Trong quá trình sửa đổi GCNĐKKD, thường có 3 thời điểm quan trọng sau: thời điểm cơ quan quản lý nội bộ của doanh nghiệp thông qua quyết định liên quan đến nội dung sửa đổi đăng ký kinh doanh, thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sửa đổi GCNĐKKD với cơ quan cấp phép và thời điểm doanh nghiệp được cấp GCNĐKKD sửa đổi ghi nhận nội dung sửa đổi.
Vấn đề nhiều người quan tâm chính là hiệu lực của sửa đổi phát sinh từ thời điểm nào trong 3 thời điểm nêu trên. Có thể phân tích vấn đề này qua hai trường hợp phổ biến là thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và thay đổi thành viên của công ty TNHH do chuyển nhượng phần vốn góp.
Thay đổi người đại diện theo pháp luật
Đối với việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, không hoàn toàn rõ đây là thủ tục thông báo hay xin chấp thuận từ cơ quan cấp phép. Do vậy, doanh nghiệp không thể xác định được tư cách người đại diện theo pháp luật mới phát sinh vào thời điểm nào.
Ví dụ, ngày 1/1/2014, cơ quan quản lý nội bộ của Công ty A thông qua quyết định cử ông X làm người đại diện theo pháp luật thay thế cho người đại diện theo pháp luật của Công ty A đang được ghi nhận trên GCNĐKKD. Ngày 10/1/2014, Công ty A nộp đơn xin sửa đổi GCNĐKKD cho cơ quan cấp phép. Ngày 20/1/2014, Công ty A được cấp GCNĐKKD sửa đổi, với nội dung ông X là người đại diện theo pháp luật mới của Công ty A. Ông X bắt đầu ký kết hợp đồng thay mặt cho Công ty A từ ngày 1/1/2014.
Câu hỏi pháp lý đặt ra là những giao dịch do ông X đại diện cho Công ty A ký kết từ ngày 1/1/2014 đến ngày 10/1/2014 hoặc từ ngày 10/1/2014 đến ngày 20/1/2014 có hiệu lực hay không? Khó mà có một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này, dù câu trả lời dễ dàng và an toàn nhất là tất cả các giao dịch trên đều có khả năng vô hiệu, do ông X chưa phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty A.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn tư cách người đại diện theo pháp luật mới phát sinh ngay lập tức khi cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp có quyết định về vấn đề trên nhằm giải quyết các công việc tồn đọng của doanh nghiệp cũng như loại bỏ thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật cũ.
Đứng từ góc độ của bên thứ ba có quan hệ với doanh nghiệp, bên thứ ba không muốn liên quan đến những rắc rối pháp lý về thẩm quyền của người đại diện doanh nghiệp mà bên thứ ba không biết hoặc không có khả năng biết.
Đứng từ góc độ quản lý nhà nước, cơ quan cấp phép không có bất kỳ lý do gì về mặt chính sách để quản lý sự thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH
Theo quy định của pháp luật và thông lệ áp dụng trên thực tế, việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH cần phải xin chấp thuận từ cơ quan cấp phép. Tuy nhiên, việc cấp GCNĐKKD sửa đổi thường diễn ra sau khi giao dịch chuyển nhượng đã hoàn tất và rủi ro là khó có thể xác định được tư cách thành viên công ty TNHH phát sinh từ thời điểm nào.
Ví dụ, ngày 1/1/2014, Hội đồng Thành viên của Công ty TNHH A thông qua quyết định chấp thuận việc X chuyển nhượng phần vốn góp cho Y theo quy định tại điều lệ Công ty A. Ngày 5/1/2014, Y chuyển tiền cho X và X chuyển giấy chứng nhận sở hữu phần vốn góp cho Y. Ngày 10/1/2014, Công ty A nộp đơn xin sửa đổi GCNĐKKD cho cơ quan cấp phép. Ngày 20/1/2014, Công ty A được cấp GCNĐKKD sửa đổi với nội dung ghi nhận thành viên Y.
Câu hỏi pháp lý đặt ra là Y có tư cách thành viên (và có quyền biểu quyết, được chia lợi nhuận và các quyền khác với tư cách là thành viên Công ty A) từ ngày 5/1/2014, ngày 10/1/2014 hay ngày 20/1/2014? Ngoài ra, điều gì sẽ xảy ra nếu cơ quan cấp phép không cấp GCNĐKKD sửa đổi? Giao dịch chuyển nhượng bị vô hiệu và X phải trả lại tiền cho Y?
Cũng tương tự trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật, khó có một câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi trên. Đứng từ góc độ doanh nghiệp, doanh nghiệp mong muốn việc chuyển nhượng vốn giữa các thành viên diễn ra nhanh gọn và đơn giản để công ty không chịu nhiều xáo trộn nội bộ.
Đứng từ góc độ của các bên tham gia chuyển nhượng, các bên không muốn thời điểm hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng phụ thuộc vào ý chí của cơ quan cấp phép và rủi ro giao dịch bị vô hiệu.
Đứng từ góc độ quản lý nhà nước, cơ quan cấp phép không có bất kỳ lý do gì về mặt chính sách để quản lý giao dịch chuyển nhượng.