Sacombank: Ứng viên “nặng ký” rút khỏi đề án tái cơ cấu

Sacombank: Ứng viên “nặng ký” rút khỏi đề án tái cơ cấu

(ĐTCK) Ngày 6/4, Tập đoàn Novaland đã xin rút khỏi Đề án Tái cơ cấu Sacombank vì cho rằng các điều kiện hiện tại của Ngân hàng chưa phù hợp để Tập đoàn đầu tư trong thời điểm này. Quyết định rút lui của ứng viên “nặng ký” Novaland diễn ra trước thềm ĐHCĐ thường niên Sacombank (28/4) gây bất ngờ với giới đầu tư. 

Novaland Group rút lui

Ngày 16/12/2016, Novaland có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xin tham gia Đề án Tái cơ cấu Sacombank, với đề xuất mua 20% cổ phần của ngân hàng này. Khi đó, Novaland nhắm đến việc tham gia tái cơ cấu Sacombank vì nhìn thấy tiềm năng lớn từ hệ thống bán lẻ của Ngân hàng cùng với cơ hội tham gia xử lý nợ xấu bất động sản.

Đến ngày 18/3/2017, Tập đoàn tiếp tục có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, với các thuyết minh cụ thể về kế hoạch sẽ triển khai nếu được xét duyệt, trong đó có đề xuất mua cổ phần ngân hàng, cũng như chuẩn bị ứng cử nhân sự quản trị, điều hành… Tuy nhiên, khi công bố thông tin rút khỏi Đề án Tái cơ cấu Sacombank, Novaland đưa ra lý giải, trong thời gian chờ đợi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho Tập đoàn.

Novaland cũng cho biết thêm, do nhận thấy có nhiều yếu tố khó khăn xuất hiện, nên Tập đoàn đã xin rút lại đề xuất tham gia tái cơ cấu Sacombank trình Ngân hàng Nhà nước trước đó.

Sau khi Novaland xin rút, liệu có ứng viên mới tham gia hay chỉ gồm những ứng viên hiện tại? Câu hỏi này đang được giới đầu tư đặt ra.

Hiện chưa có thông tin chính thức về tổ chức hoặc nhà đầu tư lớn và mới được xét duyệt tham gia vào đề án tái cơ cấu ngân hàng này. Mọi thông tin còn đợi kết quả phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và đến ngày Sacombank tiến hành Đại hội mới được hé lộ.

Kế hoạch đầu tư 20.600 tỷ đồng để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động từ một nhóm nhà đầu tư khác vào Sacombank hiện cũng chưa được Ngân hàng Nhà nước xác nhận. Bởi kế hoạch đầu tư hay giao dịch của nhà đầu lớn hay nhỏ hiện đều phải tuân thủ cũng như đã được pháp luật quy định trên thị trường, nhất là về các giới hạn tỷ lệ sở hữu.

Khả năng người sáng lập trở lại?

Sau khi Novaland chính thức rút lui, thị trường dành sự chú ý đặc biệt đến nhóm ứng viên thứ hai tham gia Đề án Tái cơ cấu Sacombank, bao gồm: Evercore Group (Công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York), Redsun Capital Limited (một công ty tư vấn chuyên về M&A) và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), người sáng lập Sacombank.

Được biết, quyết định tham gia tái cơ cấu Sacombank lần này của ông Thành, sau 5 năm vắng bóng trên thị trường tài chính đến từ sự ủng hộ của các cổ đông hiện hữu và thiện chí hợp tác của nhóm các nhà đầu tư có uy tín quốc tế, cụ thể là Evercore Group, Redsun Capital Limited. Bên cạnh đó, tâm huyết với nghiệp kinh doanh ngân hàng dường như đã thôi thúc ông quyết định trở lại lĩnh vực ngân hàng để được cống hiến và tiếp tục dẫn dắt Sacombank phát triển.

Nhóm nhà đầu tư này đã xin phép Ngân hàng Nhà nước tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank để thẩm định chính xác thực trạng Ngân hàng sau sáp nhập. Sau đó, nhóm sẽ xây dựng phương án tái cấu trúc cụ thể, chi tiết, chính xác và đề xuất một số cơ chế đặc thù từ phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để tái cơ cấu đạt hiệu quả đề ra.

Tuy nhiên, để trở thành cổ đông lớn tham gia tái cơ cấu Sacombank, bằng việc nắm giữ các vị trí quản trị, điều hành cao cấp, nhóm nhà đầu tư này cũng phải qua được “cửa" xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước theo quy định trước khi bầu chọn cơ cấu nhân sự cao cấp của bất kỳ ngân hàng nào.

Trước đó, tại Thông cáo ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 4/2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu đã được phê duyệt sau khi sáp nhập Southern Bank.

Sau khi nhận sáp nhập Southern Bank, tình hình tài chính của Sacombank đã thay đổi, đối diện với áp lực tỷ lệ nợ xấu cao (tới 5,53% tính đến cuối 2016), cùng một lượng lớn nợ xấu đã bán sang VAMC. Quy mô các khoản phải thu của Ngân hàng lên tới 17.352 tỷ đồng; các khoản lãi, phí phải thu lên tới 26.389 tỷ đồng (đến cuối 2016).

Thay đổi lớn nhất và có tính quyết định nhất tại Sacombank sau sáp nhập là Ngân hàng Nhà nước đã nhận uỷ quyền (qua VAMC) tỷ lệ sở hữu lớn của nhóm cổ đông với đại diện là ông Trầm Bê. Theo đó, cơ quan quản lý có điều kiện để giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động Sacombank cũng như những rủi ro tiềm ẩn của Ngân hàng.       

Eximbank vừa công bố dự thảo tài liệu ĐHCĐ thường niên 2017, trong đó có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Sacombank mà ngân hàng này đang sở hữu, nhằm đảm bảo yêu cầu trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN của NHNN, về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với quy định. Hiện Eximbank đang nắm hơn 165 triệu cổ phiếu STB, tương đương 8,76% cổ phần Sacombank. Trước đó, Eximbank nhận chuyển nhượng số cổ phần trên từ ANZ - cổ đông ngoại của Sacombank.

Tin bài liên quan