Các hạng mục bổ sung chậm đưa vào khai thác sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư tại Dự án. Ảnh: Anh Minh

Các hạng mục bổ sung chậm đưa vào khai thác sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư tại Dự án. Ảnh: Anh Minh

Sai sót ken dày tại Dự án BT khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20

Những sai sót tiếp tục xuất hiện khá nhiều tại Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng trong lần thứ hai được kiểm toán.

Rủi ro tài chính

Hiếm dự án nào nhận được sự quan tâm đặc biệt của Kiểm toán Nhà nước như Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ đoạn Km 0 - Km 123+105 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng (Dự án BT Quốc lộ 20).

Ba năm sau khi “soi” lần đầu tiên vào tháng 10/2015, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 672/TB - KTNN ngày 12/12/2018  thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án BT Quốc lộ 20 (phần còn lại).

Đây là khối lượng công việc được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép nhà đầu tư bổ sung vào Dự án vào tháng 2 và tháng 3/2016 với tổng kinh phí 1.117,43 tỷ đồng từ nguồn vốn dư để triển khai 2 hạng mục: Nút giao Dầu Giây và tuyến tránh Bảo Lộc.

Dự án do Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long là doanh nghiệp dự án, đại diện cho tổ hợp nhà đầu tư trong nước gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO), Công ty Đông Mê Kông và Công ty cổ phần Việt Ren.

Điểm đặc biệt nữa tại công trình này là, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư (khoảng 600 tỷ đồng), phần vốn còn lại trị giá 250 triệu USD được doanh nghiệp dự án vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế do Sumitomo Mitsui Banking Corporation là đại diện.

Trong lần kiểm toán thứ hai này, tổng chi phí thực hiện tại Dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2015 đến 30/9/2018 là 2.859,6 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 72,8 tỷ đồng và khoản vốn vay nước ngoài trị giá 2.786,8 tỷ đồng.

Sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại Dự án tiếp tục lặp lại ở khâu lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Kiểm toán Nhà nước khẳng định các bên liên quan đã để xảy ra sai sót làm tăng tổng mức đầu tư Dự án lên 8,8 tỷ đồng do tính dự phòng chi phí giải phóng mặt bằng 2 hạng mục bổ sung không phù hợp với quy định tại Thông tư số 06/2016/TT - BXD ngày 10/3/2016 về việc hướng dẫn và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng.

Dự án BT Quốc lộ 20 là công trình hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức BT có quy mô vốn lớn nhất từng được triển khai ở khu vực phía Nam, với tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 4.589 tỷ đồng (sau được điều chỉnh lên 5.264 tỷ đồng). Mục tiêu của Dự án là nâng cấp hơn 123 km Quốc lộ 20 - tuyến huyết mạch nối TP.HCM với TP. Đà Lạt để đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 làn xe, rộng 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, nhằm nâng cao năng lực khai thác, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển về các cảng biển nước sâu các sản phẩm nhôm và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại 2 tổ hợp bauxite Tân Rai và Nhân Cơ.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước xác định nhà đầu tư và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT) đã để xảy ra sai sót trong việc tính toán khối lượng, đơn giá và xác nhận giá trị thanh toán chưa đủ cơ sở với tổng giá trị lên tới 29,8 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là khoản tính sai lệch lên tới 19 tỷ đồng gồm chi phí lãi vay, phí bảo lãnh của cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương (Ngân hàng Thế giới - MIGA), phí ngân hàng đại lý và phí bảo lãnh của Chính phủ chưa có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Liên quan đến kế hoạch bố trí nguồn vốn thanh toán cho công trình, Kiểm toán Nhà nước đánh giá biểu tiến độ thanh toán vốn đầu tư được lập theo Phương án tài chính theo một tỷ giá cố định (22.775 VND/USD) trong suốt thời gian thành toán là không phù hợp do chưa lường tới yếu tố biến động tỷ giá. Thực tế cho thấy, việc tỷ giá giữa VND/USD trong những năm gần đây có xu hướng tăng rất có thể biến sơ suất này trở thành một gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư Dự án BT Quốc lộ 20.

Bê trễ tiến độ

Ngoài rủi ro về tỷ giá, việc thanh toán kinh phí cho phần vốn BT tại dự án này cũng đang là nỗi lo lớn của nhà đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được cấp có thẩm quyền phê duyệt và danh mục bố trí vốn cho các dự án đầu tư do Bộ GTVT quản lý không hề có tên Dự án BT Quốc lộ 20 dù tiến độ thanh toán đã được các bên cam kết tại hợp đồng.

Trong khi đó, tại Văn bản số 2246/BQLDA7 - KTKH đề nghị bố trí vốn để trả nợ Dự án BT Quốc lộ BT 20, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết, theo hợp đồng tín dụng vay vốn nước ngoài được Bộ Tài chính thẩm định và Thủ tướng Chính phủ có Công văn phê duyệt số 2236/TTg - KHĐT ngày 18/12/2013, Dự án có thời gian vay vốn kéo dài 15 năm; thời gian trả nợ gốc là 10 năm, 2 năm thanh toán một lần. Kỳ trả gốc đầu tiên đến hạn tại Dự án sẽ bắt đầu sau 66 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

Đại diện Công ty cổ phần BT Quốc lộ 20 cho biết, hiện nhu cầu vốn để thanh toán trả nợ gốc và các khoản phí, lãi vay là rất cấp bách bởi thời hạn thanh toán gốc đầu tiên trị giá 8,41 triệu USD sẽ bắt đầu từ ngày 7/3/2019, sau đó 6 tháng (7/92019) là kỳ trả nợ thứ hai trị giá 20,75 triệu USD.

Trái với tiến độ thi công nhanh gọn trong giai đoạn trước đây, việc triển khai xây dựng các hạng mục bổ sung tại Dự án BT Quốc lộ 20 là rất chậm.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo hợp đồng, nhà đầu tư phải hoàn thành 2 hạng mục bổ sung trước 31/10/2018, tuy nhiên, hiện cả 4 gói thầu xây lắp chính đều chưa hoàn thành, có giá trị nghiệm thu, thanh toán rất thấp. Một số gói thầu như XLBS1, 2, 3 do Công ty Đông Mê Kông và Việt Ren đảm nhận tiến độ bê trễ trong suốt cả năm 2018 dù cả cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên tục thúc giục.

Kết quả kiểm tra hiện trường của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vào đầu tháng 11/2018 cho thấy, việc huy động triển khai thi công của các nhà thầu không có chuyển biến, thậm chí còn giảm sút hơn. Sản lượng thi công trong tháng 11/2018 tại Dự án chỉ đạt khoảng 7 tỷ đồng, chậm 50% so với kế hoạch với nguyên nhân chủ yếu là do nhà thầu yếu về năng lực tài chính. Tình trạng bê trễ tiến độ này tiếp tục kéo dài dù điều kiện thời tiết tại khu vực dự án đang rất thuận lợi đã buộc Ban quản lý dự án 7 vừa phải kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có biện pháp xử lý trách nhiệm nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

“Việc các hạng mục bổ sung chậm đưa vào khai thác ngoài việc gây mất an toàn giao thông còn làm giảm hiệu quả đầu tư công trình tại Dự án BT Quốc lộ 20”, Kiểm toán Nhà nước khẳng định.

Kiến nghị xử lý tài chính
Tổng giá trị tài chính được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tại Dự án là 83,52 tỷ đồng, bao gồm: giảm chi phí đầu tư 9,1 tỷ đồng (thu hồi về cho Dự án 4,266 tỷ đồng; giảm thanh toán 4,842 tỷ đồng); thu hồi về cho Dự án các khoản chi sử dụng nguồn vốn không phù hợp với quy định 9,326 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại 4,21 tỷ đồng; các đơn vị thi công xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế GTGT 60,88 tỷ đồng.

Những sai sót tại dự án từng bị Kiểm toán Nhà nước điểm mặt

Tại Thông báo kết quả kiểm toán số 65/TV - KTNN ngày 25/1/2016, hàng loạt sai sót khá nghiêm trọng được Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại Dự án BT Quốc lộ 20 ở khâu chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư.

Cụ thể, công tác đo bóc khối lượng mặt đường lập khái toán có sai sót dẫn tới chi phí xây dựng tăng thêm khoảng 30 tỷ đồng; việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán tại Dự án còn một số tồn tại về định mức, đơn giá, khối lượng so với quy định, tương ứng với giá trị dự toán giảm 25,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiệm thu thanh toán, dù được “soi” bởi lực lượng đông đảo của tư vấn giám sát, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng các bên liên quan vẫn nghiệm thu sai khối lượng, định mức và đơn giá thanh toán vẫn áp dụng theo dự toán được duyệt, dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền lên tới 46,1 tỷ đồng.

Sai sót lớn tiếp theo tại Dự án còn liên quan tới công tác quản lý tài chính, kế toán. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc huy động vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư không đảm bảo quy định của hợp đồng BT. Cho đến ngày 30/6/2015 - tức là trước thời điểm thông xe công trình 3 tháng, các nhà đầu tư còn dây dưa thiếu tới 136,1 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Phải đến hết ngày 13/11/2015, Tổ hợp nhà đầu tư CIMP Cửu Long - Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO) - Công ty Đông Mê Kông - Công ty cổ phần Việt Ren mới đóng đủ toàn bộ 601 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Tin bài liên quan