Ngày 15/3/2017, Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực, theo đó, việc đảo nợ chính thức bị cấm. Điều 8 Thông tư 39 quy định rõ những nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó có việc vay vốn để trả nợ khoản nợ vay tại chính ngân hàng đó hoặc ngân hàng khác.
Trước đó, trong thời gian dài, không có quy định rõ ràng được hay không được đảo nợ. Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN có nhắc đến đảo nợ, ghi nhận nguyên tắc: “Việc đảo nợ, các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, nhưng cơ quan quản lý không ban hành thêm quy định rõ ràng cấm hay không cấm đảo nợ.
Hiểu một cách đơn giản, đảo nợ là việc thay một món nợ cũ thành một món nợ mới. Việc hoạt động kinh doanh không đạt kỳ vọng, khách hàng không trả được nợ sẽ ảnh hưởng xấu đến ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo đó, ngân hàng bị gia tăng nợ xấu, phải trích lập dự phòng rủi ro, vốn khả dụng giảm, cho vay giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Trong khi đó, doanh nghiệp bị hạ mức xếp hạng tín dụng, hệ thống thông tin tín dụng của ngân hàng sẽ ghi nhận nợ quá hạn, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn vay vốn ở các ngân hàng khác.
Khi chưa có quy định cấm rõ ràng, các ngân hàng vẫn né tránh việc cho vay khoản mới để trả nợ cũ, nhưng vì những vấn đề trên, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều tìm cách đảo nợ, thậm chí có những vụ việc, cơ quan điều tra đã ghi nhận lời khai cho thấy để né tránh trách nhiệm nội bộ, đặc biệt trước các đợt kiểm tra của hội sở, cán bộ chi nhánh ngân hàng đã đề nghị, hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ vay khoản nợ mới để trả nợ cũ nhằm làm sạch bảng cân đối.
Cách thức đảo nợ thường được áp dụng là dùng nguồn vốn khác (vay bên ngoài, tín dụng đen) để trả nợ cũ, sau đó ngân hàng cho vay mới. Hoặc doanh nghiệp sẽ dùng một pháp nhân khác đứng tên vay tiền ngân hàng rồi chuyển tiền về để trả nợ ngân hàng. Dù dùng cách thức nào, chủ doanh nghiệp đều phải đối mặt với rủi ro.
Chẳng hạn, trong vụ án do Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử, nữ cựu giám đốc một công ty đã bị kết án vì hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hơn 19 tỷ đồng. Theo lời trình bày tại tòa, doanh nghiệp này nợ tiền ngân hàng, ngân hàng đã hứa nếu trả xong nợ cũ sẽ cho vay tiếp.
Do đó, nữ giám đốc đã vay bên ngoài với lãi suất cao để trả nợ nhà băng. Tuy nhiên, sau đó, hồ sơ vay vốn của công ty không được ngân hàng chấp thuận. Việc chịu lãi suất cao từ tín dụng đen đã tạo thêm áp lực khiến công ty không thể vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng pháp nhân vay tiền ngân hàng để đảo nợ cũng rất phổ biến. Rủi ro ở đây nằm ở những bộ hồ sơ không có thật.
Chủ doanh nghiệp có thể sử dụng các pháp nhân do mình thành lập để làm các hợp đồng mua bán hàng hóa, rồi đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng. Khi không trả được nợ, hành vi này rất dễ bị quy kết là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Vụ án ở CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam là một trường hợp như vậy. Từ năm 2010, Công ty lâm vào tình trạng khó khăn, không có tiền để trả nợ. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty đã bàn với vợ (Phó Tổng giám đốc) làm hồ sơ để ngân hàng cho vay vốn với lý do thu mua cà phê xuất khẩu, nhưng trên thực tế, tiền vay được để đáo nợ ngân hàng.
Hồ sơ vay vốn bao gồm nhiều tài liệu như hợp đồng kinh tế, phương án kinh doanh, chứng từ thanh toán... đều không có thật. Các hợp đồng mua bán được ký với các công ty thành viên của CTCP Tập đoàn Thái Hòa đều là hợp đồng giả. Thực tế không có hoạt động thu mua cà phê.
Sau khi ngân hàng giải ngân (184 tỷ đồng), số tiền này được dùng trả nợ cho nhiều ngân hàng. Cuối cùng, việc đảo nợ cũng không giúp CTCP Tập đoàn Thái Hòa vượt qua được khó khăn.
Tổng các khoản nợ ngân hàng của Công ty lên tới gần 900 tỷ đồng. Khi cơ quan điều tra vào cuộc, các cá nhân là lãnh đạo Công ty bị buộc phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để đưa vào hồ sơ vay vốn.
Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), khi sử dụng những tài liệu không có thật để đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng, các cá nhân phải đối mặt rủi ro pháp lý và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt rất nặng, tối đa là chung thân (với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên).
“Trước khi tham gia đảo nợ, doanh nghiêp nên cân nhắc, suy xét thận trọng các rủi ro pháp lý. Nếu công ty gặp khó khăn, không trả được nợ, hãy thẳng thắn chấp nhận tình trạng đó và cùng ngân hàng cân nhắc biện pháp giải quyết, có thể là xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên”, ông Chi chia sẻ.