Lốp xe Việt Nam được nhập khẩu nhiều thứ năm vào Mỹ

Lốp xe Việt Nam được nhập khẩu nhiều thứ năm vào Mỹ

Săm lốp có cơ hội tăng thị phần tại Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu Mỹ chính thức áp thuế chống bán phá giá lên lốp nhập khẩu từ Thái Lan, sản phẩm lốp Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại thị trường lớn này.

Sản phẩm lốp xe Việt Nam tăng sức hấp dẫn

Hiện nay, lốp xe của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 140 nền kinh tế, chủ yếu là lốp ô tô con và lốp xe tải. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, sau đó là Brazil và Đức. Riêng đối với thị trường Mỹ, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu lốp xe lớn nhất vào thị trường này và Việt Nam đứng thứ năm.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ấn định mức thuế chống bán phá giá đối với lốp xe tải và xe buýt (TBR) của hầu hết doanh nghiệp Thái Lan ở mức 12,33%, riêng Tập đoàn Bridgestone là 48,39%. Tuy nhiên, việc này phải chờ Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ ban hành kết luận cuối cùng, dự kiến vào ngày 2/12/2024.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, DOC ấn định mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe TBR của Thái Lan cao hơn đáng kể so với mức thuế chống bán phá giá dự kiến trước đó là 2,35%, khi có hiệu lực sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho các công ty săm lốp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ như Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC). Hiện thị trường Mỹ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của công ty này.

Theo Research and Markets, trong số 10 đơn vị xuất khẩu lốp xe hàng đầu của Việt Nam hiện tại, có 2 công ty trong nước là Cao su Đà Nẵng và Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã CSM), còn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB nhận xét, Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên lốp TBR của Thái Lan sẽ giúp sản phẩm cùng loại của các nước khác tăng khả năng cạnh tranh.

Số liệu năm 2022 cho thấy, Thái Lan chiếm thị phần xuất khẩu lốp TBR vào Mỹ lớn nhất với 10,4 triệu lốp TBR/năm và Việt Nam đứng thứ năm, xuất khẩu 3,2 triệu lốp TBR/năm.

Tiềm năng hưởng lợi của Cao su Đà Nẵng cao hơn Casumina

Doanh thu xuất khẩu của Cao su Đà Nẵng hiện chiếm tới 70% tổng doanh thu hàng năm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 30% tổng lượng xuất khẩu, tương ứng khoảng 20% tổng doanh thu.

“Cao su Đà Nẵng chiếm khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ. Trong 8 tháng đầu năm 2024, doanh thu xuất khẩu sang thị trường này ước tính tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. TBR là sản phẩm chủ lực nên Cao su Đà Nẵng sẽ hưởng lợi nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm TBR của Thái Lan”, ông Trần Nhật Trung nói.

Với Casumina, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu theo kế hoạch là 54% tổng doanh thu. Sản phẩm chính của Công ty là lốp PCR, chiếm 67% tổng doanh thu lốp ô tô máy kéo. Lốp TBR chỉ chiếm 10% tổng doanh thu nên Casumina sẽ không hưởng lợi nhiều.

Trái với dự báo tích cực của giới chuyên gia, cả Cao su Đà Nẵng và Casumina đều tỏ ra thận trọng khi chưa đưa ra phản hồi đối với câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán liên quan tới tiềm năng gia tăng thị phần xuất khẩu tại thị trường Mỹ sau khi lốp TBR của Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Cao su Đà Nẵng đạt doanh thu 3.555,2 tỷ đồng, tăng 4,6% và lợi nhuận sau thuế 172,5 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 75,7% kế hoạch lãi 172,5 tỷ đồng năm 2024.

Trong cùng khoảng thời gian, Casumina ghi nhận doanh thu 3.519,7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 71,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 89,4% kế hoạch lãi 80 tỷ đồng năm nay.

Như vậy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu săm lốp có dấu hiệu khởi sắc và được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2024 nhờ tín hiệu hồi phục của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trước đó, năm 2023, nhóm xuất khẩu săm lốp chịu tác động bởi nhu cầu thị trường nội địa chưa phục hồi, lượng tiêu thụ còn thấp và ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm dẫn tới kết quả kinh doanh lao dốc.

Tin bài liên quan