Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến sáng 1/2 (Ảnh: TTXVN)
Sáng 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và ban, ngành về thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Mở đầu cuộc họp, nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “chống dịch như chống giặc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona có diễn biến phức tạp, khó lường và rất nhanh.
Việt Nam đã chủ động đưa giải pháp phòng chống dịch sớm và cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. “Với tinh thần chủ động, rất quyết liệt, đến nay ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh này. Nhưng chống dịch không thể chủ quan được, phải chủ động, đưa ra các phương án kể cả phương án xấu nhất thì mới sẵn sàng giảm thiểu thiệt hại”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh trong công tác phòng chống dịch, Việt Nam quan điểm từ đầu là minh bạch, kịp thời. Thông tin về các trường hợp nhiễm bệnh, các trường hợp để cách ly đều được công khai.
Ông Vũ Đức Đam lưu ý, nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch, sẽ lây lan rất nhanh đến bất kỳ tỉnh thành nào nếu chủ quan. "Chúng ta phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là phải “Đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết dù phải hi sinh lợi ích kinh tế”. Phòng chống dịch với tinh thần bình tĩnh, vì đã nắm chắc thì tuyệt đối không hoang mang”.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay Việt Nam đã phát hiện 6 trường hợp dương tính với vi rút Corona. Các bệnh nhân đã được điều trị tốt, không để lây nhiễm sang y bác sỹ. Bộ Y tế cũng đề nghị sở Y tế mỗi tỉnh thành phải thành lập đường dây nóng, hoàn thành chậm nhất là trước 16h ngày 1/2 để trả lời thắc mắc của người dân...
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, đối với các tin đồn thất thiệt hiện nay về tình hình dịch bệnh, cần xử lý nghiêm và đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp thu gom, đầu cơ, tăng giá trang thiết bị y tế như khẩu trang...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay, cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng xuất 32.000 chiếc/ngày. Năng xuất sản xuất của các đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Y tế theo dõi tình hình thị trường cung cầu trong nước về khẩu trang, nước sát trùng, nước súc miệng; đôn đốc tăng cường sản xuất khẩu trang y tế, ưu tiên thị trường trong nước, quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng chống găm hàng, đầu cơ, thu lợi bất chính. Ngoài ra, trước việc một số cửa hàng y tế tăng giá bán khẩu trang, lực lượng chức năng của Bộ đã kiểm tra, xử nghiêm, yêu cầu quay trở lại đúng giá bán.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, “Thay mặt Thủ tướng, tôi chỉ đạo, không được phép tăng giá khẩu trang, phải giữ nguyên giá, yêu cầu rút giấy phép bất kể hiệu thuốc nào tăng giá bán khẩu trang".
“Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 31/1, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.
“Không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt”, ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bổ sung thêm: “Điều 10, Luật Giá cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch hoạ để kinh doanh hàng hóa trục lợi. Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch hoạ sẽ bị phạt từ 30-300 triệu và phạt tù tới 3 năm”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Quản lý thị trường sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành khi kiểm tra, xử lý các hành vi này.
Để tạo thuận lợi cho việc phòng ngừa nCoV, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao quản lý thị trường, thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.