Sacombank: Hậu chuyển giao quyền lực và hai dấu hỏi

Sacombank: Hậu chuyển giao quyền lực và hai dấu hỏi

Đâu là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này từ nhóm cổ đông lớn khi trước đó họ đã tuyên bố đầy tính khẳng định về tiềm lực của Sacombank.

 

ĐHCĐ năm 2012 của STB đã kết thúc mọi mơ hồ về việc nhóm cổ đông lớn thâu tóm và thay đổi hầu như toàn bộ HĐQT. STB sẽ bước sang trang mới, nhưng hiện cổ đông vẫn còn nhiều hoài nghi về chân dung và sự gắn bó của nhóm cổ đông mới này.

 

Trước khi diễn ra Đại hội, website Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) có cập nhật tài liệu ĐHCĐ. Tuy nhiên, những thông tin được cho là nhạy cảm đã không được công bố như tờ trình về tăng mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát 2012 từ 1% lên 2,5%/lợi nhuận sau thuế cho năm tài chính 2012 (khoảng 60 tỷ đồng) hay tờ trình về phát hành thêm cổ phiếu cho cán bộ cốt cán đã để trống thông tin về điều kiện phát hành.

 

Có lẽ cũng vì lý do đó, mà tại Đại hội không có ý kiến thắc mắc nào xung quanh phương án phát hành được nhắc ở trên bởi các cổ đông chưa có thời gian để xem xét kỹ các tờ trình.

 

Cụ thể, STB dự kiến sẽ phát hành 32.219.029 cổ phiếu cho cán bộ cốt cán, tương đương 322 tỷ đồng (tức 3%/vốn cổ phần) với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo STB, việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ cốt cán thuộc các cơ quan Quản trị - Kiểm soát - Điều hành nhằm động viên tinh thần làm việc và sự gắn bó tận tụy của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Điều đặc biệt quan trọng, số cổ phần này không bị ràng buộc thời gian nắm giữ và các quyền phát sinh.

 

Thông thường, cổ phiếu “ưu đãi” khi phát hành sẽ kèm theo một số ràng buộc về thời gian nắm giữ (họ chỉ được phép chuyển nhượng sau một khoảng thời gian nhất định, thường là từ 6 tháng đến 2 năm), nếu nhân viên nghỉ việc trước thời gian quy định, công ty sẽ mua lại toàn bộ số cổ phiếu đó với giá bằng giá phát hành…nhằm cân bằng quyền lợi với những cổ đông hiện hành.

 

Tuy nhiên, với trường hợp của STB, những cán bộ cốt cán thuộc các cơ quan Quản trị - Kiểm soát - Điều hành theo danh sách do Ban điều hành phối hợp với Công đoàn cơ sở thiết lập của STB lại được hưởng những ưu đãi cực lớn, bên cạnh lợi thế về giá mua chưa đến 1/2 giá thị trường, họ có thể thực hiện mua bán ngay sau đợt phát hành do không bị hạn chế về thời gian nắm giữ.

 

Nếu lấy giá đóng cửa ngày 31/5 là 25.300 đồng/cổ phiếu để tạm tính, thì khoản chênh lệch giữa giá phát hành và giá thị trường này lên đến 492,9 tỷ đồng.

 

Chưa tính đến việc pha loãng cổ phiếu do phát hành, nếu hơn 32 triệu cổ phiếu “giá rẻ” được ồ ạt bán ra trên thị trường thì nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu STB hay chính là những cổ đông hiện hữu sẽ chịu thiệt thòi như thế nào?!

 

Bên cạnh câu chuyện về phát hành, vào trung tuần từ hồi tháng 2, khi thương vụ thâu tóm Sacombank đang trong giai đoạn “gay cấn”, vị lãnh đạo của Sacombank có trả lời báo chí về dự kiến đặt kế hoạch năm 2012 với 3.500 tỷ đồng lợi nhuận. Ngay sau đó, trong văn bản đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT của Sacombank, Eximbank (đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) đồng thời cũng yêu cầu HĐQT của Sacombank phải điều chỉnh kế hoạch 2012. Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch trình cổ đông phải đạt ít nhất 4.025 tỷ đồng, tăng thêm ít nhất 15% so với kế hoạch dự kiến.

 

Theo lý giải của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank: “Tình hình hoạt động của Sacombank năm 2011, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác có cùng quy mô thì theo quan điểm của chúng tôi là hiệu quả chưa tương xứng”.

 

Đại hội STB hôm 26/05 vừa qua chứng kiến sự tham gia của những nhân sự mới từ nhóm cổ đông lớn trong đoàn Chủ tọa ngay từ đầu buổi hội nghị. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là lợi nhuận 2012 được trình cổ đông không có gì thay đổi như phát biểu rất mạnh mẽ từ nhóm cổ đông lớn về việc phải tăng thêm ít nhất 15% so với kế hoạch, vẫn là những con số ban đầu mà HĐQT cũ đặt ra: 3.400 tỷ đồng.

 

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này từ nhóm cổ đông lớn khi trước đó họ đã tuyên bố đầy tính khẳng định về tiềm lực của Sacombank. Có hay không Eximbank dùng những con số này để “uy hiếp” STB, gây hoang mang và mất niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư vào HĐQT lúc bấy giờ? Hay giờ đây, nhóm cổ đông lớn khi tham gia quản trị đã không còn tự tin với kế hoạch này?