Nền tảng đối thoại của cộng đồng doanh nghiệp
VCSF tiếp tục khẳng định vị thế là nền tảng đối thoại hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp (DN) ở quy mô quốc gia về phát triển bền vững (PTBV) tại Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức thường niên từ năm 2014.
Xuyên suốt 2 hội thảo chuyên đề song song và phiên toàn thể, Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm tham gia đông đảo của trên 400 đại biểu tham dự trực tiếp, hàng nghìn lượt theo dõi trực tuyến, cùng các chia sẻ, thảo luận sôi nổi với gần 30 diễn giả uy tín về những nội dung không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn rất thực tiễn để thúc đẩy doanh nghiệp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như chung tay hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero 2050).
Tại COP26, bên cạnh những cam kết nổi bật về tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt Net Zero 2050. Biến cam kết thành hành động, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải.
Đồng thời, Đảng, Nhà nước đã cập nhật các chiến lược quốc gia hướng tới tăng trưởng xanh, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, bộ ngành, cơ quan từ cấp trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng và ban hành hệ thống các quy định, nghị định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK), phát triển thị trường các-bon, phân loại xanh...
Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi xanh, đi tới Net Zero 2050 đặt ra rất nhiều thách thức cho các quốc gia và nền kinh tế trên toàn cầu đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Theo đó, những băn khoăn, quan ngại về khả năng hiện thực hóa mục tiêu Net Zero là điều dễ hiểu. Để củng cố niềm tin, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Net Zero, chuyển đổi xanh, chúng ta cần thực hiện chuyển đổi đồng bộ - từ nhận thức tới hành động, với sự vào cuộc, chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa của chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan. Đây cũng chính là thông điệp được truyền tải xuyên suốt qua những chủ đề được trình bày và thảo luận tại Diễn đàn VCSF 2024.
Vai trò, trách nhiệm của SABECO
Tại Diễn đàn, đại diện SABECO đã tích cực tham luận với nhiều nội dung góp ý trách nhiệm sâu sắc, đóng góp quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp .
Ông Larry Lee, Phó tổng giám đốc SABECO cho biết, những thách thức lớn trong quá trình đạt được các mục tiêu bền vững là khoảng cách về kỹ thuật và chi phí. SABECO đã tiến hành lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại 17/26 nhà máy với chi phí không hề nhỏ, nhưng chúng tôi cần hướng đến lợi ích lâu dài - đóng góp vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào năm 2050 và lợi ích đó lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra.
“Chúng ta phải cẩn thận và kỹ lưỡng vì sự bền vững không chỉ là về mô hình hiện tại mà còn về tương lai. Cuối cùng, giáo dục về quy định cũng là một thách thức quan trọng, không chỉ để doanh nghiệp tuân thủ mà còn để chủ động làm việc trong các khuôn khổ cho phép, đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho đất nước", ông Larry Lee nói.
Theo kinh nghiệm của SABECO, một yếu tố quan trọng trong quá trình hướng đến phát triển bền vững xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ. Với mạng lưới đối tác rộng khắp, SABECO phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác của mình, bao gồm cả trong chuỗi cung ứng. Điều quan trọng là phải tìm các đối tác có cùng tư tưởng, xem trọng sự phát triển bền vững và hướng đến các tiêu chuẩn chung. Khi tất cả đều có chung tầm nhìn, gánh nặng quản lý chi phí sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn vì mọi người sẽ cùng chia sẻ với chúng ta.
Với cam kết đầu tư phát triển kinh doanh đi đôi với phát triển bền vững, SABECO luôn nỗ lực tạo ra những thay đổi tích cực để nâng cao vị thế thương hiệu Việt, đồng thời thúc đẩy sự phát triển tích cực cho cộng đồng và Việt Nam. Theo đó, mô hình phát triển bền vững của SABECO chú trọng vào 4 mục tiêu Consumption (Tiêu thụ) - Conservation (Bảo tồn) - Country (Đất nước) - Culture (Văn hóa).