Rủi ro vỡ nợ bao trùm thị trường tài chính Ấn Độ

Rủi ro vỡ nợ bao trùm thị trường tài chính Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tài chính Ấn Độ đang đưa ra những cảnh báo đối với các loại tài sản khác trong bối cảnh Ấn Độ đang có tình trạng lây nhiễm Covid-19 với tốc độ nhanh kỷ lục.

Các doanh nghiệp Ấn Độ đã vỡ nợ ít nhất 57 tỷ rupee (763 triệu USD) trái phiếu doanh nghiệp trong nước trong năm 2021, mức cao nhất được ghi nhận trong thời gian tương tự và giới phân tích cho rằng các trường hợp vỡ nợ sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Điều này đã đẩy mức chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp trong nước được xếp hạng A so với trái phiếu hạng AAA lên mức cao nhất trong 17 năm, một dấu hiệu tồi tệ cho các doanh nghiệp nhỏ có xu hướng có xếp hạng yếu hơn.

Mức chênh lêch lợi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng A và AAA (Nguồn: Bloomberg)
Mức chênh lêch lợi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng A và AAA (Nguồn: Bloomberg)

Mặc dù các khoản vỡ nợ chủ yếu nằm trong số những doanh nghiệp nhỏ hơn và thường không công khai, nhưng điều này tạo thêm thách thức cho các nhà hoạch định chính sách vốn đang phải vật lộn những tỷ lệ nợ xấu tồi tệ nhất thế giới.

Trên hết, đợt bùng phát Covid có nguy cơ làm gia tăng lạm phát khi các biện pháp phong tỏa tại địa phương làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra nhiều hạn chế các biện pháp của ngân hàng trung ương trong việc thúc đẩy nền kinh tế.

Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn

Trong những ngày gần đây, các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu chính phủ đã tập trung vào các tín hiệu lạc quan hơn vì chính phủ đã hạn chế các đợt phong tỏa trên toàn quốc. Chỉ số chứng khoán S&P BSE Sensex của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần vào thứ Ba (27/4) sau khi Mỹ quyết định cung cấp hỗ trợ vắc xin.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những lo ngại ngày càng gia tăng. Bất chấp sự phục hồi gần đây, chứng khoán Ấn Độ đang tụt lại so với các thị trường chứng khoán châu Á khác trong tháng 4 sau khi là một trong những thị trường chứng khoán châu Á có mức tăng tốt nhất trong 4 quý liên tiếp.

Trong khi một số nhà đầu tư dài hạn bao gồm Fidelity International và Invesco cho biết, họ đang tìm kiếm cơ hội để thêm cổ phiếu, thì nhiều quỹ đầu tư toàn cầu khác dè chừng với thị trường chứng khoán Ấn Độ.

Diễn biến chỉ số chứng khoán Ấn Độ và tình hình mua/bán ròng của khối ngoại (Nguồn: Bloomberg)
Diễn biến chỉ số chứng khoán Ấn Độ và tình hình mua/bán ròng của khối ngoại (Nguồn: Bloomberg)

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,2 tỷ USD cổ phiếu Ấn Độ trong tháng 4 tính đến ngày 26/4, đây là dòng vốn rút ròng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Trái phiếu chính phủ, đồng Rupee giảm

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã điều chỉnh lãi suất bằng cách công bố chương trình mua trái phiếu vào đầu tháng này. Điều đó đã khiến lợi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ giảm khoảng 0,12% vào tháng 4.

Trong khi đó, những lo ngại về tác động kinh tế từ làn sóng lây nhiễm Covid thứ 2 đã khiến đồng rupee giảm khoảng 2,1% trong tháng 4 so với đồng USD bất chấp đợt phục hồi gần đây, đây được xem là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang nhấp nháy những tín hiệu xấu khác.

Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ - được xem là đại diện cho rủi ro vỡ nợ của Ấn Độ - đã tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng vào tuần này trước khi giảm trở lại vào thứ Ba (27/4) sau tin tức về hỗ trợ vắc xin của Mỹ.

Vikas Goel, Giám đốc điều hành PNB Gilts cho biết: “Các thị trường đang thận trọng hơn về mặt tín dụng khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, làm dấy lên lo ngại tình trạng võ nợ có thể tăng lên”.

SBI Funds Management, nhà quản lý tài sản lớn nhất của Ấn Độ cho biết, họ đang theo dõi lĩnh vực tài chính vì các biện pháp cứu trợ được các nhà chức trách công bố như lệnh tạm hoãn nợ đã che giấu bức tranh thực sự về căng thẳng mà đại dịch đã gây ra.

Ở một số ngành, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn trong việc khai thác thị trường tín dụng. Vào tháng 4, việc phát hành trái phiếu nội tệ từ hạng A trở xuống đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm.

Tin bài liên quan