Luật sư Nguyễn Thị Kim Xuân
Hiện tượng “chạy” thủ tục hành chính xưa nay vẫn tồn tại, trong đó dịch vụ làm các chứng chỉ trong lĩnh vực xây dựng nhan nhản trên mạng internet. Theo luật sư, các dịch vụ này có hợp lý, hợp lệ, hợp pháp hay không? Liệu việc kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ này có cần điều kiện gì không?
Theo quy định của pháp luật về xây dựng, cụ thể là quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực như khảo sát xây dựng, thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng, định giá xây dựng thì phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực như Khảo sát xây dựng, Lập quy hoạch xây dựng, Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng, Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Thi công xây dựng công trình, Giám sát thi công xây dựng, Kiểm định xây dựng, Quản lý, thẩm tra chi phí đầu tư xây dựng thì phải có chứng chỉ năng lực.
Do đó, hầu hết các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực.
Để được cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực thì cá nhân, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, ngày 18/6/2015 của Chính phủ về “Quản lý dự án đầu tư xây dựng”, được thể hiện qua bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực.
Sau đó, đối với cá nhân, họ phải trải qua một cuộc sát hạch, được tổ chức định kỳ hàng quý hoặc đột xuất do Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề quyết định và đạt kết quả mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Tổ chức thì phải đạt kết quả đánh giá của Hội đồng xét cấp chứng chỉ năng lực mới được cấp chứng chỉ năng lực.
Về khách quan, các điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp chứng chỉ, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ đều được quy định cụ thể, công khai. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định trên thực tế phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cá nhân, tổ chức liên quan. Chính vì vậy, mới có các dịch vụ nhận làm thủ tục thay cho các cá nhân, tổ chức.
Cá nhân, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ có thể tự mình thực hiện thủ tục hoặc nếu có thuê dịch vụ hay ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thay mặt mình thực hiện thủ tục thì cũng là hết sức bình thường, vì đây là thỏa thuận dân sự không bị pháp luật cấm.
Tất nhiên, cũng có một số lĩnh vực việc thực hiện thay các thủ tục hành chính đòi hỏi bên cung cấp phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Thường thì khi phải “chạy” chứng chỉ tức là cá nhân, pháp nhân khó có thể tự làm do thủ tục phức tạp hoặc là không đủ điều kiện và nhiều cơ sở cam kết hỗ trợ như là đảm bảo 100% thi đỗ... Bà nghĩ sao về điều này?
Sẽ không mất nhiều thời gian nếu cá nhân, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ đáp ứng đủ điều kiện, đủ hồ sơ. Nếu cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ thực hiện đúng quy định, chỉ thông báo một lần bằng văn bản về đầy đủ các vấn đề mà hồ sơ còn thiếu sót hoặc chưa hợp lệ, để cá nhân, tổ chức bổ sung đủ hồ sơ hoặc tổ chức phúc tra xác minh hồ sơ.
Tuy nhiên, việc thuê một cá nhân, tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ để làm các thủ tục thay mình khác với việc thiếu các điều kiện mà pháp luật quy định cần phải có thì mới được cấp chứng chỉ, rồi sau đó thông qua tổ chức này để có được các điều kiện đó thì là không hợp pháp. Vì một trong các nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực là phải khai báo trung thực hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ.
Thực tế khá phổ biến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ còn cam kết “bao đỗ”, cho thấy nhu cầu rút ngắn thời gian và kết quả cuối cùng của thủ tục của người đề nghị cấp chứng chỉ là có.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ phía người đề nghị cấp chứng chỉ không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hoặc đủ điều kiện, nhưng cần gấp chứng chỉ để phục vụ công việc hoặc việc thực hiện thủ tục, như người ta thường nói “hành là chính”. Có cầu thì ắt có cung, đây là điều kiện để “cò” cấp chứng chỉ có đất phát triển.
Liệu điều này có đem lại rủi ro gì cho khách hàng, thưa bà?
“Cò” chỉ có nghĩa vụ thực hiện công việc theo phạm vi dịch vụ, còn cá nhân, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của các nội dung khai trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ.
Trường hợp cá nhân kê khai khống năng lực vào hồ sơ năng lực để xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng thì có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng.
Đối với tổ chức, tùy từng hành vi vi phạm mà mức phạt vi phạm khác nhau, như hoạt động xây dựng vượt quá điều kiện năng lực theo quy định thì có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com