Nguy cơ bị “đánh tháo”
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, các chủ đầu tư đã mạnh dạn đầu tư cùng lúc vào nhiều dự án bất động sản để bán, kinh doanh cho thuê.
Đầu tư bất động sản đòi hỏi vốn lớn và nguồn vốn từ ngân hàng, khách hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu đợi đến lúc hoàn thành phần móng mới bán hàng, doanh nghiệp bất động sản sẽ rất khó khăn trong xoay xở nguồn vốn. Do đó, tại nhiều dự án bất động sản, mặc dù chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư vẫn nhận đặt cọc giữ chỗ trước khi chính thức ký hợp đồng mua bán.
Theo luật sư Hà, khoản 1, Điều 328, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Đặt cọc mua nhà là quan hệ dân sự do các bên thoả thuận, do đó đầu tiên bạn phải căn cứ vào các thoả thuận trong hợp đồng đặt cọc. Nếu trong hợp đồng không có quy định thì sẽ áp dụng quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết.
Những người có kinh nghiệm đi mua nhà, khi lập giao kết (dù bằng giấy viết tay) thường ràng buộc bên bán bằng điều khoản: Nếu bên bán không bán nhà đất nữa thì ngoài việc phải trả lại tiền đặt cọc sẽ phải chịu phạt một số tiền nhất định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, vì bán được giá hơn so với người mua cũ, nhiều người bán nhà vẫn bội tín.
Khoản 2, Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Nghị quyết 01/2003/NĐ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao quy định, “nếu cả hai bên cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì không phạt cọc”.
Như vậy, theo quy định trên, trong trường hợp hợp đồng dân sự không được giao kết, thực hiện thì tùy từng trường hợp cụ thể, tài sản đặt cọc được giải quyết như sau: Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, bao giờ người đặt cọc cũng phải chịu nắm “đằng lưỡi” vì muốn đòi được “khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc”, họ phải kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc ra tòa án với quy trình tố tụng kéo dài. Đó là chưa kể nhiều vụ thắng cuộc cũng khó đảm bảo thi hành án.
Pháp luật dân sự chưa quy định, có thể bị tuyên vô hiệu
Ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khi ký hợp đồng mua bán đối với người mua nhà, các chủ thể hợp đồng vừa phải tuân theo pháp luật dân sự, vừa phải chấp hành pháp luật về nhà ở. Hợp đồng mua bán phải đúng về hình thức thì mới không bị tuyên là giao dịch vô hiệu.
Hợp đồng mua bán chỉ được ký kết khi dự án đã xây xong móng.
Soi chiếu với quy định pháp luật đất đai, đối tượng của hợp đồng mua bán được hợp đồng đặt cọc bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện mở bán, có nghĩa là tại thời điểm đặt cọc thì tài sản này chưa được phép giao dịch.
Trong khi đó, pháp luật dân sự lại chưa có quy định đối với việc đặt cọc để bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán tài sản theo hình thức này. Chính vì vậy, việc đặt cọc trong trường hợp này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Dưới góc độ thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, việc các sàn giao dịch bất động sản huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện gây ra những rủi ro cho người mua nhà. Giá cả, thanh khoản có thể là những số liệu không chính xác, gây nhiễu loạn.
Trong khi đó, với người mua, việc chi hàng trăm triệu đồng để đặt cọc lô đất có thể gặp những đơn vị lừa đảo, lợi dụng vốn, mà vẫn không có được suất mua từ chủ đầu tư. Những câu chuyện như thế này, theo ông Châu, từng xảy ra rất nhiều trong quá khứ và là bài học đắt giá với nhiều nhà đầu tư.
Theo quy định tại Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh khi có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.
Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, nhưng đã mở bán rầm rộ. Chiêu thức của họ là ký với khách hàng hợp đồng đặt cọc mua dự án. Luật Kinh doanh bất động sản không quy định hợp đồng đặt cọc, mà hợp đồng đặt cọc được đề cập trong Bộ luật Dân sự.
Theo ông Châu, các chủ đầu tư thường "lách luật" bán hàng theo hai dạng: Một là thỏa thuận “đặt cọc đăng ký chỗ” để đảm bảo thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán khi xây dựng dự án; hai là thỏa thuận hứa bán. Tuy nhiên, cả hai hình thức này đều tiềm ẩn rủi ro, bởi nếu dự án không được triển khai, việc thu hồi lại số tiền nói trên của các khách hàng là rất khó khăn.
Còn nhớ, hồi cuối năm 2017, dư luận xôn xao với câu chuyện Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư dự án khi chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thậm chí chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đất nền khu vực VIII - 3, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, nhưng vẫn huy động vốn bằng “phiếu đặt chỗ”.
Đơn vị này cũng “mạnh miệng” công bố tung ra 1.000 nền nhà và nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền, khiến gần 500 người đã đặt cọc hơn 16 tỷ đồng mua dự án.
Do đó, ông Châu khuyến nghị, cơ quan quản lý cần có những biện pháp để kiểm soát tình trạng chủ đầu tư, đơn vị phân phối lách luật huy động vốn của khách hàng, bảo vệ người mua nhà. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng cần cảnh giác, tỉnh táo với những giao dịch chứa đựng nhiều rủi ro như vậy.