Rủi ro vẫn bao trùm nền kinh tế toàn cầu trong năm 2025

(ĐTCK) Nền kinh tế toàn cầu vừa mới bắt đầu vượt qua hậu quả của đại dịch Covid thì một loạt thách thức hoàn toàn mới trong năm 2025 đã được mở ra.
Rủi ro vẫn bao trùm nền kinh tế toàn cầu trong năm 2025

Vào năm 2024, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã có thể bắt đầu hạ lãi suất sau khi phần lớn đã giành chiến thắng trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Cổ phiếu tại Mỹ và châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục trong khi Forbes cũng tuyên bố rằng năm 2024 là "năm kỷ lục cho những người siêu giàu" khi có 141 tỷ phú mới gia nhập danh sách những người siêu giàu của Forbes.

Nhưng đối với nhiều người, tình hình vào năm 2025 có thể trở nên khó khăn hơn. Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump ban hành thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ gây ra một cuộc chiến thương mại, điều đó có thể dẫn tới cú sốc lạm phát mới, sự suy thoái toàn cầu hoặc cả hai.

Xung đột ở Ukraine và Trung Đông, bế tắc chính trị ở Đức và Pháp, và những câu hỏi về nền kinh tế Trung Quốc càng làm bức tranh ảm đạm hơn. Trong khi đó, chi phí thiệt hại do khí hậu đang tăng lên là mối lo ngại của nhiều quốc gia.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia nghèo nhất đang ở trong tình trạng kinh tế tồi tệ nhất trong hai thập kỷ. Trong khi ở các nền kinh tế giàu có hơn, chính phủ cần tìm ra cách chống lại niềm tin của nhiều cử tri rằng sức mua và triển vọng tương lai của nền kinh tế đang suy giảm. Nếu không làm như vậy, các đảng cực đoan có thể trỗi dậy, gây ra tình trạng quốc hội bị chia rẽ và bế tắc.

Các ưu tiên chi tiêu mới đang vẫy gọi các ngân sách quốc gia vốn đã căng thẳng sau Covid-19, từ giải quyết biến đổi khí hậu đến tăng cường quân đội để chăm sóc dân số già. Chỉ có nền kinh tế lành mạnh mới có thể tạo ra doanh thu cần thiết cho mục đích đó.

Nếu các chính phủ quyết định làm những gì họ đã làm trong nhiều năm như tăng vay nợ, thì sớm muộn cũng có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng tài chính.

Sau cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm nay, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, sẽ có rất nhiều sự bất ổn vào năm 2025.

Liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có thúc đẩy mức thuế quan 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, tăng lên 60% đối với hàng hóa Trung Quốc hay không, hay liệu những tuyên bố đó chỉ là công cụ mở đầu trong một cuộc đàm phán. Nếu ông Trump ban hành thuế quan, tác động sẽ phụ thuộc vào những lĩnh vực nào phải chịu gánh nặng và liệu quốc gia nào sẽ trả đũa.

Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để bắt đầu một cuộc chuyển đổi sâu sắc khi động lực tăng trưởng của những năm gần đây đã cạn kiệt. Các nhà kinh tế cho biết nước này cần chấm dứt tình trạng quá phụ thuộc vào sản xuất và đưa nhiều tiền hơn vào túi của những công dân có thu nhập thấp.

Liệu châu Âu có giải quyết được bất kỳ nguyên nhân gốc rễ từ thiếu đầu tư đến thiếu hụt kỹ năng? Trước tiên, họ sẽ cần giải quyết bế tắc chính trị tại hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro là Đức và Pháp.

Đối với nhiều nền kinh tế khác, viễn cảnh đồng đô la mạnh hơn - nếu các chính sách của ông Trump tạo ra lạm phát và làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - là tin xấu. Điều đó sẽ khiến dòng vốn bị rút ra khỏi các nền kinh tế đó và khiến khoản nợ bằng đô la trở nên đắt đỏ hơn.

Cuối cùng, tác động khó lường từ của các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông đều có thể ảnh hưởng đến chi phí năng lượng thúc đẩy nền kinh tế thế giới.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính đang trông cậy vào khả năng nền kinh tế toàn cầu có thể vượt qua tất cả những điều này và các ngân hàng trung ương sẽ hoàn thành việc quay trở lại mức lãi suất bình thường.

Như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã báo hiệu trong Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất: "Chuẩn bị cho thời kỳ bất ổn".

Tin bài liên quan