Sa Pa trong thời khắc giao mùa

Sa Pa trong thời khắc giao mùa

(ĐTCK) Nhắc đến mùa Đông Sa Pa, nhiều người nghĩ đến cái buồn man mác. Những cơn mưa phùn lất phất với cái lạnh sắt se khiến nhịp sống tại nơi vốn trầm mặc này lại càng thêm lặng lẽ. 

Thế nhưng, một lần đến Sa Pa cũng vào ngày cuối Đông, tôi nhận ra những cơn mưa phùn ở đây chẳng buồn bã chút nào. Sa Pa giàu có về văn hóa, đa dạng về ẩm thực với khí hậu trong lành dễ chịu, khiến chúng ta say mê khám phá, chẳng còn thời gian để ngồi buồn. 

Những cựa quậy cuối cùng của mùa Đông

Tôi tin rằng, rất nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng chọn cho mình một công việc và một cuộc sống sung túc ở các thành phố lớn, nhưng luôn muốn hưởng thụ sự yên bình, nhẹ nhàng sau những giờ làm việc căng thẳng. Và cuộc sống chậm rãi, nhưng không hề buồn ở Sa Pa có thể thỏa mãn mọi ham muốn ấy, nhất là khi Tết Nguyên đán đã cận kề, mà mùa Đông Hà Nội năm nay “mát hơn” mùa Hè năm ngoái.

Nhiều năm trước, từ Hà Nội tới được Sa Pa phải mất chừng 10 giờ đồng hồ đi tàu. Còn ngày nay, chuyến xe đêm kéo dài 5 tiếng qua cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã đưa tôi chạm tới “Nơi gặp gỡ đất trời” trong khoảnh khắc đầu tiên của năm mới để được xông đất Sa Pa.

Trong bốn mùa của đất trời, có lẽ mùa Đông Sa Pa là mùa làm cho người ta dễ dàng thấy cô đơn, chậm chạm, lạnh lẽo nhất, cho dù đây cũng là một trong những mùa lễ hội lớn nhất và lãng mạn nhất trong năm. Mùa Giáng sinh, mùa của yêu thương và những lời chúc tụng, mùa để nhìn lại và chuẩn bị hướng tới một năm mới bất ngờ chào đón.

Niềm khao khát và chờ đợi một mùa Xuân mới đang bắt đầu nhen nhóm quanh đây. Những tia nắng yếu ớt ló rạng ra khỏi từng đám mây dày cộm, chiếu xuống thị trấn mang theo hơi ấm nồng nàn và trong lành của tiết trời chớm Xuân. Nếu bạn từng đến Sa Pa vào một ngày cuối Đông lạnh giá, phố vắng người khi thời khắc giao thừa đang ùa đến, bạn sẽ hiểu được niềm vui và sự hứng khởi của một ngày có nắng là thế nào.

Buổi chiều khi tới nơi tôi còn áo cộc, quần thun là thế, mà chỉ chừng 3 tiếng sau, tất cả đã co ro trong áo khoác, khăn choàng. Mưa bắt đầu rơi và gió vẫn tiếp tục thử thách sức chịu đựng của con người. Gió u u thổi ngỡ như gió mùa Đông Bắc lùa vào từng manh áo mỏng của Hà Nội năm nào.

Bấy giờ nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 2-3 độ C. Rét đã trên non tụt xuống từ lâu. Cái rét cuộn mình ào ào bất ngờ lao tới. Từng đợt rét kèm theo sương muối, mưa tuyết, mây mù tràn vào nhà làm ngứa ngáy da thịt. Cái rét đậm rét hại mà Hà Nội từng chịu, chỉ mới đủ tiêu chí làm em út khi so với cái rét sương muối ở đây.

Đá núi cũng chết cóng chứ đừng nói đến con người. Khắp nơi, khắp chốn, chỗ nào cũng rét run bần bật. Rét, trâu bò cũng không dám ra ngoài gặm cỏ. Mưa rét những ngày cuối Đông to bằng hạt ngô gieo nương, mưa tuyết đóng băng như cục gạch. Rét làm chảy máu cam người lớn. Rét làm nứt toác chân tay mặt mũi trẻ con. Nhưng đó mới thực sự là mùa Đông của Tây Bắc. Phải rét như thế mới thấy Tết đến thật gần.

Sa Pa trong thời khắc giao mùa ảnh 1

Đêm Đông cuối, khắp nơi khắp chốn vắng teo. Tiếng người lẫn tiếng trâu bò đi đâu im ắng. Có lẽ, tất cả đều đang ở tịt trong nhà, trốn rét. Mây mù trắng tinh, vón cục như có thể cầm nắm mà ném nhau thỏa thích. Lúc này, mùa Đông chỉ còn cựa quậy cuối cùng, đang nhường lại xanh non cho mùa Xuân chồi biếc với những làn hương dịu ngọt, nồng nàn.

Thỉnh thoảng góc trời nào đó có tiếng trẻ con cười vốn. Tiếng cười làm rữa, làm rụng, làm rơi từng tảng băng tuyết tan. Những ngày giá rét, tấm áo nào rách, trẻ con mặc vào trong nhường tấm lành lồng ra bên ngoài. Làm như thế, để tôn trọng con mắt người ta nhìn vào và mình cũng đỡ mặc cảm, xấu hổ. Chả ai biết gia cảnh nhà ta đang lâm vào đoạn khốn cùng.

  Nhà thờ đá Sapa

Sa Pa khi mùa Xuân đến

Sa Pa không chỉ đẹp và độc đáo vì văn hóa bản địa hoang sơ, mà còn là một phố núi vô cùng đa dạng nhờ vào rất rất nhiều di sản, cũng như dấu tích của văn minh châu Âu thời Pháp thuộc để lại. Cùng với sự quy hoạch và đầu tư nhiều điểm du lịch mới, Sa Pa đã, đang và sẽ càng trở nên hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Sự đa dạng và hỗn độn về văn hóa của Sa Pa có lẽ được thể hiện rõ nhất ở khu chợ trung tâm cạnh Nhà thờ đá cổ. Khách Tây, khách Ta và những người Mông, Tày, Dao… cùng hội tụ ở đây, mua mua bán bán, rộn rã, ồn ào. Bây giờ là mùa Xuân, vô số trái cây và hoa quả tươi ngon nhất của Sa Pa đều tập trung về tụ hội.

Những cây cải mèo xanh mướt, những quả lê, mận rừng chín mọng..., kế bên là sạp gia vị thảo quả, mắc khén và những quầy hoa cảnh rực rỡ sắc Xuân đã được bày bán. Nhiều bộ váy xòe dân tộc thu hút khách du lịch với những đường thêu xưa cũ.

Tả Phìn, Cát Cát và thác Tình Yêu là nơi tôi buông mình trên chiếc xe máy chạy vòng vòng hàng chục cây số. Đường vào “nhờ” mưa nên chênh vênh khó tả, đôi chỗ gặp cua gấp mà không vững tay lái cũng phải giật mình thản thốt. Cái cảm giác một mình không sợ lấm lem cứ thế để mình hòa vào bầu không khí nơi này giúp tôi được thoát khỏi những gông cùm ngột ngạt, bí bách khi ở thành phố. Còn khi đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, tôi toại nguyện ngắm nhìn toàn cảnh Sa Pa với thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn phía dưới ẩn hiện trong khói, trong sương.

Ở Sa Pa, người ta luôn xem âm nhạc là một phần quan trọng của cuộc sống, cho dù nhịp sống du lịch đang hiện hữu ngày càng rõ nét đi nữa. Bước đến bất kỳ khu phố đông người nào ở đây, bạn đều nhanh chóng bị cuốn hút vào những hoạt động của nhiều “nghệ sĩ đường phố”. Họ luôn luôn phục vụ bạn một cách chân thành và vui vẻ.

Sa Pa trong thời khắc giao mùa ảnh 3  

Trên quảng trường vào mỗi tối cuối tuần, những đôi trai gái sửa soạn nhiều bộ quần áo dân tộc, cuốn vào nhau bên một điệu múa xòe hay một điệu khèn môi. Những giai điệu truyền thống nhộn nhịp vang lên không ngớt trong làn sương mờ đục.

Đến Sa Pa vào dịp lễ hội cuối năm, tôi không quên ghé thăm địa danh nổi tiếng: Nhà thờ đá trên 100 năm tuổi. Đây cũng là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại ở Sa Pa. Từ ngoài bước vào, tôi nhỏ bé lọt thỏm giữa không gian rộng cỡ vài ngàn mét vuông và thực sự chìm đắm trong vẻ uy nghi, bình yên của nơi này. Đối lập với bầu không khí nhộn nhịp của Giáng sinh, đâu đó vài góc trong nhà nguyện, một hai người lặng lẽ cầu nguyện với gương mặt u buồn như đang gặp nhiều gian nan và trắc trở.

Một vị cha xứ già đón tiếp chúng tôi bằng câu chuyện về sự biết ơn Chúa Trời, về sự luân hồi, về cái tâm của mỗi con người sẽ hướng họ theo những thiện và những ác. Câu chuyện của cha xứ cảm xúc tới độ một vài người xung quanh đã quay đi gạt nước mắt.

Rời Sa Pa, tôi chọn mua một con ngựa bằng vải của cô bé người Mông chừng 7 tuổi làm kỷ niệm. Tôi mua vì khi đó, trong cái giá rét 2 độ C, chỉ có một mình em co ro ngồi đan áo dưới hiên nhà hàng dành cho khách Tây. Một món đồ lạ vương vấn hơi thở của đêm mùa Đông cuối cùng chỉ còn cựa quậy chút nữa thôi là mùa Xuân tràn tới.

Hai giờ sáng xe lăn bánh. Một mảng trời hồng bắt đầu rạng rỡ bên kia dãy núi, rồi từ từ trải khắp cánh rừng già hẻo lánh phía dưới tầm nhìn. Sa Pa chìm trong sương như một câu chuyện cổ tích. Có lẽ mùa Xuân nào ở đây cũng bắt đầu trong hình hài đẹp đẽ như thế, nay còn đẹp hơn trên con đường cao tốc chúng tôi trở về.

Hẹn gặp lại, Sa Pa!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan