TS. Nguyễn Sơn
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, những quy định trong Thông tư 155 phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường và hướng tới chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin.
Theo Thông tư 155, thời hạn công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý của các DN niêm yết là công ty mẹ rút ngắn 15 ngày so với quy định hiện hành. Liệu các DN có đáp ứng được quy định này, thưa ông?
Thời hạn công bố thông tin BCTC quý tại Thông tư số 52/2012/TT-BTC ngày 5/4/2012 (từ 1/1/2016 sẽ được thay thế bằng Thông tư 155) đối với công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đều là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp công ty niêm yết phải lập BCTC hợp nhất hoặc BCTC tổng hợp thì được kéo dài đến 45 ngày, nhưng theo Thông tư 155, thời hạn này được rút xuống còn 30 ngày và phải báo cáo bằng văn bản với UBCK về việc kéo dài thời hạn công bố thông tin BCTC quý.
Như vậy, kể từ đầu năm tới, việc lập BCTC hợp nhất, hoặc BCTC tổng hợp của công ty niêm yết nếu muốn kéo dài thời hạn thì phải xin phép cơ quan quản lý và thời hạn công bố thông tin BCTC quý được rút ngắn so với quy định hiện tại 15 ngày.
Thực tế áp dụng Thông tư 52 cho thấy, thời gian lập và công bố thông tin BCTC hợp nhất hoặc tổng hợp đến 45 ngày là quá dài, ảnh hưởng đến thông tin của nhà đầu tư đối với tình hình hoạt động DN theo quý. Mặt khác, BCTC quý thường không bắt buộc phải kiểm toán hoặc soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận nên thời hạn cũng không cần kéo quá dài.
Nhưng có ý kiến lo ngại, với DN có nhiều đơn vị thành viên ở các vùng, miền khác nhau, đặc biệt là ở nước ngoài, thì việc lập BCTC hợp nhất sẽ khó hoàn thành trong thời hạn 20 ngày, tối đa 30 ngày khi được gia hạn. Để tránh vi phạm, rất có thể DN sẽ lập BCTC “ẩu”. Ông nghĩ sao về điều này?
Như tôi vừa nói, việc lập BCTC quý thường không quá phức tạp và không yêu cầu kiểm toán, nên thời hạn 20 ngày là hợp lý, trường hợp kéo dài thêm 10 ngày, theo chúng tôi là vừa đủ để DN xử lý về mặt số liệu giữa các báo cáo.
Trong thời gian qua, một số DN đã xin phép UBCK gia hạn thời gian lập và công bố BCTC khi các công ty con, công ty cháu cũng phải lập BCTC hợp nhất và chúng tôi thấy cũng chỉ mất thêm 5 - 7 ngày. Hiện tại, có nhiều DN sử dụng số liệu ước tính của các công ty con hoặc công ty liên kết để lập BCTC hợp nhất.
Tuy nhiên, tôi cũng chia sẻ về áp lực thời gian đối với một số DN niêm yết khi lập và công bố thông tin BCTC quý theo quy định mới, nhưng theo tôi, cần phải tính đến yếu tố chuyên nghiệp của cán bộ kế toán trong việc lập BCTC theo các chuẩn mực kế toán và kiểm toán, tôn trọng tính cập nhật về thông tin của các nhà đầu tư (trong đó có cả cổ đông của công ty). Vì vậy, không thể nói là do thời gian rút ngắn, thì DN sẽ dễ làm ẩu BCTC được.
Được biết, Thông tư 155 yêu cầu DN đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Các nội dung này sẽ được tích hợp vào báo cáo thường niên hoặc lập báo cáo phát triển bền vững riêng. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của quy định này?
Hiện tại, Thông tư 52 đã có một số quy định liên quan đến nội dung phát triển bền vững và yếu tố trách nhiệm cộng đồng xã hội của DN. Mặc dù không bắt buộc phải lập báo cáo phát triển bền vững riêng, nhưng 2 năm gần đây, trong cuộc bình chọn báo cáo thường niên của công ty niêm yết do Sở GDCK TP. HCM phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức, tôi thấy DN thực hiện khá nghiêm túc nội dung này trong việc tích hợp nội dung phát triển bền vững và tính an sinh xã hội vào báo cáo thường niên. Thậm chí, một số DN làm riêng báo cáo phát triển bền vững theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế như Vinamilk, Bảo Việt, Dược Hậu Giang…
Trong Thông tư 155, chúng tôi đã phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) chuẩn hóa một số nội dung và quy định chi tiết việc lập báo cáo phát triển bền vững vào trong báo cáo thường niên, DN được quyền lựa chọn việc lập báo cáo tích hợp hoặc xây dựng báo cáo riêng. Đây cũng là một trong những nội dung mà hiện nay chúng ta đang triển khai việc phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và xây dựng một thị trường vốn xanh.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, đối với các DN lớn, hoạt động hiệu quả, minh bạch thì việc tuân thủ thời hạn lập và công bố thông tin BCTC, báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững thường rất tốt và được công chúng nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Cơ quan quản lý có chuẩn bị các biện pháp gì để đảm bảo tính tuân thủ của các DN niêm yết trong công bố thông tin BCTC quý cũng như chất lượng BCTC quý?
Hiện tại, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công bố thông tin được quy định tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, với các hình thức xử phạt, mức xử phạt khá nghiêm khắc, có tính răn đe. Tuy nhiên, tới đây, UBCK sẽ rà soát để sửa đổi, bổ sung một số chế tài xử phạt, tương ứng với hành vi vi phạm mà Thông tư 155 đã quy định.