Trong mọi tháng của năm, Sài Gòn đều có tháng Tư
Tháng Tư, tháng đẹp nhất trong năm mà tự nhiên đã chọn để trăm hoa đua nở, vạn vật sinh sôi, để hoa anh đào Nhật Bản hay tulip Hà Lan nở rộ. Đây cũng là “thiên thời” mà lịch sử thế giới đã chọn cho nhiều lễ hội quan trọng: lễ hộ té nước Songkran của Thái Lan, mừng năm mới của người Nepal, ngày thứ Sáu Tuần Thánh của người Kito giáo…
Sài Gòn có 2 mùa mưa nắng. Tháng Tư Sài Gòn giờ đây không đơn thuần chỉ đơn thuần là tháng chuyển giao giữa 2 mùa, mà còn là mùa của niềm vui Độc Lập. Những ngày này, mỗi khi khúc hát hùng tráng “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà cất lên, lại khiến người nghe liên tưởng đến hình ảnh những đoàn xe quả cảm, những bước chân thần tốc, hùng dũng tiến vào Sài Gòn, đánh dấu chiến thắng lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những ngày tháng Tư tới Sài Gòn, tôi thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp, cũng ngon. Thành phố hiện lên trước mắt như một bức tranh đa màu: đỏ và xanh dương đại diện cho sự năng động, khát khao phát triển, bên cạnh những gam màu vàng của sự cổ kính, xa hoa, tráng lệ và nâu của sự mộc mạc, giản dị.
Tôi mê Sài Gòn ngay từ món bánh tráng trộn cay xè, hủ tiếu nam vang thơm nức mũi, từ tiếng nhạc xập xình phố khuya, từ những ngả đường rộng bát ngát mới mở.
Còn nhớ hơn 100 năm trước, trong khi Singapore chỉ là đảo quốc hoang vu còn Bangkok chưa nhiều người biết, thì Sài Gòn của chúng ta đã được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”. Nhưng chiến tranh đến, và không ai có thể dửng dưng đứng ngoài cuộc chiến.
Khi đất nước có chiến tranh, chợ búa sẽ không còn là nơi buôn bán bình thường. Trường học không còn là nơi để thầy cô thích thú trao đổi kiến thức với học sinh. Lớp học lúc đủ lúc không, có khi chẳng cần thời khóa biểu vì ai biết ngày mai ra sao. Mỗi người Sài Gòn nhìn cuộc chiến theo cách của riêng mình, nhưng tất cả đều mong ước hòa bình. Bởi hòa bình có giá trị rất thiêng liêng, nhất là khi người Việt Nam phải trả giá rất đắt để có được nó.
42 năm độc lập, với Sài Gòn xưa, thành phố mang tên Bác ngày hôm nay đã hóa thân thành miền đất hứa, một thành phố trẻ đáng sống, đáng để lập nghiệp với những bước đi đột phá cả về đời sống, kinh tế và văn hóa.
Sài Gòn hôm nay cũng cho ta hình dung rõ hơn về một vùng đất đang cất cánh vươn lên. Cả thành phố đều giống như một công trường, lúc nào cũng tất bật để cao hơn, rộng hơn, hiện đại hơn nữa.
Sài Gòn: Miền đất hứa
Chỉ mới cách đây mươi năm thôi, có nằm mơ cũng không thể nghĩ rằng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với dòng nước đen kịt, đầy rác và các khu nhà lụp xụp nay đã được cải tạo thành con kênh xanh, sạch và thân thiện và đầy ắp cá tôm. Sài Gòn cũng không còn cảnh người dân chen chúc ở bến phà Thủ Thiêm vào mỗi chiều. Họ đã có một lối đi ngay dưới lòng sông, chỉ mất 5 phút là sang được bờ bên kia.
Sự đổi thay không chỉ là sự xuất hiện của các khu đô thị hiện đại 4 phương 8 hướng mà còn ở sự thích ứng để chứng tỏ Sài Gòn luôn trẻ trung, năng động, chịu chơi, quyết đoán và dồi dào sức vươn tới.
Một phóng viên ảnh của hãng AP từng đến Sài Gòn sau giải phóng và cảm thán rằng, trước đây tôi thuộc Sài Gòn như lòng bàn tay nhưng bây giờ trở lại, tôi thường xuyên bị lạc do không kịp nhớ hết tên phố mới. Trước kia tôi chỉ chụp ảnh chiến trường, còn bây giờ tôi chụp được rất nhiều bức ảnh ghi lại cảnh đời sống thường nhật của người lao động, những bức ảnh về trẻ con đang vui chơi thật hạnh phúc và yên bình.
Thay đổi là thế, nhưng nhiều điều xưa cũ vẫn chưa bị Sài Gòn đánh mất. Những địa danh lịch sử, kiến trúc nổi tiếng như bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà…vẫn còn. Chiếc xe tăng từng húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30/4/1975 vẫn còn. Những chốn yên tĩnh gần thành phố, nơi có hương trầm cùng hoa hồng cho các chiến sĩ hy sinh vẫn còn. Ở đó, không ai bị lãng quên.
Những khoảng cách, chia rẽ, rào cản, hận thù, oan ức cũng dần được cởi bỏ giữa những người ở hai chiến tuyến. Ở trên đời, quả là không có nhận thức nào chính xác hơn giữa người với người. Khi họ ngồi lại với nhau và cùng nhìn về cuộc sống hồn nhiên đang diễn ra hôm nay, mọi rào cản, mọi định kiến sẽ bị chính tâm hồn rộng mở xua tan dễ hơn người ta hằng tưởng tượng.
Vì lẽ đó, Sài Gòn hôm nay cũng là một thành phố rất hào phóng với người tứ xứ. Một thành phố cho chúng ta cơ hội tự do hít thở bầu không khí luôn căng tràn năng lượng và nhựa sống. Đã có lúc, mỗi người trẻ tuổi ở ngoài này khi gặp khó khăn đều nghĩ tới Sài Gòn như một lối thoát để gạt bỏ những hệ lụy cũ phía sau.
Bởi ở đây, người ta không quá đặt nặng “chuẩn người Sài Gòn” như ở nơi khác. Con người ở đây đều biết rằng, hơn 1 triệu người miền Bắc và 7 triệu người nhập cư từ khắp nơi đổ về cũng có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố này.
Để được sống như một người Sài Gòn, tôi cũng thử thói quen cà phê vỉa hè mỗi lúc rảnh rỗi. Từ quán cà phê ven đường ngồi nhìn ra phố, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được nhịp sống Sài Gòn hôm nay. Phố xá không quá to lớn nhưng lúc nào cũng sầm uất. Người và xe luôn di chuyển một cách vội vã. Ngay cả cơn mưa Sài Gòn cũng đến và đi rất nhanh. Sau mưa, thành phố như hiền dịu hơn.
Thỉnh thoảng, trong một góc tối Sài Gòn, tôi bắt gặp một đôi tình nhân nào đó đang yêu. Họ nắm tay nhau, biểu lộ tình yêu với nhau nhưng tuyệt nhiên không có những cái ôm hôn ầm ĩ. Đường của đôi tình nhân có me vương trên mái tóc mà cô gái không cho chàng trai gỡ ra vì… sợ lũ bạn nhìn thấy. Người con gái nào đang có tình yêu... cũng đều đẹp. Thật lãng mạn!
Nhưng sao tôi vẫn thấy bện cạnh một Sài Gòn năng động, dễ gần đến thế là một Sài Gòn còn nhiều góc khuất. Khi xe chạy qua quảng trường độc lập vẫn có không ít người lang thang nhặt từng chiếc lọ để mưu sinh. Và cũng trên con đường ấy, người ta vẫn lạnh lùng lướt qua những mảnh đời cơ cực, đội nắng đội mưa trên đầu.
Tôi đã đi và sống những ngày tháng Tư cờ hoa lịch sử của Sài Gòn như thế, đã tự mình cảm nhận được sức hút của thành phố và cả những ngổn ngang về “rác công trình” mà Sài Gòn đang phải gồng mình giải quyết. Sức hút về kinh tế đã đè lên vai thành phố một nhiệm vụ khó khăn: giải quyết các vấn đề đô thị để tiến lên phía trước, trở về với “giấc mơ hòn ngọc Viễn Đông” ngày nào.
42 năm đã đi qua, nhiều người Việt Nam vẫn đang sống vất vả trên mảnh đất của riêng mình. Nhưng lòng quyết tâm mà họ thể hiện trong chiến tranh và sự quyết tâm của thế hệ trẻ ngay hôm nay sẽ vẫn mạnh mẽ trỗi dậy.
Bình minh 30/4 đang lên trên "Hòn ngọc Viễn Đông" - một miền đất hứa đáng sống và ước mơ. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ được thấy "Hòn ngọc" này ngày một sáng hơn, phồn hoa hơn, rực rỡ hơn nữa.
“Tết Độc Lập đến rồi”, tất cả phải vui lên.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com