sinh trên toàn quốc, giúp các em hình thành thói quen chi tiêu thông minh, biết tiết kiệm, đầu tư hiệu quả và rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính cá nhân ngay từ sớm, sẵn sàng trở thành những công dân số vững vàng kiến thức tài chính.

Sân chơi “Tài chính thông minh” dự kiến triển khai từ tháng 5/2025, dành cho học sinh Tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc. Sân chơi được thiết kế theo mô hình hiện đại, kết hợp thi trực tuyến trên nền tảng VioEdu và các hoạt động trải nghiệm thực tế và không phải trả phí.

Tham gia sân chơi, học sinh sẽ vượt qua các thử thách tài chính được thiết kế theo cấp độ từ cơ bản đến nâng cao, rèn luyện kỹ năng quản lý chi tiêu, tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính cá nhân qua từng vòng thi. Đặc biệt, các em sẽ được trải nghiệm các tình huống tài chính thực tiễn - “những kỹ năng rất thật, rất đời và cực kỳ cần thiết cho hành trang trưởng thành”, trước khi bước vào vòng chung kết toàn quốc.

Với các hệ thống câu hỏi chất lượng, nội dung gần gũi và hình thức thi đấu sinh động trên nền tảng trực tuyến, chương trình sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức về tiêu dùng, tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân theo hình thức “học mà chơi – chơi mà học”. Dự kiến, trong năm đầu tiên, chương trình sẽ tiếp cận hơn 5 triệu học sinh.

Tin bài liên quan