Dịch vụ đại lý tàu biển có thể sẽ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong ảnh: Các hoạt động tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Dịch vụ đại lý tàu biển có thể sẽ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong ảnh: Các hoạt động tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Rút ngắn danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Việc xác định rõ mục tiêu quản lý khi sử dụng công cụ là điều kiện kinh doanh đã đưa danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện rút ngắn lại. Cơ hội của doanh nghiệp sẽ rộng hơn.

Tháo vòng kim cô

Sẽ không còn ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim” – đang ở thứ 206 trong Danh mục Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư (Danh mục).

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (Dự thảo) đang được trình Chính phủ xem xét, ngành này được sửa thành “Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim”.

Như vậy, ngành sản xuất phim sẽ bị loại ra khỏi Danh mục trên.

Nếu được chấp thuận, các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường này sẽ không còn phải tuân thủ điều kiện về vốn pháp định, cụ thể là phải chứng minh có 200 triệu đồng qua các văn bản như biên bản góp vốn, bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu… Phải nói thêm, mức này đã được giảm từ 1 tỷ đồng so với văn bản trước đó.

Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim sẽ không cần phải đi chứng minh có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong hoạt động điện ảnh để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp.

“Không chỉ các điều kiện kinh doanh không thỏa mãn các nguyên tắc của Luật Đầu tư, mà bản thân ngành này cũng không đủ điều kiện để là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì nó không cần phải đáp ứng điều kiện để bảo vệ đến an ninh, quốc phòng, an toàn, đạo đức xã hội hay sức khỏe cộng đồng”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban soạn thảo Dự thảo lý giải.

Đây không phải lần đầu ngành này bị đề nghị bãi bỏ. Trong rà soát về ngành nghề kinh doanh có điều kiện kinh doanh sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ngành này vào danh mục đề xuất bãi bỏ vì không đủ điều kiện là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) đã nhắc đến sự  phát triển của công nghệ, việc sản xuất phim trở nên đơn giản để lý giải đề xuất. “Xu hướng này đã thể hiện rất rõ trong thực tế và cần được các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận. Việc kiểm soát phát hành phim sẽ theo các quy định khác...”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Hơn thế, các điều kiện mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đặt ra khi đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định 142/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn toàn không có ý nghĩa đảm bảo chất lượng của sản phẩm như nhiều lần bộ này đã đưa ra, kể cả việc quy định về vốn pháp định.

“Cách quy định điều kiện theo kiểu có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế chỉ làm khó cho doanh nghiệp chứ không có ý nghĩa trong quản lý nhà nước”, ông Hiếu thẳng thắn.

Không tham quản lý mọi việc

Cũng trong Dự thảo đang được trình Chính phủ, ngành, nghề “Kinh doanh vận tải biển, đại lý tàu biển” cũng được đề nghị sửa thành “Kinh doanh vận tải biển”.

Có thể hiểu là, đại lý tàu biển sẽ không còn là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Nếu các đề xuất bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện được chấp thuận, số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ còn khoảng 228 ngành.   

Theo phân tích của Ban soạn thảo Dự thảo, đại lý tàu biển là dịch vụ mà người đại lý nhân danh chủ tàu hoặc người khai thác tàu biển tiến hành các dịch vụ liên quan đến tàu biển hoạt động tại cảng (như thực hiện các thủ tục tàu biển đến, rời cảng; ký kết hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm hàng hải, hợp đồng bốc dỡ hàng hóa, hợp đồng thuê tàu, hợp đồng thuê thuyền viên...).

Như vậy, đại lý tàu biển là quan hệ dân sự, thương mại giữa bên kinh doanh tàu biển và bên nhận đại lý, nếu có rủi ro thì chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của chủ tàu hoặc người khai thác tàu biển, chứ không phải xã hội, cộng đồng. Với bản chất ngành, nghề như vậy, nên không cần thiết quy định ngành, nghề này là ngành nghề có điều kiện.

Các chuyên gia cũng phân tích rõ, ngay cả khi hoạt động của đại lý tàu biển có liên quan tới cơ quan Nhà nước (ví dụ như thủ tục cho tàu đến, rời cảng), nếu xảy ra rủi ro nào (ngay cả khi đại lý làm sai), thì người chịu trách nhiệm trước Nhà nước vẫn là chủ tàu, người khai thác tàu biển chứ không phải đại lý.

“Khi làm việc với các bộ, ngành về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chúng tôi nhận thấy có sự phân định không rõ ràng về phạm vi ảnh hưởng của ngành, nghề đó và nhu cầu quản lý nhà nước. Nhiều cơ quan lý giải việc đặt điều kiện để đảm bảo chất lượng kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp. Đây không phải là mục tiêu quản lý nhà nước của điều kiện kinh doanh. Nếu không tách bạch rõ, việc đặt điều kiện vô lý, không phục vụ quản lý nhà nước sẽ làm khó cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Có thể nhắc tới những khó khăn trong việc đưa ngành, nghề mua bán nợ vào danh mục loại bỏ. Vì về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác.

“Nợ” – đối tượng của giao dịch này - bao gồm có thể là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường (các khoản nợ có tính nhạy cảm, của một nhóm đối tượng đặc thù đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản khác). Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán…đã được kiểm soát bằng các văn bản pháp luật khác).

Nên, dịch vụ này chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó, đã được điều chỉnh bới các văn bản riêng.

Nhưng, đây cũng không phải là lần đầu đề xuất này được đưa ra. Song, sự xuất hiện của chúng trong Dự thảo  đã chứng tỏ tư duy quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh đang thay đổi.

Như vậy, nếu các đề xuất được chấp thuận, số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ còn khoảng 228 ngành.

Tin bài liên quan