Nỗi lo áp thuế
Hai tháng đầu năm 2023, giá trị sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh (quartz) từ Việt Nam vươn lên đứng vị trí số một trong các quốc gia nhập khẩu vào Mỹ. Năm 2022, tổng sản lượng đá quartz từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đạt 319,26 triệu USD, mới chỉ ở vị trí thứ 3 về sản lượng và giá trị.
Xét về con số đơn thuần, đây là thành tích đáng mừng, nhưng với người trong cuộc, số liệu trên mang đến lo ngại nhiều hơn. Chia sẻ tại cuộc họp cổ đông ngày 12/4, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vicostone - doanh nghiệp nằm trong top 3 thương hiệu sản xuất đá thạch anh nhân tạo toàn cầu cho biết, rủi ro bị điều tra áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh đang “treo lơ lửng” và có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Có nhiều lý do khiến nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp đá quartz Việt Nam khá cao và không thể xem nhẹ. Lãnh đạo Vicostone cho biết, tình trạng lẩn tránh thuế của các sản phẩm đá quartz có nguồn gốc từ Trung Quốc đang nằm trong nhóm vấn đề rất quan tâm của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) gần đây.
Thực tế, số lượng các nhà sản xuất đá theo công nghệ Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Chưa kể số lượng các vụ kiện của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có xu hướng tăng trong vài năm gần đây.
Cập nhật mới nhất vào cuối tháng 3 vừa qua, DOC đã thông báo gia hạn lần thứ sáu thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận cuối cùng dự kiến lùi sang ngày 2/5/2023.
Theo kết luận sơ bộ công bố tháng 7/2022, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ bị áp dụng thuế như gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc, với thuế tạm tính cho các lô hàng được nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 17/6/2020 có thể lên đến 378,26%. Các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu) đang hợp tác tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Đối với hoạt động xuất khẩu cao su sang thị trường Brazil, nỗi lo áp thuế không chỉ còn là nguy cơ. Ngày 21/3/2023, quốc gia này đã tăng thuế nhập khẩu lốp xe tải từ 0% lên 16%, sau khi nhận được yêu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe Brazil từ tháng 10/2022.
Trong một phân tích mới đây, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, thay đổi trên dẫn đến rủi ro giảm đối với tăng trưởng doanh số xuất khẩu năm 2023 của Cao su Đà Nẵng. Lý do là, thị trường Brazil chiếm 60% tổng lượng xuất khẩu của Công ty, tương đương tỷ trọng 36% trong cơ cấu doanh thu năm 2022.
Phòng thủ và đa dạng hóa thị trường
Chuẩn bị thật tốt là điều doanh nghiệp có thể làm để ứng phó với biến động liên quan đến chính sách của bên nhập khẩu, bao gồm chính sách thuế.
Vicostone đã dự phòng cho rủi ro bị điều tra áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế trong 4 năm qua. Việc chủ động được phần lớn đầu vào sản xuất từ nguồn trong nước thay vì nhập khẩu không chỉ giúp Công ty tránh được sự gián đoạn trong sản xuất giai đoạn Covid-19, mà còn thuận lợi truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng khi phía Mỹ thực hiện điều tra. Dù vậy, Công ty vẫn đang căng mình để rà soát hệ thống, bởi “chỉ một câu hỏi không trả lời đúng hạn, đã bị coi là vi phạm”.
Bên cạnh đó, xu hướng đa dạng hóa thị trường cũng là điều các doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực thực hiện. Ngoài thị trường Mỹ đang chiếm 65%, cơ cấu doanh thu của Vicostone còn đến từ thị trường Canada (25-30%), châu Âu (10%). Sản phẩm của hãng đá nhân tạo này xuất hiện tại một triển lãm thiết kế tại Toronto - thành phố đông dân nhất tại Canada đầu năm nay. Thị trường nội địa cũng được đẩy mạnh quảng bá trong khoảng 5 năm trở lại đây, dù gặp áp lực cạnh tranh rất lớn của sản phẩm đá nhân tạo từ Trung Quốc.
Với Cao su Đà Nẵng, dù Brazil là thị trường quan trọng, doanh nghiệp này còn xuất khẩu sang 34 quốc gia khác. Doanh số xuất khẩu tại các thị trường này được dự báo tăng lên, bù đắp một phần nguồn thu dự kiến giảm từ thị trường Brazil. Mỹ là thị trường mà Công ty tập trung thúc đẩy vài năm gần đây. Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh số trong dài hạn là 25%/năm.
Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, doanh số bán hàng từ Brazil của Cao su Đà Nẵng sẽ giảm, nhưng không quá mạnh trong bối cảnh sản xuất ô tô đang phục hồi. Cùng với việc tăng doanh số bán hàng sang các nước khác, dự kiến tăng trưởng doanh số xuất khẩu của Công ty được duy trì ở mức khiêm tốn một chữ số.