Sách trắng của EuroCham: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho FDI

(ĐTCK) Tại buổi công bố Sách Trắng 2017, ấn phẩm thường niên lần thứ 9 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng nay (2/3) tại Hà Nội đã nhận định, bất chấp các trở ngại đang còn tồn tại, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự nắm bắt sát sao các vấn đề liên quan đến FDI.

Với việc nới rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI được mong đợi sẽ tiếp tục tăng. Theo đó, đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, sự phát triển tích cực của của nền kinh tế cùng các đặc điểm cơ bản của Việt Nam vẫn hấp dẫn bất chấp những rủi ro hiện có.

Những điểm tích cực được các doanh nghiệp châu Âu đánh giá đã tác động tới sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam là thay đổi về pháp lý, các yếu tố cơ bản khác như, xét về nhân khẩu học, Việt Nam đang trong thời kỳ độ tuổi vàng với 25% trong tổng số 90 triệu dân ở độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi; GDP bình quân đầu người đang tăng nhanh do Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (12,9% mỗi năm trong giai đoạn 2012-2020).

Sách trắng của EuroCham: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho FDI ảnh 1

“Với tỷ lệ biết chữ và trình độ học vấn cao, mức lương tương đối thấp, ở vị trí cầu nối và trung tâm trong khu vực ASEAN, Việt Nam ngày càng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn làm trung tâm hoạt động để cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho khu vực Mê Kông và các khu vực xa hơn”, Sách Trắng nhấn mạnh.

Song song với đó, nét đặc trưng hấp dẫn của Việt Nam được thể hiện qua sự chào đón một cách rộng rãi vốn FDI vào các hoạt động sản xuất.

Điển hình là việc mở cửa dần hầu hết các ngành dịch vụ theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 đã được hoàn thành vào năm 2015.

Trong một số lĩnh vực, pháp luật trong nước đã nới rộng khả năng tiếp cận thị trường còn vượt ra ngoài các cam kết WTO như nới tỷ lệ cổ phần nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng từ mức 49% lên tới 100%. Ngoài ra, Việt Nam cũng áp dụng các ưu đãi đầu tư như cắt giảm thuế trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ môi trường, nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp châu Âu luôn dẫn đầu trên toàn cầu.

Hơn thế, kể từ tháng 7/2015, một số luật và quy định điều chỉnh các vấn đề về đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp, bất động sản và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã có hiệu lực thi hành.

Chẳng hạn như Luật Đầu tư mới và Luật Doanh nghiệp mới đã làm rõ các khái niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động M&A; giảm số lượng các lĩnh vực ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện; rút ngắn thời gian cấp phép theo luật định; tăng tính linh hoạt trong quản trị doanh nghiệp; và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiến hành tố tụng của cổ đông.

Sự phát triển và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là không thể phủ nhận bởi lẽ Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, theo các lãnh đạo EuroCham, các quy định hướng dẫn cho nhiều văn bản luật mới vẫn chưa được ban hành, quá trình xử lý hồ sơ cho các nhà đầu tư đang còn bị trì hoãn.

Sách Trắng 2017 là công cụ thiết thực, chuyển tiếp những thông điệp từ cộng đồng doanh nghiệp đến cơ quan chính phủ Việt Nam.

 - Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu 

Một vấn đề khác mà các thành viên của EuroCham muốn nhấn mạnh là việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi làm việc với hệ thống hành chính của Việt Nam.

Việc khai báo thuế, thủ tục thông quan, thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép, và các thủ tục hành chính khác thường bị trì hoãn, kết quả xử lý hồ sơ không thể lường trước được.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Cơ quan quản lý đánh giá cao việc cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam công bố cuốn sách tập hợp các ý kiến, đánh giá... Bộ Công thương xem đây là một cơ hội tốt để ghi nhận, xem xét kịp thời đưa ra các giải pháp để phát triển môi trường kinh doanh, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội.

“Bộ Công thương mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp để Bộ tiếp tục đưa ra những giải pháp để hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phát triển hài hoà”, ông Vượng nói.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết: “Trong bối cảnh hiệp định EU-Việt Nam được ký kết sẽ là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư giữa EU và Việt Nam. Đây là thời điểm đòi hỏi cả 2 phía phải có bước tiến vượt bậc, có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi hiệp định song phương".

"Sách Trắng 2017 là công cụ thiết thực, chuyển tiếp những thông điệp từ cộng đồng doanh nghiệp đến cơ quan chính phủ Việt Nam”, ông Bruno Angelet nhấn mạnh thêm.

Tin bài liên quan