Từ lâu, Sabeco luôn được xem là hàng “hot” trên sàn OTC và việc niêm yết trực tiếp tại HOSE càng khiến thị trường đánh giá cao tính công khai, minh bạch của SAB, không chỉ nâng vị thế doanh nghiệp lên một tầm cao mới, mà còn đem đến cho nhà đầu tư thêm một cổ phiếu chất lượng để lựa chọn.
Xây dựng doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc
Với mức giá giao dịch dự kiến 110.000 đồng/cổ phần, giá trị vốn hóa của Sabeco đạt hơn 70.500 tỷ đồng, xếp thứ 5 trên sàn HOSE. Tuy nhiên, mức giá này vẫn được xem là thấp và còn nhiều hấp dẫn với nhà đầu tư. Càng sát ngày chốt danh sách để đăng ký niêm yết, việc săn đón và chuyển nhượng cổ phiếu SAB diễn ra càng sôi động với mức giá tăng lên từng ngày, có giao dịch đạt giá 160.000 - 170.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 60 - 70% giá chào sàn chính thức.
Do vậy, trong ngày giao dịch đầu tiên, thị trường đã không hề bất ngờ khi cổ phiếu SAB tăng kịch biên độ 20%, biên độ cao nhất theo quy định của HOSE trong ngày chào sàn, đóng cửa tại mức giá trần 132.000 đồng/cổ phiếu và dư mua hàng triệu đơn vị. Sự săn đón của thị trường là dễ hiểu, bởi Sabeco hiện là doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam với năng lực tài chính mạnh.
Năm 2015, Sabeco cùng với VBL, Habeco là 3 công ty thống lĩnh thị trường Việt Nam. Trong đó, Sabeco có thị phần lớn nhất, đồng thời là nhà sản xuất nội địa duy nhất tăng trưởng sản lượng dương trong 5 tháng đầu năm 2016 với tỷ lệ 9%. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi của thế giới với tiềm lực tài chính mạnh liên tục đổ bộ khiến mức cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt.
Sabeco đang sở hữu nhiều nhà máy sản xuất bia nhất cả nước với 24 nhà máy hiện đại, tổng công suất khoảng 1,8 tỷ lít bia/năm. Sabeco hiện đứng vị trí thứ 17 trong các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, Top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á và là thành viên của Học viện Bia Berlin, một trong những cái nôi của văn hóa bia toàn cầu. Bên cạnh đó, Sabeco cũng sở hữu hệ thống phân phối mạnh với hàng ngàn nhà phân phối rộng khắp cả nước. Nhiều công ty con, liên doanh, liên kết của Sabeco đã được đăng ký giao dịch/niêm yết trên sàn như CTCP Nước giải khát Chương Dương (mã SCD, sàn HOSE), CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (mã WSB, sàn UPCoM), CTCP Bia Sài Gòn - Phú Thọ (mã BSP, sàn UPCoM)… có kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, tỷ lệ chi trả cổ tức cao. Chất lượng Bia Sài Gòn được thừa nhận khi nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức uy tín trong và ngoài nước: Thương hiệu Quốc gia, Giải vàng bia quốc tế tại Úc (AIBA) năm 2015…
Theo nghiên cứu của Canadean năm 2015, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam xếp thứ 3 tại châu Á với mức tăng trưởng bình quân 10 năm qua là 6,4%/năm. Với vị thế doanh nghiệp đầu ngành, cơ cấu tài chính mạnh, hiệu quả hoạt động ở mức cao, không quá khó để giải thích tại sao Sabeco lại có sức hút đến vậy.
Sabeco và chiến lược phát triển bền vững
Trong thời gian qua, Sabeco đã không ngừng đổi mới và chú trọng đến công tác đầu tư dài hạn trên các lĩnh vực từ khâu đầu vào cho đến khâu tiêu thụ cuối cùng, thể hiện qua các chiến lược nhất quán, đồng bộ từ khâu cung ứng, vận tải, kho bãi, đến khâu sản xuất, marketing, tiêu thụ, các hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng (CSR).
Các sản phẩm của Sabeco từ lâu đã được người tiêu dùng tin tưởng và biết đến với các thương hiệu nổi bật như Saigon Special, 333 Export, Saigon Export (Saigon “đỏ”), Saigon Lager (Saigon “xanh”)... Không dừng lại ở thành công đã đạt được, Sabeco không ngừng đổi mới, đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu và sản phẩm với chiến lược gắn kết hơn với người tiêu dùng. Xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống phân phối theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và phù hợp với thị trường Việt Nam.
Bên cạnh sự thành công ở thị trường truyền thống trọng điểm phía Nam (Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long), những năm gần đây, Sabeco đang nỗ lực tăng hiện diện, mở rộng thị trường phía Bắc, vốn là thị trường thế mạnh của các hãng bia Hanoi, Bia Hue (Huda), Halida, Carlsberg và các nhà sản xuất địa phương khác và có sự tăng trưởng vượt bậc tại các thị trường mới này. Trong bối cảnh thị trường khu vực phía Nam có xu hướng bão hòa thì chiến lược “Bắc tiến” thành công đã đem lại động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho công ty.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm lần lượt 9,4% và 5,37%. Trong 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần đạt hơn 21.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.510 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,88% và 21% so với cùng kỳ. Dù mới hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu cả năm, nhưng Sabeco đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm mà Đại hội cổ đông giao phó. Theo số liệu mới nhất từ Sabeco, doanh thu hợp nhất trong 11 tháng đầu năm hiện đạt 28.298 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.035 tỷ đồng , hoàn thành 98% kế hoạch doanh thu và vượt 13% so với kế hoạch lợi nhuận năm. Với những gì đã đạt được, Sabeco hứa hẹn sẽ tiếp tục có một năm 2016 kinh doanh đầy thành công.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương giao dịch cổ phiếu SAB tại HOSE, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết: “Việc SAB chính thức giao dịch trên HOSE đánh dấu bước phát triển mới của Sabeco, phù hợp với xu hướng tất yếu của quy luật thị trường đối với các doanh nghiệp có nền tảng hoạt động vững mạnh và ổn định. Thị trường chứng khoán sẽ mở ra cho Sabeco nhiều cơ hội đồng thời cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức trong tương lai. Đây cũng là động lực để toàn thể cán bộ, nhân viên Sabeco ngày càng phải nâng cao năng lực quản trị công ty, chuyên nghiệp và minh bạch hóa các hoạt động sản xuất - kinh doanh”. Khác với nhiều doanh nghiệp, Tổng công ty lựa chọn hình thức đăng ký giao dịch trên UPCoM, Sabeco lựa chọn niêm yết trực tiếp tại sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam trước khi năm 2016 kết thúc, điều này cho thấy nỗ lực của Tổng công ty trong việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương. Sabeco đã khẳng định uy tín bằng việc làm đúng những gì đã cam kết với sự minh bạch trong quản trị, thông tin hoạt động và sự đồng thuận của các cổ đông. Công khai, minh bạch, uy tín là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin với thị trường, cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Dựa trên nền tảng tài chính vững mạnh, giá trị thương hiệu đã được người tiêu dùng tin tưởng và yêu thích cùng với năng lực sản xuất lớn, hệ thống phân phối mạnh, Sabeco vẫn không ngừng đổi mới với chiến lược đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu và sản phẩm hiệu quả, tái cấu trúc hệ thống hướng đến phân khúc cao cấp và phát triển thị trường mới nhằm đưa doanh nghiệp đạt được sự phát triển bền vững. Hiệu quả đã được ghi nhận với thị phần vượt trội, doanh thu Tổng công ty đạt hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Rõ ràng, ngoài yếu tố thuận lợi từ tốc độ tăng trưởng tốt của ngành, kết quả kinh doanh tích cực của Sabeco có dấu ấn không nhỏ từ các định hướng chiến lược, kế hoạch tái cấu trúc, chương trình hành động và sự nỗ lực của Ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ công nhân viên. Sabeco đã và đang cho thấy thành công trong lựa chọn hướng đi và chiến lược của mình. Xây dựng thương hiệu Việt Nam không chỉ thành công ở trong nước, mà còn hướng ra thị trường quốc tế.