Trong quý II/2020, thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng tới 30,42% so với cùng kỳ, đạt 2.637 tỷ đồng. Thu nhập từ tín dụng thì lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng có kết quả khả quan, đạt 165 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động dịch vụ của Sacombank giảm 6% xuống còn 697 tỷ đồng trong quý này. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 50 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác, trong đó chủ yếu từ xử lý nợ cũng chỉ đạt 110 tỷ đồng giảm 74% so với cùng kỳ.
Kết quả, tổng thu nhập hoạt động quý II/2020 của Sacombank đạt 3.560 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm mạnh 13,65% xuống còn 1.973 tỷ đồng. Trong quý này, Sacombank đã trích 1.147 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng đến 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng đến thời điểm này được lãnh đạo ngân hàng cho biết, đã lên đến 4.000 - 5.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý II/2020 của Sacombank đạt 440 tỷ đồng, tăng 10,13% so với cùng kỳ. Nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 1.428 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Năm 2020, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.573 tỷ đồng, tổng tài sản 498.400 tỷ đồng, tổng huy động 457.200 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 329.400 tỷ đồng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, mục tiêu lợi nhuận năm nay giảm 20% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch bệnh. Việc tái cơ cấu, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch cũng tác động làm giảm khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận của Sacombank.
Do ngân hàng đang phải tái cơ cấu nợ cho khách hàng nên các khoản lãi dự thu không còn được thu mà phải thoái hoàn toàn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo ngân hàng Sacombank cho biết, sẽ cố gắng đạt được mức lợi nhuận như năm trước.
Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của Sacombank đạt 481.898 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 5% đạt 310.695 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 6,33% đạt 426.236 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng tại ngày 30/6 của Sacombank là 6.682 tỷ đồng, tăng gần 950 tỷ so với đầu năm (tức tăng gân 17%). Trong đó, nợ nhóm 3 tăng mạnh 185% lên 851 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,15%.