Bài 1: khoảng cách từ quy hoạch đến triển khai
Từ Quy hoạch chung nhiều kỳ vọng...
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch chung, một Hà Nội mở rộng về mọi mặt được mong chờ và hy vọng sẽ mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho Thủ đô. Sau quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cũng đã từng bước được triển khai.
Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được thực hiện công phu và bài bản cho một đô thị hiện đại khoảng 10 triệu dân, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất dành cho xây dựng là 94.700 ha, chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên. 70% diện tích đất tự nhiên còn lại của Thành phố được dành cho không gian xanh.
Trên cơ sở quy hoạch chung, Hà Nội đã triển khai quy hoạch khu đô thị trung tâm, quy hoạch các đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, cũng như triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để phục vụ cho công tác xây dựng và quản lý đô thị. Thậm chí, từ năm 2015, Hà Nội đã huy động được đội ngũ tư vấn giàu kinh nghiệm để làm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị.
Đồng thời, Thành phố đã phối hợp với các Bộ, ngành chức năng triển khai thiết kế những quy hoạch chuyên ngành, như hệ thống giao thông đô thị, hệ thống cây xanh, mặt nước, hệ thống y tế, giáo dục... Hà Nội cũng đang triển khai quy hoạch xây dựng nhiều dự án quan trọng, như xây dựng các công viên, trong đó có 1 đến 2 công viên cỡ Disneyland hàng nghìn tỷ đồng (Công viên Kim Quy ở Đông Anh), hay việc triển khai trồng 1 triệu cây xanh cũng là cố gắng lớn của Thành phố.
“Hà Nội cũng đã chú trọng phân loại, quản lý di sản kiến trúc tốt hơn, đã tập trung thiết kế đô thị một số tuyến đường quan trọng như đường Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đã quy hoạch Đại lộ Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân đến Sân bay Nội Bài. Đồng thời, triển khai được các vấn đề về cấp, thoát nước, chú trọng công tác xử lý kỹ thuật những trạm bơm lớn, khơi thông dòng chảy, nạo vét các sông, hồ, làm đẹp cảnh quan để tạo môi trường tốt hơn”, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.
… đến Ách tắc khi triển khai
Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện công phu kỳ vọng sẽ giúp bộ mặt đô thị Thủ đô đẹp hơn, hiện đại và văn minh hơn, nhưng thực tế không như mong muốn. Một trong những lý do là quy hoạch đô thị Hà Nội bị tác động tiêu cực bởi những sai phạm trong xây dựng.
Nói về sai phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, nhiều người sẽ nhắc đến Dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình) do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư. Dự án này đang bị tiến hành “cắt ngọn”, nhưng 2 năm nay vẫn chưa xong.
Ngoài Dự án 8B Lê Trực, trên địa bàn Thành phố hiện này còn có hàng loạt dự án xây dựng sai quy hoạch thiết kế ban đầu như dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ Sakura Tower, 47 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) do Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư; Dự án khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành, Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) do Công ty TNHH Capitaland Hoàng Thành làm chủ đầu tư, được điều chỉnh tăng từ 992 lên 1.478 căn…
Theo thông tin mới đây từ UBND TP. Hà Nội, quận Hai Bà Trưng là một trong những “vùng trũng” về sai phạm trật tự xây dựng với các sai phạm tại hàng loạt dự án như dự án số 823 đường Bạch Đằng (phường Bạch Đằng), xây dựng không phép; dự án số 505 Minh Khai, xây dựng 2 căn trên nóc tầng 27 tòa nhà CT01 và CT02 (đã đưa vào sử dụng, sai phép)…
Đứng thứ hai về sai phạm trong xây dựng trên địa bàn Thành phố là quận Hoàn Kiếm với 8 công trình tồn đọng đang tiếp tục xử lý, như khu tập thể quân đội số 8 Lý Nam Đế (phường Hàng Mã); công trình số 1B phố Tô Tịch (phường Hàng Gai); công trình số 128 - 130 Hàng Bông (sai phép, không phép); công trình số 45 - 47 hàng Đồng (phường Hàng Bồ - xây dựng sai phép)…
Còn tại quận Hoàng Mai, cũng có nhiều dự án xây dựng sai quy hoạch, đặc biệt là tại khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, hay tại Khu đô thị Vĩnh Hoàng…
Dự án 8B Lê Trực sau 2 năm vẫn chưa khắc phục xong sai phạm. Ảnh: Dũng Minh
Còn tại quận Nam Từ Liêm, Dự án Five Star Mỹ Đình do Tập đoàn GFS (văn phòng tại tầng 16 Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội) làm chủ đầu tư cũng đang có những sai phạm về quy hoạch.
Được xây dựng trên lô đất DD, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Dự án Five Star Mỹ Đình có quy mô diện tích 7.605 m2 (bao gồm hệ thống đường, vỉa hè và cây xanh). Dự án thiết kế với 53 lô, bao gồm các căn liền kề có diện tích sử dụng từ 59 - 107 m2, xây dựng 5 - 6 tầng nằm trong quần thể Khu đô thị The Manor - Mỹ Đình - Sông Đà. Tuy nhiên, tại dự án nêu trên đang có hàng loạt ngôi nhà được sửa chữa, xây dựng không đúng với thiết kế ban đầu, tự ý thay đổi kết cấu công trình, phá nát quy hoạch cả khu đô thị, gây nhiều bức xúc cho người dân và cấp quản lý.
Chưa dừng lại ở đó, vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp cũng đang tồn tại ở tất cả các quận, huyện của Hà Nội. Chẳng hạn, tại xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) có tổ hợp công trình xây vượt tầng tại Khu đô thị Đại Thanh. Cách đó không xa, tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) Dự án CT6 thậm chí còn xây vượt 1 tòa nhà so với quy hoạch. Còn tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), vi phạm trật tự xây dựng xảy ra tại 37 ha đất nông nghiệp của Hợp tác xã Khương Hạ cũ. Tại quận Tây Hồ, nhiều biệt thự khủng được xây trên đất nông nghiệp tại khu vực hồ Đầm Trị, phường Quảng An…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính từ cuối năm 2017, trên địa bàn Thành phố còn 985 công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa được chính quyền các cấp xử lý dứt điểm. Trong đó, theo UBND TP. Hà Nội thông tin đầu tháng 4/2018, tính đến nay, có 343 công trình đã được xử lý tồn đọng.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Vũ Quốc An cho biết: “Chúng ta không phủ nhận những thành quả của quy hoạch Hà Nội, định hướng một đô thị lớn và có trật tự, khoa học. Khi làm quy hoạch thủ đô, các nhà chuyên môn đã hoạch định rõ ràng, khoa học, mỗi khu được quy định số tầng, diện tích xây dựng phù hợp, nhưng do quản lý chưa tốt, nên tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn còn nhiều và diễn biến phức tạp. Mặt khác, trước đây, có quy định phạt cho tồn tại, khiến nhiều chủ đầu tư nhờn luật, tạo thói quen cứ sai phạm cho được việc rồi xử lý sau”.
Cũng theo nhận định của nhiều chuyên gia, do còn nhiều hạn chế trong khâu quản lý về trật tự xây dựng, nên tình trạng sai phạm trong lĩnh vực này diễn ra trên diện rộng. Điều cần làm bây giờ là xử lý nghiêm một số sai phạm làm điểm, tạo tính răn đe, không thể để những việc làm sai biến thành chuyện đã rồi kiểu "phạt cho tồn tại".
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com