Hình ảnh nghĩa tình thường thấy ở Sài Gòn Arnh: Lê Toàn

Hình ảnh nghĩa tình thường thấy ở Sài Gòn Arnh: Lê Toàn

Sài Gòn “bao nhớ” đến lạ kỳ

0:00 / 0:00
0:00
Tôi cố gắng giữ lại không chỉ con từ, mà cả cảm xúc trong mẩu chuyện nhỏ của người tứ phương ở Sài Gòn. Chuyện rất vụn trong góc nhìn của mỗi người, mỗi hoàn cảnh, nhưng khi ghép lại sẽ là hình ảnh một Sài Gòn lạ kỳ, đến nỗi, người ta luôn thương, luôn nhớ về Thành phố ngay cả khi đang ở trong lòng nó.

"Để mẹ kể con nghe..."

- Tự sự của giảng viên Phạm Thị Huệ (Trường đại học Nguyễn Tất Thành)

Nếu ai đó nói với con rằng, “cuộc đời này toàn chuyện xấu xa…”, đừng tin vội con nhé. Để mẹ kể con nghe này!

Hôm nọ, mẹ đang đứng “buôn chuyện” với cô đồng nghiệp ở cạnh quán hủ tiếu, bỗng có một cụ già bán vé số bước vào quán gọi tô hủ tiếu chay. Cụ già lắm rồi, tóc bạc trắng, da nhăn nheo. Chiếc áo bà ba mỏng cụ khoác đã sờn rách cả. Chị bán hủ tiếu lúi húi một lát rồi bê ra một tô đầy, ăm ắp thịt. Cụ ngớ người, thì chị nhanh nhảu: “Bà cứ ăn mái thoải đi, chồng con bao. Khỏi tiền nong nhé”. Nói rồi, chị quay ra nháy mắt với chồng tình tứ. Anh chồng hiểu ý gật đầu lia lịa, cười xòa. Mẹ chứng kiến cảnh ấy mà tần ngần nán lại mãi, đến tận lúc cụ già ăn xong bát hủ tiếu, lắp bắp cảm ơn rồi lật đật bước đi. Ở Sài Gòn, con sẽ bắt gặp hình ảnh cụ bán vé số hay người mẹ nghèo bồng con nhỏ vào quán ăn được mời, được bao như thế rất nhiều.

Một lần, mẹ bị ngã xe máy, do trời mưa, đường trơn, tay lái yếu loạng choạng. Dù đúng giờ cao điểm đi làm, xe cộ ùn ùn qua, nhưng thấy mẹ ngã dúi xuống, mọi người vẫn xúm lại, đỡ dậy, dựng xe giúp. Có chú xe ôm bên đường chạy sang chỗ mẹ ân cần: “Cô có đau lắm không, để tôi gửi xe rồi chở cô đi khám nhé. Thế đã gọi được cho người nhà chưa? Nhà có gần đây không? Người nhà sắp tới chưa? Cô ngồi ở đây nguy hiểm lắm. Xe cộ nườm nượp. Cô có ráng chút được không, tôi đưa cô qua vỉa hè ngồi cho yên tâm!”.

Lúc đó, mẹ đau quá, nghĩ không gượng dậy được, nên chưa kịp trả lời, thì từ đâu có một chị tầm hơn 40 tuổi dừng xe hớt hải chạy lại: “Em ơi ngồi đây nguy hiểm quá. Nào để chị đưa em ra kia. Nhờ chú dắt xe hộ em ấy với”. Nói rồi, chị ấy đỡ mẹ tập tễnh bước ra phía vỉa hè, chú xe ôm dắt xe giúp mẹ đi ngay sát bên cạnh. Rồi chị ấy mở cốp xe lấy một hộp sơ cứu, có bông băng, thuốc sát trùng rửa vết thương cho mẹ, luôn miệng xuýt xoa: “Chịu khó em nhé. Chị cũng từng bị tai nạn giao thông nên chị biết. Ráng chút, em nghe!”. Chị còn cẩn thận mang túi xách đặt vào tay mẹ mà dặn: “Em nhớ giữ lấy túi. Ngoài đường nhộn nhạo, phải cẩn thận”.

Đấy, nhờ những người xa lạ, không quen biết, nhưng đầy tình nghĩa giữa đất Sài Gòn, mà một đứa tha hương như mẹ cảm thấy ấm lòng lắm lắm. Không chắc có cơ hội gặp lại chị và chú lần thứ hai để cảm ơn, nhưng mẹ đã tự dặn lòng mình, nếu gặp người hoạn nạn trên đường, cũng gắng giúp sức hết mình trong khả năng có thể.

Con nghe mẹ kể mấy chuyện này, đừng bĩu môi bảo toàn mấy chuyện vặt vãnh, con nhé! Đó là những đốm lửa nho nhỏ khiến cho cuộc sống ấm áp, đáng yêu, đáng mến hơn đó con trai. Sài Gòn, và người ở Sài Gòn, đã níu giữ mẹ theo một cách nào đó mà mẹ không hề hay biết. Chỉ biết rằng, cứ mỗi dịp Tết, trên đường ra sân bay về Hải Phòng, mẹ lại thấy nôn nao, bồi hồi, không hiểu vì sao. Cứ thấy mảnh đất này có một sợi dây vô hình neo đậu tâm hồn mẹ.

"Có một Sài Gòn nắng ấm cả trong lòng"

- Phạm Minh Hiền (nhân viên công sở)

Buổi sáng cuối năm, tại vòng xoay Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức, TP.HCM), một người đàn ông trung niên chạy chiếc xe ba gác máy đến đoạn ôm cua, xe mất lái, ủi vô phía sau một chiếc xe hơi rồi bị hất mạnh về phía sau, ngã lăn xuống đường…

Lỗi rõ ràng do xe ba gác máy, vì xe hơi vẫn chạy bình thường. Tôi dừng lại, giúp người chạy ba gác dậy và giật mình khi nhìn thấy đèn của chiếc xe hơi trị giá hơn 4 tỷ đồng đã vỡ. Rồi tôi loay hoay tìm trong túi xách có ít khăn giấy khô để quấn lại cầm máu đáng chảy rất nhiều từ trên cánh tay của người lái xe ba gác.

Thế rồi, một người đàn ông từ trên xe hơi mở cửa bước xuống. Tôi hồi hộp nghĩ, với thu nhập của một người lái xe ba gác máy, thì bóng đèn xe hơi kia chắc phải mất tiền của nhiều tháng trời dành dụm.

Người đàn ông ngồi xuống chỗ tôi và người lái xe ba gác rồi hỏi: “Anh có bị làm sao không, có cần đi bệnh viện không? Sao anh bất cẩn vậy? Đưa tay tui xem nào!”.

Vừa nói, ông ấy vừa cầm cánh tay của người lái xe ba gác máy và dùng luôn cái khăn trong túi áo để quấn lại.

- “Dạ tui… tui… không sao, tui cám ơn anh”, với vẻ khổ sở và sợ sệt, người lái xe ba gác đáp lời.

Tôi chưa hết hồi hộp, thì tài xế của người đàn ông sang trọng bước xuống nói to:

- Chú Hai, bóng đèn xe bị bể rồi chú Hai!

- Bể thì sửa, chút đem về trung tâm cho làm lại!

Người đàn ông đó không quan tâm đến cái bóng đèn xe của mình đang bị bể, mà vẫn cố buộc lại vết thương cho người lái xe ba gác. Sau đó, ông còn nhét vào túi áo của người lái xe ba gác ít tiền rồi nói: “Làm ăn cẩn thận chú ạ. Chút về coi ghé trạm xá nào đó băng bó vết thương. Chú bảo trọng nghen!”.

Nói xong, ông lên xe rời đi. Tôi nhìn theo chỉ kịp thấy chiếc xe mang biển số Sài Gòn. Cảm giác lúc đó lẫn lộn, vẫn chưa tin vào mắt mình, vẫn còn một chút tưởng tượng ích kỷ thoáng qua lúc người đàn ông kia bước từ trên xe hơi xuống. Rồi tôi tự trách mình bởi đã tưởng tượng...

Người ta có cả trăm, cả ngàn cách ứng xử với nhau, nhưng chỉ có một thứ để hiểu nhau, đó là tình người. Tôi đứng giữa quan sát vai vế, địa vị của hai người đàn ông. Và tôi đã không còn nhìn thấy sự phân biệt giàu - nghèo. Lúc đó, chỉ có tình yêu thương! Tự dưng, tôi thấy hôm nay ở đâu cũng đẹp, những con người đẹp, nắng đẹp, và một Sài Gòn rất đẹp!

Sài Gòn “bao” nhớ

- Đàm Hà Phú (CEO Công ty Không gian đẹp)

*Chữ “bao”!

Lần đầu tôi đến thành phố này vào năm 1991, tất nhiên có hàng ngàn thứ lạ lẫm, một trong số đó là chữ “bao”. Đầu tiên, là gặp vựa trái cây “bao ăn”. Tôi ghé vô hỏi thẳng: “Bao ăn là sao chú?”. Ông lão, tay thoăn thoắt chụp trái thơm (trái dứa) ném từ dưới ghe lên, trả lời gọn lỏn: “Ăn thoải mái, thích thì mua, không thích đừng”. Vậy là ghé thử liền. Ăn no rồi, tôi mua mỗi thứ một ít, chị bán hàng còn bốc cho thêm, một chục măng cụt thành 14 trái, mua trái sầu riêng được tặng luôn trái vừa ăn thử.

Lần nữa là chuyện “bao rẻ”. Bữa đó, ghé chỗ bán đồ cũ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi mua cái áo jeans, chị bán áo nói, đi đâu rẻ hơn lại đây chị đền. Mua xong, đi lững thững xuống cuối dãy, thấy cái áo y chang giá rẻ hơn, tôi thiệt tình quay lại bắt đền. Chị bán hàng thanh minh rằng, đồ cũ, tùm lum giá, nhưng mà đã bao rẻ thì tặng thêm cái nón jeans cho đủ bộ, “lỗ của chị hai chục rồi nha”. Vậy là vui lòng liền!

Trái cây bao ăn, bao ngọt; đồ ăn bao rẻ; quần áo bao đẹp; quán xá bao thiếu; hàng hóa bao thử, bao đổi, bao trả… “Bao”, nghĩa là cam kết miệng rằng, bạn sẽ hài lòng với cái mà bạn nhận được. Bao hài lòng, chữ “bao” đơn giản nghe như chơi rồi bỏ, nhưng nó là cam kết nghiêm túc và hào hiệp, rất riêng của người phương Nam.

* Chợ

Ở thành phố này, vô chợ, bạn được coi như người nhà, người ta kêu bạn bằng đủ thứ tên. Nếu bạn còn trẻ, bạn thường được gọi là “cưng”, “con”, “em gái”, “chế”, hoặc kêu những cái tên do người ta đặt ra như “chị Hai”, “cô Ba”... Còn nếu lớn tuổi, bạn có thể được gọi là “má”, “ngoại”, hay “dì Hai”, “thím Hai”, rồi xưng con ngọt xớt. Nếu bạn đang ở hàng quần áo và sực nhớ là muốn tìm một bộ chén (bát), thì người bán quần áo sẽ dẫn bạn tới quầy hàng sành sứ và giới thiệu rằng bạn là anh/chị/em/cô/dì của họ…, rằng bạn phải được mua giá sỉ, rằng bạn là VIP…

Bạn nghĩ tất cả chỉ là hình thức ư? Không hề! Thiệt tình đó và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy phiền vì điều ấy, cho dù có mua phải một món hàng bị “hớ”, hoặc tìm không ra món đồ mình thích. Bạn sẽ luôn nhận được những món quà bất ngờ, cho dù bạn không đòi hỏi, mua chục trái cây được mười lăm, mười sáu trái, mua hai cái áo được tặng thêm cái nón, mua cái bóp (ví) được đãi ly cà phê hay chè... Không phải hàng khuyến mãi đâu bạn, đó là tấm lòng và bạn nên nhận bằng cả tấm lòng.

* Và những vụn vặt

Ở Sài Gòn, thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng bị rớt cái bóp (ví) lòi ở túi quần sau mà không cần quay đầu nhìn bạn để nhận một cái gật đầu cảm ơn.

Ở Sài Gòn, bạn dễ thấy xe bánh mì nhỏ chỉ bán buổi chiều tối, mà doanh thu hằng ngày lên đến cả chục triệu đồng. Có một bà chỉ bán nước sâm vỉa hè, mà sau 3 năm đã mua được căn nhà mặt tiền ở chính nơi mà bà xin đặt xe nước sâm của mình. Thương hiệu là thứ không mơ hồ ở Sài Gòn, nó được bảo chứng bằng doanh thu, bằng tấm lòng người.

Ở Sài Gòn có nhiều bạn trẻ mặc đồ như Tây, ngồi ở quán cà phê máy lạnh với laptop trước mặt và viết đơn xin việc, nhưng cũng có nhiều bậc trung niên mặc quần đùi, uống cà phê quán cóc vỉa hè bàn chuyện xây cao ốc cho thuê.

Thành phố này dung nạp vào nó đủ mọi hạng người và tất cả đều cảm thấy dễ sống hơn chỗ khác. Từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài, đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi “mảnh đất lắm người, nhiều xe” này. Tất cả đều có thể nhận mình là người Sài Gòn, hoặc không nhận cũng không sao, nơi đây không so đo xuất xứ của bạn, cơ hội và rủi ro chia đều cho mỗi người.

Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ, đến nỗi, người ta luôn nhớ về nó ngay cả khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Thành phố bằng một thứ tình cảm mơ hồ, mà mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương…

Tin bài liên quan