Mặc dù được đánh giá đã có nhiều cải cách nhưng các kiến nghị trong Sách Trắng cho thấy, DN trong liên minh châu Âu vẫn còn nhiều quan ngại…
“Trong thời gian mấy tháng qua, tốc độ thay đổi về chính sách thuế nhiều hơn cả mấy năm trước cộng lại”, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Hội đồng lĩnh vực Thuế nhấn mạnh nhưng “thiếu các văn bản hướng dẫn về cách áp dụng các điều khoản cụ thể mới về chống tránh thuế; quy trình thông báo áp dụng Hiệp định yêu cầu thông báo phải được gửi đến cơ quan thuế trước khi áp dụng, tuy nhiên lại không quy định về việc phản hồi/xác nhận chính thức từ cơ quan thuế đối với việc áp dụng”.
Ông Charles Postel, Chủ tịch tiểu ban Quyền sở hữu trí tuệ cho biết, xâm phạm trên môi trường trực tuyến ngày càng gia tăng, bao gồm: buôn bán bất hợp pháp tác phẩm có bản quyền và hàng hóa xâm phạm; chiếm dụng tên miền… Trong khi đó, thay vì xử lý nghiêm những trường này thì mức độ vẫn chỉ là xử phạt hành chính đối với cá nhân xâm phạm bản quyền…
Còn ông Nicolas Audier, thành viên ban lãnh đạo EuroCham đã dẫn chứng ví dụ cụ thể, ở TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp châu Âu vẫn phàn nàn về việc họ mất từ 6 đến 9 tháng mới có được giấy phép đầu tư và điều này cũng làm nản lòng các nhà đầu tư. Hay những quan ngại về pháp lý liên quan đến các phán quyết ở nước ngoài nhưng rất khó thực thi ở Việt Nam…
Điều này cho thấy, Việt Nam dẫu đã có những cải cách nhiều về luật và thủ tục hành chính nhưng Việt Nam vẫn cần phải cải cách mạnh mẽ hơn.
“Sách Trắng đã được xuất bản 7 năm và trong cả 7 năm được đề cập liên tục vẫn là vấn đề về thuế, sở hữu trí tuệ, cải cách hành chính. Rõ ràng, Việt Nam đã mở cửa gần 30 năm (từ năm 1986) nhưng thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều việc phải giải quyết để cánh cửa mở thực sự”, ông Nicolas Audier nói.
Ngoài ra, Sách Trắng cũng nêu những điểm lo ngại của các DN châu Âu tại Việt Nam là tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và việc thực hiện các khuôn khổ pháp lý vì các DN hội viên thường phải đối mặt với nhiều trở ngại do thiếu sự thực hiện hoặc không rõ ràng trong tiến trình và các yêu cầu pháp lý...
Bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Sách Trắng lần thứ 7 cũng sẽ như các ấn phẩm trước, chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ có được các thông tin hữu ích với các kiến nghị nhằm giải quyết vấn đề hiện tại. EuroCham sẵn sàng hợp tác với Chính phủ và tư vấn về các vấn đề”.
Tham dự tại buổi Họp báo, ông Franz Jessen, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng chia sẻ: “Các DN trong liên minh châu Âu mong muốn được làm việc hơn nữa ở Việt Nam và để làm được điều này cần cải thiện môi trường đầu tư. Chắc chắn nếu tình hình này được cải thiện, DN châu Âu sẽ còn đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam”.