Thị trường sau 2 phiên tăng liên tiếp đã trở lại trạng thái rung lắc nhẹ với thanh khoản sụt giảm đáng kể. Trong đó, chỉ số VN-Index đã xác nhận lại ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm khi nhanh chóng bật hồi ở vùng giá này và tạm khép lại phiên giao dịch sáng 17/1 với mức tăng nhẹ bởi trạng thái chung phân hóa.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì diễn biến giằng co nhẹ trong khoảng hơn 30 phút mở cửa và bắt đầu có dấu hiệu tích cực khi lực cầu tham gia sôi động hơn. Đặc biệt, diễn biến đảo chiều hồi phục và dần nới rộng biên độ tăng của nhóm bluechip đã giúp VN-Index tịnh tiến lên vùng giá cao nhất trong ngày.
Thị trường khép lại phiên cuối tuần với sắc xanh bao phủ trên diện rộng, gấp hơn 2 lần số mã giảm và chỉ số VN-Index áp sát mốc 1.250 điểm, xác nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Trong đó, các mã bank – chứng – thép vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường, còn nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất là công nghệ.
Đóng cửa, sàn HOSE có 272 mã tăng và 123 mã giảm, VN-Index tăng 6,75 điểm (+0,54%), lên 1.249,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 433 triệu đơn vị, giá trị 10.278,8 tỷ đồng, giảm 13,4% về khối lượng và 22,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 75,8triệu đơn vị, giá trị 2.053,7 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là điểm tựa chính của thị trường khi đóng cửa tăng hơn 10 điểm, với 20 mã tăng và 7 mã giảm. Trong đó, SAB vẫn là mã giảm sâu nhất đạt 1,1%, còn lại POW, MSN, MWG, VCB, BCM, GAS giảm nhẹ.
Ngược lại, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là HDB và TCB đều tăng khá tốt lên mức giá cao nhất trong phiên, tương ứng đóng cửa tăng 3,7% lên 22.500 đồng/CP và tăng 2,3% lên 24.400 đồng/CP. Ngoài ra, BVH tăng 2%, FPT tăng 1,7%, CTG và GVR cùng tăng 1,1%...
Xét về nhóm ngành, với diễn biến tích cực của FPT, nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục nới rộng biên độ và trở thành top dẫn đầu của thị trường khi có thêm ELC tăng kịch trần, CMG tăng gần 3%, ITD tăng 4,35%, ICT tăng 5,78%...; trên UPCoM có MFS tăng kịch trần, VGI tăng 3,28%, FOX tăng 4,2%, VTK tăng 5%...
Nhóm cao su cũng là điểm sáng khi bên cạnh GVR tăng 1,1%, các mã khác như TRC tăng kịch trần, DPR tăng 3,5%, HRC tăng 5,5%...
Các nhóm cổ phiếu khác như vận tải, thép, bất động sản… cũng đồng loạt khởi sắc.
Cặp đôi lớn là ngân hàng và chứng khoán cũng không nằm ngoài diễn biến chung. Trong nhóm ngân hàng, dù mã lớn VCB đảo chiều, nhưng sắc xanh bao phủ trên diện rộng đã giúp nhóm này hồi phục và hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường. Đáng kể như TCB tăng hơn 2,3%, các mã khác như CTG, NAB, LPB đều tăng hơn 1%, còn lại tăng quanh mức 0,5%, ngoại trừ mã tăng tốt nhất là HDB.
Về thanh khoản, cổ phiếu thép HPG dẫn đầu với 13,95 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng nhẹ 0,8%; tiếp theo là HDB khớp 13,33 triệu đơn vị và TCB khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng diễn biến tích cực hơn về cuối phiên đã đẩy HNX-Index lên mức cao nhất trong phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 94 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 1,63 điểm (+0,74%), lên 222,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,9 triệu đơn vị, giá trị 610,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,27 triệu đơn vị, giá trị 126,5 tỷ đồng, trong đó riêng NBP thỏa thuận gần 3,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 57,2 tỷ đồng và HUT thỏa thuận gần 1,3 triệu đơn vị, giá trị 20,4 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, nhóm HNX30 tăng khá mạnh hơn 6 điểm khi có tới 20 mã tăng và chỉ có 5 mã giảm. Trong đó, PVB giảm 3,6%, TVD giảm 1,9%, còn PSD, HUT và SLS giảm nhẹ; ngược lại, CEO giữ vững mức tăng khá tốt là 4,1% và khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường với 5,5 triệu đơn vị; DTD và PVS cùng tăng 2,5%...
Ngoài CEO, các cổ phiếu giao dịch sôi động tiếp theo trong top 5 mã dẫn đầu thị trường đều giao dịch khởi sắc. Cụ thể, SHS tăng 2,5% và khớp 4,89 triệu đơn vị, TIG tăng 2,3% và khớp 2,84 triệu đơn vị, MST tăng 1,4% và khớp hơn 2 triệu đơn vị, PVS tăng 2,5% và khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, PV2 có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, đóng cửa tại mức giá 3.700 đồng/CP và khớp lệnh đạt hơn 1,1 triệu đơn vị, gần gấp đôi phiên trước đó.
Trên UPCoM, thị trường cũng tịnh tiến đi lên trong phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,69 điểm (+0,75%), lên 93,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,6 triệu đơn vị, giá trị 382 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 4,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 28 tỷ đồng.
Cổ phiếu HNG vẫn có thanh khoản vượt trội với 6,95 triệu đơn vị giao dịch, đóng cửa tăng 5,4% lên mức 7.800 đồng/CP.
Cổ phiếu OIL kết phiên tăng 1,6% lên mức giá cao nhất trong ngày 13.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch chỉ thua HNG với gần 2 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.
Tâm điểm đáng chú ý vẫn là MFS khi đóng cửa tăng 15% lên mức giá trần 56.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 0,6 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ tính trong 5 phiên giao dịch, cổ phiếu MFS đã tăng tới 55,6%.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng khá tốt, trong đó VN30F2502 đáo hạn gần nhất vào ngày 20/2 tăng 12,3 điểm, tương đương +0,9% lên 1.320,8 điểm, khớp lệnh 183.900 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.820 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CMBB2406 vẫn có thanh khoản cao nhất, đạt hơn 3,2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu 460 đồng/cq. Theo sau là CVPB2407 khớp gần 3,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,1% lên 300 đồng/cq.