Sacombank: minh chứng hiệu quả của mô hình ngân hàng bán lẻ

Sacombank: minh chứng hiệu quả của mô hình ngân hàng bán lẻ

(ĐTCK) Trước khó khăn của nền kinh tế những năm gần đây, lĩnh vực ngân hàng đã phải chứng kiến không ít biến động. Cũng chính trong bối cảnh như thế, hoạt động ngân hàng bán lẻ đã tỏ ra là một mô hình ổn định và hiệu quả nhất. Điển hình cho mô hình này là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). ĐTCK đã ghi nhận điều này khi phỏng vấn ông Phan Huy Khang, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank về kết quả kinh doanh quý I/2014 vừa qua. 

Sacombank đã đề ra một số chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2014 như vốn huy động tăng 14%, dư nợ cho vay tăng 13%, lợi nhuận trước thuế đạt 3.000 tỷ đồng. Tình hình thực hiện quý I/2014 như thế nào rồi, thưa ông?

Sacombank đang theo sát với mục tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng vốn huy động đến cuối quý I/2014 đạt 148.667 tỷ đồng, tăng 5,6% so đầu năm. Trong số này, có đến 140.874 tỷ đồng huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, tăng 7,2%. Điều đó cho thấy niềm tin của khách hàng, đặc biệt là người dân đối với Sacombank ngày càng tăng.

Về cho vay, tổng dư nợ tín dụng đến cuối quý I/2014 là 115.257 tỷ đồng, tăng 4,5%. Trong đó, dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư đạt 111.672 tỷ đồng, tăng 3,5%. Dư nợ bằng tiền đồng và ngoại tệ tăng lần lượt 4,6% và 3%, dư nợ vàng giảm 305 lượng và dần tiến tới số dư bằng 0.

Về lợi nhuận, quý I/2014 ước đạt 750 tỷ đồng, tương đương 25% kế hoạch năm. Nếu xét từng thành phần, kết quả này đáng khích lệ khi thu nhập từ hoạt động chính đạt 27,8% kế hoạch, trong khi các khoản thu nhập từ đầu tư chứng khoán bị ảnh hưởng bởi công tác trích dự phòng trái phiếu VAMC và thu nhập từ công ty trực thuộc chưa đến kỳ chuyển về.

Trong tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của Sacombank, nhóm khách hàng cá nhân có tỷ trọng như thế nào và có thay đổi gì so với trước đây không?

Vốn huy động từ khách hàng cá nhân chiếm gần 87% tổng số dư vốn huy động bằng tiềng đồng của Sacombank. Con số này đã không ngừng tăng từ 85% tại thời điểm đầu năm 2014, 77% đầu năm 2013 và 70% đầu năm 2012.

Chính nhờ sự gia tăng tỷ trọng vốn huy động từ khách hàng cá nhân đã giúp cho Sacombank nhận được sự đánh giá cao từ các định chế tài chính quốc tế, vì khi tỷ trọng cơ cấu nguồn vốn huy động từ khách hàng càng cao thì tính ổn định và bền vững của Sacombank càng gia tăng. Điều này cũng cho thấy, Sacombank đã đi đúng định hướng theo chiến lược là trở thành ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

 Đối với cơ cấu cho vay thì như thế nào?

Đến 23/4/2014, tức thời điểm chúng tôi hoàn tất báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đạt 43.961 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39,2% tổng dư nợ toàn ngân hàng, trong đó cá nhân kinh doanh chiếm 48%, mua nhà 13%, tiêu dùng và mục đích khác 39%. Đến 99,9% dư nợ cho vay cá nhân là bằng tiền đồng.

Niềm tin của khách hàng, đặc biệt là người dân đối với Sacombank ngày càng tăng

Thời gian qua, Sacombank đẩy mạnh chương trình cho vay các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đây là nỗ lực trong việc khơi dòng chảy tín dụng tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ nói riêng. Kết quả của chương trình này ra sao, thưa ông?

Trong năm 2013, Sacombank đã triển khai 36 gói cho vay ưu đãi trị giá gần 32.000 tỷ đồng và 365 triệu USD cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, tiểu thương trên cả nước. Ngoài ra, trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chủ trương của UBND TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, Sacombank đã cung ứng đến cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại 24 quận, huyện trên địa bàn TP. HCM với tổng nguồn vốn 1.185 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Sacombank triển khai thêm 13 gói cho vay ưu đãi trị giá 21.550 tỷ đồng và 60 triệu USD cho các đối tượng khách hàng này, trong đó có 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng là hộ kinh doanh và tiểu thương nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh và tạo tiền đề phát triển trong những năm kế tiếp.

Nhiều ngân hàng trong đó có ngân hàng nước ngoài đang cho vay với lãi suất khá thấp. Sacombank có gặp khó khăn trong việc triển khai các gói cho vay của mình?

Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm tín dụng đã được điều chỉnh phù hợp, cạnh tranh với các ngân hàng bạn. Sacombank thường xuyên nắm bắt diễn biến thị trường và hoạt động cho vay đang thực hiện theo định hướng, có trọng điểm nên có thể nói, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân khách hàng hiện hữu và phát triển khách hàng mới.

Từ đầu năm 2014 đến nay, chúng tôi đã triển khai 6 gói ưu đãi với tổng hạn mức 11.500 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, tiêu dùng, vay mua xe, mua nhà… với lãi suất chỉ từ 6,88%/năm.

Bên cạnh đó, thế mạnh của Sacombank là hệ thống mạng lưới rộng khắp và hệ khách hàng phân tán, gắn bó nhiều năm. Nhờ đó, chúng tôi có thể xây dựng các gói và chuỗi sản phẩm trọn gói nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng với mức giá hợp lý. Mẫu biểu cho vay tinh gọn, đơn giản…, khiến khách hàng hài lòng.

Sacombank có kế hoạch thành lập ngân hàng con tại Lào cũng để mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ, nhưng tình hình thực hiện dường như có chậm trễ so với kế hoạch?

Chúng tôi đã xúc tiến các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước và đang chờ chấp thuận. Nhìn chung, việc Chi nhánh Lào chưa được nâng cấp thành ngân hàng con 100% vốn cũng khiến Sacombank gặp phải một số giới hạn nhất định trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Lào như chưa thể mở rộng mang lưới, phát triển khách hàng mới, tăng quy mô huy động và cho vay, tăng dịch vụ…

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Chi nhánh Lào cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Sacombank Việt Nam, hiện nay, Chi nhánh Lào tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Năm 2013, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của Chi nhánh này đạt 37,3 triệu USD, tăng 26%; cho vay đạt 72,7 triệu USD, tăng 24,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 2,6 triệu USD, 26,6% so với năm 2012.

Năm ngoái, một số công ty con của Sacombank hoạt động khá hiệu quả như công ty kiều hối, công ty cho thuê tài chính, trung tâm thẻ… Quý I vừa qua, các công ty này hoạt động thế nào?

Trong 3 tháng đầu năm 2014, các công ty con tiếp tục phát huy lợi thế của mình và hoạt động khá hiệu quả, đặc biệt doanh số kiều hối tiếp tục dẫn đầu thị trường.

Riêng đối với Công ty cho thuê tài chính Sacombank-SBL, trong những tháng đầu năm gặp khá nhiều khó khăn, thách thức do lãi suất đầu ra giảm, trong khi lãi suất đầu vào chưa có dấu hiệu giảm nên kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, công ty này đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng trưởng dư nợ cho thuê và đạt kết quả tốt nên đã bù đắp được khó khăn do lãi suất gây ra. Đăc biệt, trong bối cảnh khó khăn cũng như những rủi ro tiềm ẩn của ngành cho thuê tài chính, Sacombank-SBL vẫn quản lý tốt các rủi ro hoạt động và là một trong những đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất lĩnh vực cho thuê tài chính hiện nay.

Đối với Trung tâm thẻ, trong quý I/2014, số lượng khách hàng thẻ Sacombank tăng gần 145.000 người. Trung tâm đã lắp đặt thêm 393 điểm bán hàng (POS) và 13 máy ATM. Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thẻ đạt 54 tỷ đồng, tăng 41,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sắp tới, hoạt động này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa nhằm đạt mức tăng trưởng phù hợp với tiềm năng và kỳ vọng đã đặt ra.

Xin ông cho biết một số công việc trọng tâm Sacombank sẽ triển khai trong thời gian còn lại của năm?

Về huy động và cho vay, chúng tôi chú trọng huy động tiền gửi có kỳ hạn dài, khai thác nguồn vốn lãi suất thấp với cơ cấu hợp lý để đảm bảo giữa hiệu quả và an toàn thanh khoản. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở rộng quan hệ với các định chế tài chính nước ngoài để nâng cao vị thế của Sacombank trên thương trường và khai thác nguồn vốn giá rẻ với thời hạn hợp lý.

Về dịch vụ, Sacombank tiếp tục phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và phát huy những thành công trong mảng kinh doanh thẻ; tăng nhanh lượt người sử dụng; tăng thu dịch vụ cá nhân và thị phần dịch vụ chuyển tiền trong nước.

Về quản lý rủi ro, chúng tôi tập trung thu hồi nợ quá hạn và nợ xấu. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh chính sách tín dụng cho phù hợp với định hướng bán lẻ trong tình hình mới, nhưng đảm bảo hạn chế nợ quá hạn mới phát sinh.

Về hệ thống và con người, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ mô hình tái cấu trúc theo 3 luồng: kinh doanh - hỗ trợ - giám sát; nghiên cứu xây dựng, cải tiến tổ chức bộ máy Sacombank phù hợp với chuẩn mực quốc tế và định hướng phát triển trong từng thời kỳ; củng cố và bổ sung nhân viên kinh doanh trực tiếp, đảm bảo đủ nhân lực cho phát triển; khuyến khích các hoạt động mang tính “truyền lửa” nhằm kích thích tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên toàn hệ thống.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan