Rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn có xu hướng tăng

0:00 / 0:00
0:00
Lo ngại về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng đã nhiều lần được nêu tại Quốc hội, nhưng đến thời điểm này, nỗi lo đó chưa vơi.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội. Ủy ban Xã hội đã có báo cáo một số ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách, gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Về lao động, việc làm, Ủy ban Xã hội dẫn báo cáo của Chính phủ, năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,8 triệu người, tăng 400 nghìn người so với năm 2023. Lao động có việc làm là 51,7 triệu người, tăng 400 nghìn người. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,26%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,55%; khu vực nông thôn là 2,07%; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, giảm 0,03 điểm phần trăm.

Thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,6 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,2 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra hạn chế ở lĩnh vực này, như tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 64,6% (9 tháng từ đầu năm 2024), giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm; nam là 67,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm và nữ là 60,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm; Số lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc thiếu ổn định, quyền lợi của người lao động, nhất là về tiền lương, an sinh xã hội chưa được bảo đảm so với khu vực chính thức.

Hạn chế tiếp theo là 9 tháng năm 2024, bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi là 7,92%, gấp 3,53 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động trong độ tuổi (2,26%).

Chỉ có 28% lực lượng lao động đã qua đào tạo, được cấp bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc này tạo ra thách thức lớn trong việc tăng năng suất lao động, phát triển các ngành nghề, công việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao khi hội nhập quốc tế sâu rộng - báo cáo nêu.

Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Ủy ban Xã hội dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2024, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội ước đạt 42,71%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 34,18%.

Còn theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 19,026 triệu người (tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,033 triệu người (tăng 7,25% so với cùng kỳ năm 2023), bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,993 triệu người (tăng 39,35% so với cùng kỳ năm 2023).

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 15,312 triệu người tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đến hết tháng 8/2024 là 620.264 người, giảm 9,67% so với cùng kỳ.

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng, ước đến hết tháng 9/2024, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 852.259 người, bằng 77,3% so với số lượng của cả năm 2023 (1.102.714 người) - Ủy ban Xã hội nhận xét.

Tin bài liên quan