Sacombank hướng đến tăng trưởng bền vững

Sacombank hướng đến tăng trưởng bền vững

(ĐTCK) Mặc dù đang phải trải qua quá trình tái cơ cấu, đẩy mạnh xử lý khối nợ xấu lớn, song Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã gặt hái không ít thành công trong năm 2018, quý I năm 2019 và tự tin bước tiếp với kế hoạch kinh doanh bền vững trong tương lai.

Sacombank hướng đến tăng trưởng bền vững

Đại hội đồng cổ đông Sacombank diễn ra ngày 26/4 đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 ở mức 2.650 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Cùng với đó, năm 2019, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 455.500 tỷ đồng, tăng tối thiểu 12% so với năm 2018. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 423.500 tỷ đồng, tăng trên 14%, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỷ đồng, tăng 17%.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 298.100 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 16%, trong đó cho vay khách hàng đạt 297.600 tỷ đồng, tăng 16%. Lãnh đạo Sacombank cho biết, trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hội đồng quản trị sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn và sử dụng vốn cho phù hợp thực tế.

Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2019, Sacombank cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục khẳng định lợi thế bán lẻ, triển khai hiệu quả hoạt động ngân hàng số, tăng nguồn thu dịch vụ và lợi nhuận.

Trong thời gian qua, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tại quầy và hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng, Sacombank còn chủ động đầu tư xây dựng và số hóa hệ sinh thái ngân hàng nhằm tăng khả năng cạnh tranh thông qua các dự án như: triển khai hệ thống quản lý quan hệ khách hàng CRM, khởi động dự án nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi T24 từ phiên bản R11 lên phiên bản R17, đầu tư công nghệ thanh toán và bảo mật của hoạt động thẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cấp hệ thống ngân hàng điện tử ở cả hai phiên bản Internet Banking, Mobile Banking với nền tảng về công nghệ và yêu cầu về bảo mật cao.

Đặc biệt là việc ra mắt ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay tích hợp đầy đủ các tính năng, tiện ích ngân hàng hiện đại nhất hiện nay, mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm thú vị về thanh toán không dùng tiền mặt. Sacombank Pay ra đời không chỉ bắt kịp xu thế hiện đại mà còn hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ về chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đưa công nghệ thanh toán đến gần với đời sống người dân.

Bên cạnh đó, để đưa các sản phẩm, dịch vụ tiếp cận rộng rãi đến người dân, trong vòng hai năm 2017 - 2018, Sacombank đã nâng cấp toàn bộ các quỹ tiết kiệm lên mô hình phòng giao dịch, chuyển quyền quản lý các điểm giao dịch có địa bàn chồng chéo và di dời đến các địa bàn tiềm năng hơn.

Việc phân bổ mạng lưới mà Sacombank hướng đến là các khu vực ngoại thành, vùng ven, vùng sâu, vùng xa để góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Điểm đặc biệt là các điểm giao dịch của Sacombank đều nhanh chóng ổn định, tăng trưởng tích cực và chiếm thị phần đáng kể ở các địa phương.

Ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ để khai trương thêm 4 chi nhánh mới tại các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Lào Cai thuộc khu vực miền Bắc để sớm nâng số điểm giao dịch trong năm 2019 lên con số 570, hiện diện tại 52/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia nhằm tạo nền tảng thúc đẩy các hoạt động bán lẻ và gia tăng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ.

Những ưu tiên phát triển hệ sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới và hệ sinh thái công nghệ nêu trên đã giúp Sacombank tăng doanh thu dịch vụ năm 2018 lên 2.682 tỷ đồng, tăng 47,1% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 23% tổng nguồn thu. Trong đó, dịch vụ bảo hiểm của Sacombank đạt kết quả ấn tượng sau hơn 1 năm chính thức trở thành đại lý bảo hiểm độc quyền 20 năm của Dai-ichi Life Việt Nam.

Doanh số vượt kế hoạch với gần 24.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đem về khoản thu dịch vụ bảo hiểm hơn 550 tỷ đồng, đóng góp 23,2% nguồn thu dịch vụ cho Ngân hàng. Số lượng khách hàng sử dụng thẻ của Sacombank trong năm 2018 tăng 14,7%, đạt hơn 4,5 triệu khách hàng, với doanh số thanh toán qua thẻ tăng 41,4% so với năm 2017.

Về hoạt động ngân hàng điện tử, số lượng người sử dụng dịch vụ Internet Banking của Sacombank liên tục tăng qua các năm, đạt mốc 1,4 triệu người (tăng 32,4%). Ngoài ra, Ngân hàng tích cực phát triển hệ thống đối tác liên kết để đa dạng sản phẩm, dịch vụ trong thanh toán hóa đơn, mua hàng, chuyển tiền.

Nhờ đó, thu dịch vụ ngân hàng điện tử đạt 197 tỷ đồng, tăng gần 71% so với năm 2017. Bên cạnh đó, với phương thức xử lý giao dịch tập trung, tăng cường kiểm soát rủi ro hoạt động, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp đã đưa doanh số thanh toán nội địa và thanh toán quốc tế không ngừng gia tăng, đóng góp 32% tỷ trọng trong tổng thu dịch vụ.

Cùng với việc phát triển quy mô, Sacombank luôn chú trọng xây dựng cấu trúc tài sản vững mạnh, tiệm cận dần các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế. Ngân hàng có những bước đi đột phá trong công tác xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, cải thiện tỷ trọng tài sản có sinh lời.

Sacombank hướng đến tăng trưởng bền vững ảnh 1

Nhẹ dần gánh nặng nợ xấu, Sacombank cận kề với Basel II

Giải quyết nợ xấu là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu của Sacombank. Sau khi sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đã tăng mạnh từ 1,16% lên 5,75% vào cuối năm 2015 và tiếp tục tăng lên 6,81% trong năm 2016.

Thế nhưng, chỉ sau nửa năm tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đến cuối năm 2017 đã được kéo giảm xuống còn 4,59%, thông qua việc xử lý và thu hồi gần 20.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó, có khá nhiều tài sản đảm bảo có giá trị lớn được Ngân hàng thanh lý thành công, điển hình như dự án bất động sản tại Khu công nghiệp Long An với giá trị 9.200 tỷ đồng. Năm 2018, Sacombank tiếp tục công bố đã xử lý thêm gần 12.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, cũng như các khoản nợ đã bán cho VAMC.

Không chỉ nỗ lực xử lý nợ xấu, Sacombank còn kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng theo định hướng cho vay đa dạng và phân tán, đẩy mạnh cảnh báo rủi ro, nâng cao công tác thẩm định, quản lý và giám sát chặt chẽ sử dụng vốn vay. Kết quả là tỷ lệ nợ xấu đã đạt mục tiêu giảm xuống dưới 3%, chỉ còn 2,11% và được xem là điểm sáng trong bức tranh xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng năm 2018. Và tại thời điểm 31/3/2019, nợ xấu của Sacombank tiếp tục được kéo giảm xuống mức 2,08%.

Ban điều hành Ngân hàng cho rằng, sau 2 năm triển khai phương án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã hoàn thành vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu của Đề án. Điều đáng nói là dù đang quá trình tái cơ cấu, Sacombank vẫn cận kề với Basel II.

Ngày 11/3/2019 vừa qua, Sacombank đã chính thức triển khai hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) sau hơn 1 năm nghiêm túc xây dựng. Việc triển khai LOS giúp Sacombank quản lý tập trung và chuẩn hóa toàn bộ hồ sơ theo khách hàng, chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu, tăng tính năng bảo mật an toàn. Trước đó, Sacombank đã khởi động các dự án mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng, hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro và dự án nâng cấp, hoàn thiện khung quản lý tài sản có - tài sản nợ (ALM).

Hiệu quả của việc xử lý nợ xấu để nhanh chóng đưa nguồn vốn vào kinh doanh sinh lời cũng như việc đẩy mạnh các dự án quản trị rủi ro nêu trên đã giúp Sacombank phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng một cách hiệu quả nhằm đem lại nhiều lợi ích cho Ngân hàng; tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền và nhà đầu tư; tạo tiền đề để mở rộng thị trường, tăng uy tín, vị thế, hình ảnh, thị phần…

Đặc biệt, các dự án nhằm mục tiêu xây dựng khung quản trị hoạt động tín dụng Sacombank theo chuẩn mực của Basel II, của Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với các thông lệ quốc tế đã, đang và sẽ giúp cho hoạt động Sacombank đảm bảo theo đúng định hướng hiệu quả, an toàn và bền vững.     

 

Quý I/2019, Sacombank đạt kết quả ấn tượng

Quý I/2019, Sacombank lãi trước thuế gần 1.100 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2018. Thu nhập lãi thuần tăng 47% so với cùng kỳ, đây là động lực tăng trưởng chính cho kết quả lợi nhuận. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động khác tăng 5 lần.

Tổng thu nhập hoạt động của Sacombank đạt 3.542 tỷ đồng, tăng 51,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 16,6%, lên mức 2.050 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được Ngân hàng trích lập gấp 5 lần cùng kỳ, lên tới 430 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Sacombank đạt 425.033 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,6%, đạt 271.020 tỷ đồng; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 385.281 tỷ đồng, tăng 7,8%. Tại thời điểm ngày 31/03/2019, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tiếp tục được kéo giảm xuống còn 2,08%.

Tin bài liên quan