Chi tiết các kế hoạch đầu tư của Samsung chưa được tiết lộ, song sau văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Tập đoàn Samsung, thì hình hài “đại kế hoạch” này đã có thể được phác thảo. Đó là kế hoạch đầu tư vào Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), Sân bay Long Thành (Đồng Nai), tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, thậm chí cả hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chính phủ điện tử…
Điều này trên thực tế đã được nhắc tới từ năm ngoái, khi Samsung C&T (Xây dựng và Thương mại) ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hợp tác đầu tư và phát triển hạ tầng. Khi đó, các lĩnh vực được thỏa thuận hợp tác còn có cả lọc hóa dầu, mà sau này, đã có thông tin về việc Samsung quan tâm Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn. Còn với đóng tàu, Samsung quan tâm việc phát triển nhà máy ở Khánh Hòa.
Kế hoạch này thêm một lần nữa được xác nhận khi cách đây mấy ngày, ông Ha Chan Ho, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đã tới làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là Cố vấn cao cấp chiến lược của Tập đoàn Samsung và chia sẻ với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về mối quan tâm tới hàng loạt lĩnh vực đầu tư thế mạnh của Tập đoàn, ngoài điện tử.
“Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ở Việt Nam”, ông Ha Chan Ho nói và cho biết, hiện Trung tâm đã được đặt tại tòa nhà PVI của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đi thuê), với khoảng 800 kỹ sư đang làm việc. Theo kế hoạch, trong năm nay, con số này sẽ tăng lên 1.400 người và tới năm 2016 sẽ là 2.000 người.
Theo ông Ha Chan Ho, hiện tại, Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung được đặt tại Ấn Độ và Tập đoàn hy vọng, Trung tâm R&D tại Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn nhất. Tuy nhiên, để phát triển trung tâm này, Tập đoàn cần một quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất, chứ không phải đi thuê như hiện nay.
Liên quan tới vấn đề này, UBND TP. Hà Nội đã từng đề xuất việc Samsung xây dựng Trung tâm R&D tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, lý giải rằng xây Trung tâm ở xa sẽ khó thu hút kỹ sư vào làm việc, Samsung luôn kiến nghị có quỹ đất ở khu vực thành phố.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong chỉ đạo mới đây về đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Samsung, cũng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội hỗ trợ, giới thiệu địa điểm phù hợp để Samsung xây dựng Trung tâm R&D.
Và triết lý “win - win”
Ông Ha Chan Ho, khi làm việc với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã rất thẳng thắn chia sẻ một triết lý, một nguyên tắc rất cơ bản của Samsung khi đầu tư tại Việt Nam, đó là mang lại lợi ích cho cả hai bên - “win - win”. Chia sẻ này đã nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bởi theo Bộ trưởng, chỉ các mối quan hệ hợp tác dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, thì mới bền vững và lâu dài.
“Samsung khi vào Việt Nam đã nhận được đánh giá cao vì các cam kết đầu tư được thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng. Samsung cũng đã nhận được các cơ chế ưu đãi tốt nhất từ Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, khi đã sản xuất - kinh doanh có lợi nhuận, phải đóng góp cho Việt Nam, để mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Ha Chan Ho cho biết, năm 2013, Samsung Electronics Việt Nam (SEV), sau thời gian miễn thuế, đã bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Con số dự kiến trong năm 2014 là 60 - 70 triệu USD.
Thông tin từ Ban quản lý KCN Bắc Ninh, năm 2013, Samsung đã nộp tổng cộng gần 92 triệu USD tiền thuế (tương đương 2.000 tỷ đồng), trong đó riêng thuế nội địa là 1.000 tỷ đồng.
Ngoài thuế, theo thông tin của Báo Đầu tư, năm 2013, SEV đã đóng góp tới gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với 23,9 tỷ USD. Giá trị gia tăng cũng không hề nhỏ, lên tới 7,6 tỷ USD - một con số mà không doanh nghiệp nào ở Việt Nam có được.
Báo cáo của SEV, năm 2013, tổng trị giá nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện của SEV là 16,3 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 2,7 tỷ USD nguyên vật liệu, linh kiện được mua ở trong nước. Với kết quả này, tỷ lệ nội địa hóa của SEV trong năm qua đã ở mức 33%.
Theo kế hoạch, với việc Samsung Thái Nguyên (SEVT) dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 3 tới, Samsung sẽ xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD trong năm nay và giá trị gia tăng sẽ lớn hơn nữa, khi 60 nhà đầu tư vệ tinh hiện tại tiếp tục sản xuất ổn định, cung cấp số lượng lớn linh, phụ kiện cho nhà sản xuất này.