Ông Phan Huy Khang

Ông Phan Huy Khang

Sacombank kiên trì định hướng bán lẻ

(ĐTCK) Ngày 21/12/2014, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tròn 23 tuổi, đánh dấu một mốc phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang về những thành tựu mà Ngân hàng đạt được trong thời gian qua.

Sau 23 năm hình thành và phát triển, Sacombank có sự phát triển vượt bậc. Ông cảm thấy hài lòng nhất với những thành quả nào mà Sacombank đã đạt được?

Những thành quả Sacombank đã đạt được mà bản thân tôi cũng như Ban điều hành Ngân hàng cảm thấy hài lòng nhất là: Thứ nhất, mạng lưới trải rộng hầu hết các tỉnh, thành, kể cả những vùng sâu, vùng xa và tất cả các trụ sở của Sacombank đều được đầu tư xây dựng khang trang như là một lời cam kết gắn bó với từng địa phương.

Thứ hai, nguồn nhân sự chất lượng cao, chuyên nghiệp, phục vụ khách hàng tận tâm, chu đáo. Thứ ba, Sacombank có hệ khách hàng gắn bó lâu dài, đặc biệt là dân cư trên khắp mọi miền đất nước.

Thứ tư, Sacombank có hệ thống sản phẩm, dịch vụ liên tục được cải tiến, tiên phong triển khai nhiều sản phẩm tiện ích, trong đó nổi bật là các sản phẩm thẻ và ngân hàng điện tử. Thứ năm, cơ cấu tài chính được tái cấu trúc theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao tổng tài sản có sinh lời. Thứ sáu, hệ thống quản lý rủi ro của Sacombank được xây dựng chuẩn mực và minh bạch.

Đại diện Sacombank, ông Phan Huy Khang - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nhận giải thưởng Ngân hàng tốt nhất tại các thị trường mới nổi 2014 do Global Finance (Mỹ) bình chọn 

Sacombank đã xây dựng được nền tảng bán lẻ khá vững chắc. Đâu là những yếu tố tạo nên thành công này?

Trước hết, phải kể đến ưu thế về mạng lưới của Sacombank. Hiện chúng tôi có 428 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh, thành Việt Nam và Lào, Campuchia.

Nhờ đó, Sacombank có điều kiện tốt nhất để mở rộng khách hàng khi hiện nay còn khoảng 75% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng. Về chiến lược, khác với những đơn vị khác đi từ thành thị rồi mới đến nông thôn, chúng tôi tập trung ở nông thôn trước rồi mới tiến đến những vùng trọng điểm kinh tế và thành thị.

Chúng tôi chọn sản phẩm cho vay phân tán làm sản phẩm chủ đạo. Những khoản vay nhỏ lẻ giúp giảm thiểu tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn. Những khác biệt này giúp Sacombank có được nền tảng bán lẻ khá vững chắc như hiện nay. Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ khác cũng được chúng tôi liên tục cải tiến để gia tăng tiện ích tốt nhất cho khách hàng.

Không chỉ phát triển mạnh ở thị trường nội địa, Sacombank còn vươn tầm khu vực. Ông có thể chia sẻ về hiệu quả hoạt động của Sacombank tại nước ngoài và chiến lược vươn tới các thị trường khác?

Chúng tôi thành lập chi nhánh tại Lào vào năm 2008 và tại Campuchia vào năm 2009. Chi nhánh tại Campuchia đã được nâng cấp lên ngân hàng con 100% vốn Sacombank vào năm 2011. Đến nay, các đơn vị này hoạt động khá hiệu quả, đóng góp vào lợi nhuận chung của Ngân hàng. Dịch vụ chuyển tiền nhanh giữa 3 nước Đông Dương được đón nhận rất tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tại Lào và Campuchia.

Lợi nhuận của Sacombank được xem là điểm sáng trong bối cảnh tình hình thị trường tài chính - ngân hàng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông, đâu là lợi thế để đạt được kết quả này?

Lợi nhuận trước thuế của Sacombank tính đến ngày 30/11/2014 là 2.766 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, chúng tôi đã hết sức linh động và thận trọng trong mọi hoạt động. Tăng trưởng tín dụng đảm bảo theo đúng kế hoạch đã đề ra, trong đó tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay phân tán, hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân, hướng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tài trợ xuất nhập khẩu. Chi phí đầu vào phù hợp với thị trường. Quyết tâm tiết kiệm chi phí điều hành một cách tốt nhất. Đồng thời, tăng cường xử lý nợ xấu và quản lý rủi ro để giảm nợ xấu phát sinh. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng triển khai, cải tiến các dịch vụ tiện ích để tăng thu từ dịch vụ.

Tuy vậy, trong năm 2014, Sacombank vẫn tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do UBND TP. HCM và Ngân hàng Nhà nước phát động nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển, mở rộng kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2015.

Kế hoạch hoạt động được Sacombank đưa ra cho năm 2015 như thế nào? Ông có thể chia sẻ một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2015?

Năm 2015, dự báo nền kinh tế sẽ có sự phục hồi, nhưng vẫn tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, chúng tôi định hướng tiếp tục hoạt động thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích, quyền lợi của cổ đông, khách hàng, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.

Sacombank kiên trì định hướng bán lẻ ảnh 5
Cụ thể, chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa thị phần với các chỉ tiêu: tổng tài sản tăng 14%, tổng nguồn vốn huy động tăng 15%, tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% và lợi nhuận trước thuế đạt cao hơn năm 2014; tiếp tục tái cơ cấu nguồn vốn, sử dụng vốn theo hướng phân tán, ổn định, gia tăng hiệu quả; tăng trưởng tín dụng phù hợp với sự hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt tập trung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bán lẻ; tăng cường công tác định hướng, quản trị, điều hành; cải tiến cơ chế, chính sách để điều tiết, huy động tất cả các nguồn lực tạo động lực phát triển kinh doanh; quản trị chặt chẽ chi phí điều hành, tăng trưởng chi phí đi đôi với tăng trưởng thu nhập nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, trong đó chú trọng hoạt động thẻ, ngân hàng điện tử; tăng cường nâng cao dịch vụ mảng doanh nghiệp để tạo nền tảng thu nhập ổn định; tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường công tác ngăn chặn nợ quá hạn phát sinh; đảm bảo an toàn các mặt hoạt động.

Trong năm 2014, Sacombank vinh dự nhận các giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế

-Ngân hàng điện tử được yêu thích nhất Việt Nam - My Ebank 2014 do VnExpress tổ chức bình chọn.

-Thương hiệu Quốc gia do Bộ Công thương công nhận.

-Ngân hàng tốt nhất tại các thị trường mới nổi 2014 do Global Finance (Mỹ) bình chọn.

- Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2014 do Internation Finance Magazine (Anh) bình chọn.

- Ngân hàng tiêu biểu năm 2014 do The Banker (Anh) bình chọn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM

Sacombank là một trong những NHTMCP có tổng tài sản, vốn điều lệ lớn trên thị trường tài chính nói chung, địa bàn TP. HCM nói riêng. Với thế mạnh và nền tảng bán lẻ, Sacombank đang từng bước chứng minh được năng lực của mình khi lợi nhuận đạt được trong những năm gần đây tương đối bền vững. Ngân hàng có mức tăng trưởng khá ổn định, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, dưới 1 con số trong 9 tháng đầu năm 2014.

Tuy nhiên, thị trường tài chính còn có những khó khăn, hoạt động của ngành ngân hàng có nhiều thách thức. Đặc biệt, các ngân hàng phải áp dụng quy định mới của Thông tư 36 vào đầu tháng 2/2015, cũng như các chuẩn mới theo thông lệ quốc tế. Vì thế, Sacombank nói riêng, các NHTM nói chung phải nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.

Bà Trần Thị Tuyết Ngân, Phụ trách tài chính Công ty Nutifood

Công ty Nutifood chúng tôi đã có quan hệ tín dụng và sử dụng dịch vụ Sacombank trong 3 năm qua và chúng tôi nhận thấy rằng, Sacombank là một ngân hàng có dịch vụ tốt. Không những thế, Sacombank còn nhiệt tình trong việc tư vấn cho khách hàng. Ở Sacombank, chúng tôi nhận thấy sự linh hoạt và phục vụ tận tâm.

Chính sách về giá của Sacombank dành cho khách hàng cũng khá ưu đãi. Đơn cử, với Nutifood, Sacombank đang dành hạn mức tín dụng khoảng 500 tỷ đồng, với lãi suất cho vay (trong chương trình bình ổn được Sacombank liên kết với Sở Công thương TP. HCM) 5,5%/năm.

Còn mức lãi suất thông thường được Sacombank áp dụng 6,5%/năm đối với vốn ngắn hạn. Tôi cho rằng, mức lãi suất này đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là khá hợp lý.

Tin bài liên quan