Dự báo nhóm ngành chịu tác động
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng 14,3% và 16,7% (năm 2023 giảm 4,6% và 9,2%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 23%, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 29%, dẫn tới thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ và thâm hụt thương mại với Trung Quốc đều đạt mức cao kỷ lục khi tăng lần lượt 26% và 66%.
Gần đây, việc Mỹ có động thái áp thuế nhập khẩu đối với những nước có thặng dư thương mại lớn cũng như áp thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ như Trung Quốc, Canada, Mexico… khiến không ít ý kiến lo ngại Việt Nam có thể sớm đối mặt với việc cũng sẽ bị áp thuế.
Thống kê các loại thuế, phí đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ tính đến hết năm 2024 cho thấy, Mỹ không áp dụng thuế nhập khẩu đối với gỗ/các sản phẩm gỗ/đá và thủy sản từ Việt Nam. Mỹ áp dụng mức thuế bình quân 4% đối với sản phẩm lốp xe Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Các sản phẩm may mặc chịu mức thuế lên đến 28,6%, trong khi xuất khẩu sợi trực tiếp chịu mức thuế dao động từ 8 - 8,8%. Sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chịu mức thuế nhập khẩu 25%.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá, những ngành dệt may, giày dép và sắt thép có khả năng ít bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ, chủ yếu do mức thuế nhập khẩu của những ngành này đang ở mức cao và không phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ. Ngược lại, ngành công nghệ, gỗ, giấy và máy móc có rủi ro cao hơn do thuế nhập khẩu vào Mỹ ở mức thấp, có thị phần đáng kể trong kim ngạch nhập khẩu của Mỹ và bị cạnh tranh từ các quốc gia có FTA với Mỹ. Trong khi đó, các sản phẩm ngành nông nghiệp Việt Nam mặc dù có mức thuế nhập khẩu thấp nhưng không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ và không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp có FTA với Mỹ.
![]() |
Tổng giám đốc một doanh nghiệp dệt may niêm yết cho rằng, thuế quan cao hơn làm tăng giá thành sản phẩm khi xuất khẩu sang Mỹ, khiến hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước khác không bị áp thuế cao như Bangladesh. Về lâu dài, các doanh nghiệp có thể sẽ phải tìm cách hấp thụ một phần chi phí này, làm giảm lợi nhuận. Thêm vào đó, khi giá tăng do thuế, khách hàng Mỹ có thể chuyển sang nguồn cung khác với mức thuế thấp hơn, làm giảm số lượng đơn hàng và thị phần tại Mỹ. Ngoài ra, đối với một số ngành nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh quy trình sản xuất, tìm nguyên liệu từ các nguồn không bị áp thuế để tránh bị coi là lẩn tránh thuế.
Đối với một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam đang xuất sang Mỹ, các chính sách thuế quan có thể gây ra tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Các chính sách thuế quan của Mỹ nhằm mục đích bảo hộ thương mại, tăng cường lợi thế đàm phán của Mỹ với các quốc gia khác trên phương diện đàm phán thương mại và một số phương diện khác.
![]() |
Chiến tranh thương mại cũng tạo ra cơ hội
Nhìn lại diễn biến của chiến tranh thương mại lần 1 (giai đoạn 2018 - 2020), không ít mặt hàng của Việt Nam chịu ảnh hưởng ngắn hạn bởi các đợt Mỹ áp thuế lên nhiều loại hàng hóa nhập khẩu, dù mục tiêu của Mỹ trong suốt giai đoạn này không phải là Việt Nam.
Tuy nhiên, tính tổng quan trong giai đoạn 2018 - 2022, giá trị mà Mỹ nhập siêu hàng hóa Việt Nam tăng hơn 2 lần (từ 36 tỷ USD lên hơn 113 tỷ USD). Trong giai đoạn đó, các doanh nghiệp dệt may, sản xuất và xuất khẩu lốp xe, đồ gỗ, hàng gia dụng từ nhựa và gỗ, một số sản phẩm thép thành phẩm gia tăng xuất khẩu vào Mỹ. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu may sang Mỹ năm 2018 đạt 13,7 tỷ USD, năm 2019 tăng lên 32,9 tỷ USD, năm 2020 giảm xuống 29,8 tỷ USD do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2021 hồi phục lên mức 32,8 tỷ USD.
Một trong những lý do là thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc và một số quốc gia khác làm giá hàng hóa cao hơn, đôi khi tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa tương tự của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Yếu tố lợi thế này là hữu hạn, không nên lạm dụng, nhưng cho thấy chiến tranh thương mại cũng tạo ra cơ hội, chứ không hẳn chỉ là khó khăn. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn trên thế giới có xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, một phần của sự dịch chuyển này tạo ra cơ hội cho Việt Nam ở lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ khác như hóa chất, giấy craft bao bì.
Hiện tại, về động thái mới của Mỹ trong việc áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank đánh giá, có thể có tác động ở mức độ nhất định trong ngắn hạn tới mặt hàng nhôm mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, còn mặt hàng thép chịu tác động không lớn do đã chịu mức thuế 25% từ năm 2018. Ở khía cạnh khác, Mỹ đã bổ sung nhiều quốc gia vào danh sách áp thuế, đồng thời thêm 10% thuế với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nên hàng hóa Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác, qua đó hạn chế được mức độ ảnh hưởng. Chẳng hạn, Bộ Thương mại Mỹ đã ấn định mức thuế chống bán phá giá đối với lốp xe tải và xe buýt (TBR) nhập khẩu từ Thái Lan lên tới 48,39%, điều này có thể tiếp tục mang lại cơ hội cho một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo ông Đào Hồng Dương, ở một số ngành hàng vẫn có những vụ điều tra chống phá giá và chống trợ cấp như cá tra, cá basa, một số sản phẩm thép thành phẩm trong thời gian gần đây (đầu năm 2025). Tác động của các mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ áp dụng lên hàng hóa Việt Nam rất khác biệt giữa các doanh nghiệp (do mức thuế áp cho từng doanh nghiệp là khác nhau), nên để đánh giá đúng ảnh hưởng của từng doanh nghiệp đòi hỏi phải xem xét kỹ về thuế suất trên sản phẩm cũng như sản lượng xuất khẩu của từng doanh nghiệp trong danh sách hàng hóa bị áp thuế.
Đáng lưu ý, thời kỳ Trump 2.0 với cuộc chiến thương mại không chỉ diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn lan ra toàn cầu sẽ là rủi ro đối với Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch các cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, thủy sản, gỗ, sắt thép. Bởi lẽ, các doanh nghiệp xuất khẩu dù chịu tác động nhiều hay ít vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố thông tin. Tuy nhiên, sau khi đánh giá kỹ lưỡng, nhà đầu tư có thể nhận biết đó là cơ hội để mua được cổ phiếu tốt với giá chiết khấu hay thực sự là rủi ro.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhìn nhận, những doanh nghiệp có thể giảm được chi phí, cải thiện sản phẩm, đưa ra các sản phẩm mới mang nhiều giá trị hơn, đồng thời đa dạng thị trường kinh doanh và đáp ứng được nhiều phân khúc khách hàng thì điểm bất lợi của thuế quan có thể lại là điểm có lợi với doanh nghiệp, ít nhất cũng thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới và thích nghi trong nhiều tình huống.
“Chúng ta đã thấy nhóm cổ phiếu ngành thép đã có những biến động khá mạnh trong các phiên giao dịch gần đây. Do vậy, cần ưu tiên danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp có khả năng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sở hữu biên lợi nhuận tốt và ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư dài hạn vào công nghệ, mở rộng chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm cũng sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn”, ông Khánh nói.