Vốn ngoại áp đảo
Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A toàn cầu năm 2023 hạ nhiệt, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung. Đây được xem là kết quả tất yếu trước những biến động khó lường hậu đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát, lãi suất ở vùng cao trong lịch sử, tình trạng căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị...
Sự sụt giảm tạm thời trong thị trường M&A có thể được xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn, với 2023 là một năm mà thị trường tìm lại điểm cân bằng để tiến tới phát triển bền vững.
Nếu như năm 2020 - 2021, hoạt động M&A diễn ra sôi động, nhiều nhà tư vấn làm không hết việc, không ít thương vụ có định giá EV/EBITDA ở mức 18 - 20 lần vẫn có thể “chốt”, thì năm 2022 - 2023 rơi vào trầm lắng, định giá giảm khoảng 30 - 35% và thời gian hoàn thành lâu hơn.
Tuy nhiên, ghi nhận tại Diễn đàn M&A 2023 với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng” do Báo Đầu tư dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tuần qua, sau thời gian trì hoãn, các bên tham gia M&A đang có sự nhượng bộ nhất định về định giá. Đặc biệt, dòng vốn M&A được các doanh nghiệp nhận diện rõ hơn - là một trong những cấu phần quan trọng trong nguồn vốn, bên cạnh vốn vay và vốn tự có.
“Tôi đang cầm trong tay khá nhiều đơn đặt hàng M&A, với đa dạng các loại hình doanh nghiệp, từ vốn cổ phần tư nhân đến doanh nghiệp niêm yết. Nhu cầu tìm vốn qua M&A để có đối tác song hành về tài chính, quản trị, công nghệ, thị trường… được doanh nghiệp chú trọng sau giai đoạn thăng trầm vừa qua. Tập trung vào nội lực để vượt qua những biến động hiện tại và vào vị thế sẵn sàng nắm bắt các cơ hội sắp tới là điều quan trọng đối với doanh nghiệp”, nhân sự khối ngân hàng đầu tư của một công ty chứng khoán chia sẻ.
Nhiều ý kiến kỳ vọng, năm 2024 sẽ có nhiều thương vụ M&A hơn được thực hiện, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, từ sự sẵn sàng của dòng vốn M&A khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dừng tăng và có thể sớm bắt đầu giảm lãi suất, từ chính nhu cầu của các nhà đầu tư - có thiên hướng đổ về các thị trường ổn định chính trị, tiềm năng tăng trưởng kinh tế như Việt Nam.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia nhìn nhận, xu hướng chung thì thị trường M&A Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của nhiều tập đoàn lớn.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, có 265 thương vụ M&A, tổng giá trị giao dịch hơn 4,4 tỷ USD (cả năm 2022 là gần 6,2 tỷ USD). Trong đó, 80% giá trị giao dịch thuộc lĩnh vực tài chính, bất động sản và y tế. Giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD (bình quân năm 2022 là 15,3 triệu USD), giá trị thương vụ lớn nhất là 1,45 tỷ USD. Năm thương vụ có giá trị lớn nhất thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài áp đảo có thể là dấu hiệu chuyển hướng của thị trường từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn trong các ngành triển vọng.
Sang năm 2024, động lực tăng trưởng của thị trường M&A còn đến từ dòng vốn FDI mạnh mẽ, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%, nợ công dưới trần 60% GDP, kinh tế được IMF dự báo tăng trưởng 5,8% và đạt 6,9% vào năm 2025… Đây là những nền tảng báo hiệu một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam nhận xét, cơ hội tại thị trường M&A Việt Nam vẫn còn rất nhiều.
“Tôi cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn phù hợp cho các công ty Nhật Bản thâm nhập hoặc mở rộng. Chúng tôi có hoạt động toàn cầu, nhưng tập trung 80% vào các thương vụ giữa Việt Nam và Nhật Bản”, ông Masataka “Sam” Yoshida nói.
Các bên cần thích ứng linh hoạt
Có những dấu hiệu cho thấy năm 2024 sẽ thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam.
Ông Sebastien Laurent, Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Công ty tư vấn Financière de Courcelles lưu ý, các thương vụ M&A ở châu Á, trong đó có Việt Nam, mất nhiều thời gian. Một số nhà đầu tư hiểu được câu chuyện này nên có tâm thế chuẩn bị. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường biến động khó lường như 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp bộc lộ điểm yếu về quản trị công ty, về minh bạch, về bảo vệ quyền lợi cổ đông… Thực tế, những doanh nghiệp làm tốt các điểm này đều thu hút được nhà đầu tư.
Ngoài ra, bảng cân đối kế toán của không ít doanh nghiệp có các khoản nợ xấu, chi phí vay quá cao, huy động vốn trái phiếu với lãi suất cao.
“Đây là một trong những vấn đề tiên quyết, nếu không cải thiện sẽ bị ép giá, doanh nghiệp bắt buộc phải tái cấu trúc”, ông Warrick Cleine nói.
Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF cho biết, liên doanh là hình thức chính trong bối cảnh kinh doanh ngày càng phức tạp và liên doanh có các nhà đầu tư thiểu số ngày càng tăng. Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ rõ nét hơn, vì có sự linh hoạt trong phân bổ vốn và các mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng trở nên phổ biến.
Theo bà Duyên, chuẩn bị cho những thương vụ liên doanh thành công rất phức tạp. Thương vụ bình thường chỉ cần bộ tài liệu mua bán, nhưng thương vụ liên doanh còn cần đến mối quan hệ đối tác chiến lược. Trong giao dịch này, có nhiều vấn đề cần nhiều thời gian chuẩn bị để đưa bản sắc văn hóa, môi trường kinh doanh, chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau… xích lại gần.
Bà Duyên cho rằng, có hai điểm cần xác định cho các thương vụ liên doanh: thứ nhất, lên kế hoạch quản lý hiệu quả, xác định một bên quản lý chính hay có sự phân chia; thứ hai, chú trọng đến hồ sơ doanh nghiệp, nhất là chiến lược ESG.
Trong khi đó, bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART cho hay, trong thực tế hoạt động M&A, có doanh nghiệp đạt doanh thu 20 - 30 triệu USD, nhưng không biết định giá là gì. Điều này đặt ra vấn đề các doanh nghiệp như vậy phải tìm hiểu hết các quy trình M&A, nếu trong tương lai họ quyết định thực hiện hoạt động này.
Bà Bình Lê Vandekerckove cho rằng, M&A không phải thực hiện trong trường hợp áp lực làm ăn thua lỗ, mà là kênh để thực hiện chiến lược đột phá trong kinh doanh.
Đồng quan điểm, ông Melvin Heng, Tổng giám đốc Tập đoàn Thomson Medical chia sẻ, nếu không nói về M&A thì có lẽ “cánh đồng xanh” bắt đầu từ con số 0. M&A là một phần trong chu kỳ kinh doanh, các nhà sáng lập khởi tạo kinh doanh, còn các bên chiến lược bước chân vào một công ty để xây dựng nền tảng thêm vững vàng và phát triển cộng hưởng.
“Bản chất M&A cần nhiều niềm tin, nếu nhà đầu tư tin vào môi trường đầu tư, vào quốc gia, vào cơ chế, thì họ mới cảm thấy an toàn và thoải mái khi đưa ra quyết định đầu tư”, ông Melvin Heng nói.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang |
Trong những năm qua, các thương vụ M&A tăng nhanh về số lượng cũng như quy mô, nhưng đã đến giai đoạn lượng ở mức cao thì cần đến sự tiến hoá về chất hơn nữa.
Gần đây, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp bị lung lay vì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu. Phúc Khang đã tiếp cận tiêu chí ESG và tiêu chuẩn xanh của thế giới từ 10 năm trước. Chúng tôi thấy rằng, các ngành hàng đều có những tiêu chuẩn riêng, khi chúng ta tiếp cận các ngành hàng theo tiêu chuẩn thì sẽ đạt được mục tiêu kép theo định hướng của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững để doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng cộng tác, M&A dự án.
M&A là phương tiện giúp nhà đầu tư có lợi nhuận nhanh, thu hồi vốn nhanh, hoạt động linh hoạt, thích ứng trong từng điều kiện. Hiện tại, rổ hàng hoá M&A hấp dẫn hơn và đa dạng hơn về loại hình, sản phẩm.
Với lĩnh vực bất động sản, chúng ta đang trong giai đoạn chững lại, nhưng đây là cơ hội để cân đối lại rổ hàng hoá, đánh giá lại vị trí. Chúng ta có sự lựa chọn cả về chất lượng, vị trí để đạt được những giá trị dài hạn.
Sau khi M&A thành công, phải coi đây như là cuộc hôn nhân có trách nhiệm, đồng hành cùng nhau.
Ông Vũ Minh Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VIAD Group |
Năm 2023, chúng ta nghe nhiều về sự đứt gãy chuỗi cung ứng, kinh tế khó khăn…, nhưng qua các cuộc trao đổi, tôi nhận thấy nhiều người vẫn lạc quan với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Câu chuyện M&A là tất yếu, vì sự suy thoái ngành này là cơ hội cho ngành khác, là động lực thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển.
Để thực hiện một thương vụ M&A, các doanh nghiệp cần xác định mục tiêu đúng. Tôi tâm đắc chủ đề của Diễn đàn M&A năm nay là “Chung tay cùng thịnh vượng”. Các thương vụ M&A đều phải hướng đến điều này, không chỉ giá trị lâu bền về tài chính, mà còn là văn hóa doanh nghiệp, quản trị, thương hiệu…
Có 3 nguồn sức mạnh chính mà các doanh nghiệp hướng tới trong tiến trình M&A. Trước hết, đó là sức mạnh niềm tin. Doanh nghiệp Việt Nam phải có niềm tin vào năng lực nội tại, khả năng cạnh tranh, còn nhà đầu tư nước ngoài cần tin vào sự ổn định, tiềm năng thị trường, tin cậy nhau.
Thứ hai là sức mạnh tài chính và khoa học công nghệ. Nếu như trước đây, chúng ta nghe nói nhiều về tiền, thì ở thời đại 4.0, doanh nghiệp nào nắm giữ được công nghệ sẽ có lợi thế. Thứ ba, doanh nghiệp cần động lực vốn từ M&A, vì vốn chủ sở hữu đã suy giảm trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Trong khi đó, vốn vay khó tiếp cận, trái phiếu doanh nghiệp không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, huy động vốn qua M&A là kênh hiệu quả.
Ở thời điểm này, tôi cảm thấy là tín hiệu tốt khi tổng giá trị M&A giảm, nhưng giá trị của mỗi thương vụ lại tăng. Điều này thể hiện dòng vốn đang được chảy đúng mục đích, đem lại hiệu quả cho cả bên mua và bên bán.
Một sức mạnh quan trọng trong M&A là sức mạnh của sự kết nối từ nhiều lĩnh vực với nhau. M&A cần sự cam kết, đồng hành và tận dụng thế mạnh của nhau.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase |
Thông qua cổ phần hóa, nhờ quản trị tốt, dịch vụ tốt nên Biwase tạo được uy tín, được nhiều đối tác lựa chọn hợp tác. Ngược lại, BWE cũng đầu tư vốn vào các doanh nghiệp cùng ngành nước, qua đó góp phần cải thiện dịch vụ cấp nước, cải thiện công nghệ, thủ tục.
Nhiều đồng nghiệp có năng khiếu sản sinh ra nhà máy nước mà không có khả năng hoàn thiện dịch vụ, nhưng Biwase làm được. Khâu phân phối rất quan trọng, làm không tốt là sẽ lỗ, dù “bơm nước sông lên bán”. Đây là kinh nghiệm đầu tư ngành nước, làm tốt công tác dịch vụ thì khách hàng sẽ sẵn sàng chi trả. Hiện Biwase đã mở rộng hoạt động ra 10 tỉnh, thành phố, chủ yếu nhờ M&A.
Trong M&A, “cá lớn nuốt cá bé” là góc nhìn chưa tích cực, nhưng góc độ khác là tích cực, với hình ảnh chung tay kéo lên một đồng nghiệp đang khó khăn, ở bờ vực sụp đổ. Sau đó, doanh nghiệp hồi phục, phát triển, mình tham gia vốn và quản trị, cũng là giúp cho các bên giữ được tài sản tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có vấn đề tài chính, mình đưa kiến thức quản trị vào để giúp họ. Chúng tôi có đam mê ngành nước, muốn phát triển cả ngành và người dân có đủ nước sạch để dùng.
Tôi gặp nhiều trường hợp đồng nghiệp lúng túng khi có đam mê ngành nước nên đầu tư vào, nhưng không mạnh về mạng lưới phục vụ khách hàng. Vì thế, họ tìm tới chúng tôi để cùng làm, qua đó mang lại lợi ích cho đôi bên, cho xã hội.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TTC |
Khi có cơ hội tốt mà không tận dụng được hết, thì nên liên doanh, liên kết. Các tỷ lệ sở hữu 36%, 49%, 51% hay 65%, đó là đối vốn. Đối tác vào thì họ sẽ có trách nhiệm với mình. Nếu không rõ thì chúng ta có thể tìm đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.
Cơ cấu cổ phần đi đôi với cơ cấu nguồn lực. Nếu muốn trụ lại, chúng ta không chuyển giao toàn bộ, mà chỉ chuyển giao một phần, nhưng phải xem xét hoàn thiện chiến lược phát triển.
M&A là con đường mà được kiểm soát, quản trị tốt thì cơ hội sẽ đến với chúng ta, nhất là khi Việt Nam đang trong nền kinh tế mở. Qua những cơn biến động trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, chúng ta đang đứng trên đường đua mới, nhưng cơ hội và thách thức đan xen là điều bình thường.
Xin hỏi, những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp startup nào dám chuyển nhượng lúc đang thịnh vượng? Nếu để suy yếu mới bán thì tôi đánh giá không cao. Người mua cũng phải dám mua, mua cái tương lai. Khát vọng doanh nghiệp Việt Nam nên cùng chung tay với doanh nghiệp nước ngoài trên đường đua mới.