Đây là một điển hình thành công của quỹ đầu tư gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc SAM về kinh nghiệm đầu tư thành công này.
Thưa ông, vì sao SAM quyết định đầu tư cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi đa số quỹ đầu tư khác và cả cá nhân nước ngoài thường chỉ quan tâm đến cổ phiếu vốn hóa lớn?
Việc đầu tư vào các công ty vốn hóa lớn sẽ khá an toàn cho danh mục về vấn đề thanh khoản, nhưng ít có cơ hội tăng trưởng đột biến so với tăng trưởng của chỉ số VN-Index. Chiến lược đầu tư của SAM là đầu tư những cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ để phù hợp với quy mô tài sản quản lý khoảng 100 triệu USD (bao gồm 80 triệu EUR của Quỹ VEH và 20 triệu EUR của Quỹ VPH).
Đầu tư vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng nghĩa với nhiều thác thức và rủi ro trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn, nhưng là cơ hội trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Quyết định của chúng tôi là đúng khi nền kinh tế đi qua giai đoạn khó khăn, giá các cổ phiếu phục hồi đem lại tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng cho quỹ. Cụ thể, Quỹ VEH tăng 36%, xếp thứ ba về tăng trưởng lợi nhuận, Quỹ VPH tăng 52%, xếp thứ nhất về tăng trưởng lợi nhuận theo đánh giá của LCF Rothschild khi so sánh hiệu quả các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam.
Ông có thể cho biết cụ thể thành tích đầu tư vào từng cổ phiếu?
Trong danh mục của chúng tôi, đáng chú ý là cổ phiếu DQC với lợi nhuận 126% trong khoảng thời gian là 1 năm và cổ phiếu IJC có lợi nhuận 70% trong khoảng thời gian đầu tư 3 năm. Hầu hết các cổ phiếu trong danh mục còn lại đều có mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng của chỉ số VN-Index năm 2014. Cụ thể, DIG 47%, IJC 70%, DBC 45%, NBB 69%, TCL 39%, TDH 47%, KDH 45%, PVE 85%.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại khi đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là thông tin thường kém minh bạch, kế hoạch kinh doanh không chắc chắn, thanh khoản thấp… Cách để SAM vượt qua những khó khăn này như thế nào?
Những doanh nghiệp có quy mô vừa nhỏ thường dễ bị tổn thương trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái như chúng ta đã thấy trong giai đoạn 2008 - 2011. Việc đầu tư vào những doanh nghiệp này có rủi ro tiềm ẩn không nhỏ nên đòi hỏi việc tìm hiểu doanh nghiệp cũng như quá trình đầu tư rất chặt chẽ.
Chúng tôi có một đội ngũ chuyên viên đầu tư có kinh nghiệm 10 năm trên thị trường, am hiểu về doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng quá trình thu thập thông tin cũng không hoàn toàn thuận lợi. Lý do đó chính là văn hóa doanh nghiệp và sự thiếu minh bạch cũng như năng lực quản trị của doanh nghiệp còn hạn chế.
Những khó khăn khi đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ có thể kể ra như: doanh nghiệp tránh né việc giải trình số liệu tài chính chi tiết; từ chối nhà đầu tư đến tiếp xúc, tham quan nhà máy và gặp gỡ ban quản trị công ty. Bên cạnh đó, thái độ của ban quản trị với nhà đầu tư không thực sự cởi mở và vai trò của bộ phận quan hệ nhà đầu tư không phát huy mạnh như các doanh nghiệp lớn. Do đó, các công ty này phải chịu mức định giá ở mức chiết khấu cao và chưa được nhiều nhà đầu tư chú ý, chưa trở nên hấp dẫn về giá trị. Quy trình thu thập thông tin về công ty mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Ngoài ra, mua những cổ phiếu nhỏ không hoàn toàn đơn giản do cổ phiếu có thanh khoản kém. Chúng tôi phải cố tiếp cận với những cổ đông lớn để mua cổ phiếu hoặc kiên nhẫn mua trên thị trường hàng ngày với số lượng vừa đủ mà không làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Năm 2015, SAM có tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hay không?
Tất nhiên rồi! Chúng tôi đang theo dõi, đánh giá các mục tiêu của mình.
SAM đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam ở thời điểm này?
Chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về thị trường trong dài hạn. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức. Thị trường Việt Nam luôn là như thế, luôn có thách thức. Vì thế, kinh nghiệm ở thị trường này rất quan trọng để thành công.