Luật pháp được sinh ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Song, trên thực tế, các quan hệ xã hội luôn thay đổi, cho nên luật pháp cũng cần được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dù vậy, trong quá trình sửa đổi, bổ sung, không tránh khỏi trường hợp những quy định mới bị “vênh” so với các quy định hiện hành trong một văn bản luật khác. Điều này khiến doanh nghiệp lúng túng, không biết phải thực hiện như thế nào để hạn chế những rủi ro trách nhiệm.
Một vụ án nghiêm trọng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước được đưa ra xét xử gần đây cho thấy, lãnh đạo doanh nghiệp có thể đối mặt trách nhiệm hình sự. Cụ thể, trong vụ án này, doanh nghiệp đã góp vốn vào ngân hàng. Hai bên thỏa thuận một lộ trình góp vốn kèm theo kế hoạch tăng vốn kéo dài trong nhiều năm, cùng với đó là thỏa thuận về các nhân sự trong HĐQT ngân hàng. Khi các thỏa thuận đang trong quá trình thực hiện thì luật pháp trong lĩnh vực ngân hàng có sự thay đổi. Tỷ lệ góp vốn của một doanh nghiệp vào ngân hàng bị hạn chế. Tỷ lệ thỏa thuận trước đây không phù hợp với quy định mới.
Nếu tiếp tục góp vốn để duy trì tỷ lệ sở hữu thì sẽ vi phạm quy định pháp luật, nhưng không thực hiện quyền mua cũng dẫn đến nhiều trở ngại khác. Trong phiên tòa, các lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp viện dẫn lý do nếu không duy trì tỷ lệ sở hữu thì doanh nghiệp góp vốn phải rút bớt thành viên HĐQT tại ngân hàng. Hơn nữa, nếu muốn rút bớt thành viên HĐQT, theo quy định phải rút vốn trước 6 tháng, mà điều này là bất khả thi.
Luật có hiệu lực, nhưng chưa có hướng dẫn, nên doanh nghiệp chưa biết thực hiện thế nào. Tuy nhiên, dù viện dẫn thế nào thì khi thiệt hại xảy ra, trách nhiệm là khó chối từ. Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, thông thường, có 2 căn cứ để giúp các doanh nghiệp, đối tác tránh được thiệt hại từ những thay đổi của quy định pháp luật.
Một là, những quy định chuyển tiếp mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra để dự liệu điều chỉnh những trường hợp giao dịch xảy ra trước ngày văn bản pháp luật có hiệu lực. Hai là, những quy định thỏa thuận mang tính loại trừ nghĩa vụ khi pháp luật thay đổi ngay tại các hợp đồng, thỏa thuận giao dịch.
Đối với quy định chuyển tiếp, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước ban hành văn bản pháp quy. Doanh nghiệp chỉ có thể nhờ cậy trong trường hợp họ làm đúng và hết trách nhiệm.
Tuy nhiên, đối với việc dự liệu, đưa ra các tình huống tác động của pháp luật ngay tại chính thỏa thuận, giao dịch, các doanh nghiệp, đối tác giao dịch hoàn toàn có thể chủ động. Khả năng một trong các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ dẫn đến tranh chấp và chịu trách nhiệm bồi thường là rất cao. Thực tế, khi tranh chấp phát sinh, thiệt hại và trách nhiệm bị quy buộc thường đến từ những tình huống doanh nghiệp bị động hoàn toàn về vấn đề dự liệu tình huống trong giao dịch, hợp đồng ký kết.
Cũng theo Luật sư Trần Minh Hải, về lý thuyết, doanh nghiệp cần nắm được những nguyên tắc thứ tự ưu tiên áp dụng của các văn bản pháp luật. Giữa một đạo luật mới ban hành và các đạo luật chuyên ngành khác cùng cấp, theo quy định pháp luật, sẽ áp dụng quy định của văn bản ban hành sau. Đặc biệt, nếu văn bản mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực, thì áp dụng văn bản mới.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận từ một số vụ án liên quan đến việc xác định trách nhiệm do thất thoát tiền bạc, nguyên tắc áp dụng luật nêu trên đã không được vận dụng đúng. Tại nhiều phiên tòa, chính sự mâu thuẫn của các văn bản pháp lý đã tạo nên sự khác biệt trong quan điểm xác định đúng-sai giữa các luật sư với cơ quan tố tụng. Trong trường hợp này, vụ án thường được "tạm" khép lại do còn nhiều tranh cãi về phán quyết của tòa án.
“Để tránh rủi ro trách nhiệm pháp lý trong trường hợp có mâu thuẫn trong cách hiểu và vận dụng pháp luật, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn pháp luật…”, Luật sư Trần Minh Hải khuyến nghị.