Dự án Chung cư Samland Riverside và Khu dân cư Nhơn Trạch chậm tiến độ kéo dài

Dự án Chung cư Samland Riverside và Khu dân cư Nhơn Trạch chậm tiến độ kéo dài

Samland: Nặng gánh dự án "treo"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) thua lỗ trong 2 năm vừa qua khi 2 dự án trọng điểm không được triển khai do vướng mắc pháp lý, trong khi hơn 667 tỷ đồng, chiếm 74,3% tổng tài sản đã được doanh nghiệp “đổ” vào đây.

Dự án chậm tiến độ kéo dài

Samland lên kế hoạch niêm yết trên HOSE năm 2021 - 2022, nhưng do kinh doanh thua lỗ, không còn đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, nên năm 2023 đã quyết định huỷ kế hoạch này.

Với việc lỗ 61,8 tỷ đồng trong năm 2022 và lỗ thêm 15,6 tỷ đồng trong năm 2023, nếu Samland muốn quay trở lại kế hoạch niêm yết thì phải có lãi tối thiểu trong 2 năm 2024 và 2025.

Bên cạnh kế hoạch niêm yết thất bại, vấn đề lớn nhất mà cổ đông đặt ra đối với Samland là doanh nghiệp sở hữu 2 dự án trọng điểm, chiếm phần lớn tài sản, nhưng mãi vẫn chưa thể triển khai và đưa vào khai thác, đó là dự án Chung cư Samland Riverside và dự án Khu dân cư Nhơn Trạch, điều này dẫn tới việc Công ty mất chi phí cơ hội, đồng thời chôn vốn đầu tư kéo dài.

Cụ thể, tính tới 30/6/2024, Samland ghi nhận tài sản dở dang dài hạn 667,1 tỷ đồng, chiếm 74,3% tổng tài sản. Trong đó, 532,1 tỷ đồng tại dự án Khu dân cư Nhơn Trạch (đầu năm 2024 ghi nhận 530,7 tỷ đồng) và 135,08 tỷ đồng tại dự án Chung cư Samland Riverside (đầu năm 2024 ghi nhận 134,6 tỷ đồng).

Trước đó, thời điểm cuối năm 2022, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang dự án Samland Riverside là 133,7 tỷ đồng và dự án Khu dân cư Nhơn Trạch là 512,7 tỷ đồng.

Thực tế, từ cuối năm 2022 tới nay, việc tăng đầu tư vào hai dự án trọng điểm của Samland không diễn ra như kỳ vọng, chủ yếu là đội giá theo thời gian, cũng như các chi phí liên quan tới bảo quản, duy trì các công trình đã xây dựng.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Ban lãnh đạo Samland lên kế hoạch, trong năm nay sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng dự án Samland Riverside và dự án Khu dân cư Nhơn Trạch.

Trong nửa đầu năm 2024, Samland ghi nhận lãi 0,3 tỷ đồng, nhờ doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính giảm.

Tuy nhiên, việc 2 dự án trọng điểm bị “đắp chiếu” dẫn tới hệ luỵ là Samland ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc, tính tới 30/6/2024, Công ty phát sinh lỗ luỹ kế 47,7 tỷ đồng, bằng 6,07% vốn điều lệ và chỉ còn 21 tỷ đồng tiền mặt, trong khi tổng nợ vay là 50 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông đầu năm 2022, nhiều cổ đông Samland đã đặt câu hỏi về việc chậm triển khai các dự án, riêng dự án Samland Riverside đã chậm 3 năm so với kế hoạch (dự kiến triển khai từ năm 2016 đến tháng 11/2019, theo chấp thuận chủ đầu tư dự án của UBND TP.HCM).

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc SAM Holdings (công ty mẹ của Samland) cho biết, ban đầu, Công ty công bố giá bán khoảng 20 triệu đồng/m2, nhưng do dự án chậm triển khai kéo dài năm, nên giá bán tăng lên 60 - 70 triệu đồng/m2. Ngoài ra, trong những năm qua, nhiều dự án bất động sản liên quan tới đất công ở TP.HCM bị dừng lại, Công ty phải tìm giải pháp tháo gỡ và đến năm 2022 về cơ bản có khả năng hoàn thành các thủ tục pháp lý để triển khai. Tương tự, với dự án Khu dân cư Nhơn Trạch có quy mô 55 ha (dự kiến triển khai từ năm 2018 đến tháng 6/2025 theo chấp thuận chủ đầu tư dự án của UBND tỉnh Đồng Nai), Công ty đã giải phóng được 75% tổng diện tích, đặt mục tiêu quý II/2022 đền bù xong 100% và có thể chọn thời điểm mở bán để tối ưu hóa lợi nhuận.

Vậy nhưng, từ đó đến nay, 2 dự án trọng điểm của Samland vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”, vì thủ tục pháp lý chưa giải quyết rốt ráo.

Việc Ban lãnh đạo Samland phát đi thông điệp doanh nghiệp sở hữu nhiều tài sản có giá trị, nhưng thực tế chậm triển khai, không tạo được dòng tiền, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, làm tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp. Trong đó, dự án Samland Riverside chậm tiến độ làm chôn vốn đầu tư, sản phẩm có nguy cơ lỗi thời, nhà đầu tư suy giảm niềm tin. Ngoài ra, việc chậm đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Khu dân cư Nhơn Trạch có thể kéo theo chi phí đền bù tăng, hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty giảm.

Bên cạnh nguy cơ suy giảm niềm tin từ khách hàng, không ít cổ đông Samland cũng có dấu hiệu thất vọng khi không quan tâm đến việc tham dự đại hội cổ đông. Đại hội năm 2023 có 47 cổ đông tham dự, năm 2024 có 17 cổ đông tham dự.

Hoạt động tài chính đang chi phối kết quả kinh doanh

Tính đến 30/6/2024, Samland có lỗ luỹ kế 47,7 tỷ đồng, do lỗ 61,8 tỷ đồng năm 2022 và lỗ 15,6 tỷ đồng năm 2023.

Khi các dự án lớn chưa biết ngày triển khai để duy trì vận hành doanh nghiệp, Samland đang phụ thuộc vào hoạt động đầu tư tài chính.

Trong nửa đầu năm 2024, Samland ghi nhận lãi 0,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 14,9 tỷ đồng. Công ty có lãi chủ yếu doanh thu tài chính tăng 7,4 tỷ đồng, lên 7,4 tỷ đồng và chi phí tài chính giảm 4,7 tỷ đồng, xuống 3,4 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý II/2024, Samland có khoản đầu tư 22,4 tỷ đồng vào cổ phiếu Công ty cổ phần DNP Holding (mã DNP), cho công ty mẹ là SAM Holdings vay 45,9 tỷ đồng, phải thu hợp tác đầu tư 56,3 tỷ đồng…

Có thể thấy, trong ngắn hạn, Samland phụ thuộc vào hoạt động đầu tư chứng khoán, cho công ty mẹ vay vốn và hợp tác đầu tư ngắn hạn, nhưng mức đóng góp của các hoạt động này không đáng kể do tỷ trọng đầu tư, cho vay và hợp tác góp vốn trên tổng tài sản quá nhỏ.

Tin bài liên quan