Sản xuất điện thoại di động ở Nhà máy Samsung Thái Nguyên
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/11/2014 cả nước có 1.427 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 13,41 tỷ USD, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, còn có 515 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,92 tỷ USD, bằng 55,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 11 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 17,33 tỷ USD, bằng 83,3% so với cùng kỳ 2013.
Dự án Samsung Electronics Thái Nguyên (SEVT) - giai đoạn II, vốn đăng ký 3 tỷ USD, có thể nói, đã đóng góp rất lớn khiến vốn FDI đăng ký mới đã xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, có 3 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư và cả 3 dự án này đều của nhà đầu tư Samsung (Hàn Quốc). Ngoài dự án 3 tỷ USD vừa được trao chứng nhận đầu tư hôm 17/11, Samsung còn có Dự án Samsung CE Complex, vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, ở TP.HCM và Dự án Samsung Display, 1 tỷ USD, ở Bắc Ninh.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, 11 tháng đầu năm, các dự án FDI đã giải ngân được 11,2 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Dự án 3 tỷ USD của Samsung đã giúp Thái Nguyên chiếm vị trí dẫn đầu trong số các địa phương thu hút FDI 11 tháng qua, với 3,27 tỷ USD. Tiếp đó là TP.HCM, với 3,01 tỷ USD, và Bình Dương, với 1,42 tỷ USD.
Trong khi đó, nếu xét theo đối tác, từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 6,82 tỷ USD, chiếm 39,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 2,75 tỷ USD, chiếm 15,9 % tổng vốn đầu tư. Còn Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 1,71 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư.