Theo văn bản mà Samsung gửi đến các ngành chức năng của TP.HCM, việc tìm các nhà cung cấp nội địa tập trung vào một số ngành như cơ khí (gồm phun nhựa, in kim loại, ốc vít, linh kiện cao su), điện (bảng mạch in cứng, công tắc, mô tơ, quận dây, lò xo, cảm biến, biến thế), lắp ráp PCB (khung cơ khí, module điện tử, cụm điều khiển từ xa), vật liệu phụ (băng dính, linh kiện đóng gói, túi PE, tấm phủ, đệm, hộp carton, sách hướng dẫn sử dụng), nguyên liệu thô (hạt nhựa, lò xo thép, giấy cuộn…).
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, sau khi nhận được văn bản của Samsung và được sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, Sở đã gặp gỡ đại diện một số doanh nghiệp trong nước hoạt động trong các ngành mà Samsung đề nghị, đồng thời tham mưu với Thành phố về các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để có đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp cho Samsung.
Cũng theo ông Đông, sau cuộc gặp này, Sở lập danh sách doanh nghiệp có khả năng cung cấp các sản phẩm theo yêu cầu để Samsung xem xét, thực hiện các bước tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đầu tuần này, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban SHTP cho biết, sau nhiều vòng làm việc, danh sách từ hơn 100 doanh nghiệp ban đầu đã “rút gọn” còn 1/3. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp tạm… trúng tuyển này, Samsung cũng phân ra theo các tiêu chí. Với khoảng 15 doanh nghiệp có những tiêu chí tốt nhất, đại diện của Samsung sẽ xuống khảo sát thực tế, xem nơi sản xuất, quy trình sản xuất…, sau đó sẽ xem xét, quyết định.
Theo bà Loan, lĩnh vực mà Samsung sản xuất tại SHTP là hàng điện tử gia dụng, khá đa dạng về sản phẩm, nên các loại linh kiện, phụ kiện cũng rất nhiều loại, từ nhựa, cao su đến bao bì, sắp thép, cơ khí, khuôn mẫu, điện...
Do đó, cửa rất rộng mở cho các nhà cung cấp nội địa, song có tận dụng được hay không lại là chuyện khác, bởi Samsung yêu cầu rất cao đối với nhà cung cấp về công nghệ, chất lượng sản phẩm, thời gian cung ứng…
“SHTP đang hoàn thiện báo cáo tổng hợp các vấn đề liên quan đến nhà cung cấp nội địa cho Samsung, trong đó có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để trình lãnh đạo Thành phố xem xét”, bà Loan nói và cho biết, ngoài những đề xuất về cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn… cho doanh nghiệp, SHPT cũng đề xuất bố trí phòng trưng bày những sản phẩm mẫu, phù hợp với yêu cầu của Samsung để doanh nghiệp tham khảo.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại LIDOVIT cho biết, theo quy trình, để có thể trở thành nhà cung cấp cho Samsung, doanh nghiệp phải qua nhiều bước. Đó là, làm việc với đại diện của Samsung tại SHTP, rồi làm việc với đơn vị tư vấn, sau đó khảo sát mẫu do Samsung đưa ra.
Ông Hiệu cho rằng, để trở thành nhà cung cấp trong hệ thống của Samsung, dù qua được các bước nói trên, thì vẫn rất khó khăn, vì còn phải phụ thuộc vào các đối tác khác của Samsung đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM cho biết, mới đây, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát về khả năng cung ứng của các doanh nghiệp thành viên theo các yêu cầu của Samsung. Theo kết quả khảo sát, có tới 90% doanh nghiệp không đáp ứng được về giá; 10% còn lại giá rẻ, nhưng chất lượng sản phẩm và quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu...
Với thực tế như vậy, doanh nghiệp Việt Nam rất khó có thể trở thành nhà cung cấp chính cho Samsung. Do đó, nhiều khả năng, các nhà cung cấp chính cho Samsung sẽ vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên doanh nghiệp Việt chỉ có thể là nhà cung cấp phụ.
Theo ông Việt Anh, để có thể trở thành nhà cung ứng cho Samsung hay các tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp Việt cần phải mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ để bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều, đồng thời nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, hạ giá thành sản phẩm.