Rủi ro thua kiện vì từ chối chi trả bảo hiểm do xe đang sửa chữa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trường hợp xe đang sửa chữa trong garage mà bị cháy nổ, ngập nước… thường bị từ chối bồi thường theo điều khoản loại trừ tại hợp đồng bảo hiểm, thế nhưng khi ra tòa mọi việc có thể khác.

Ngày 14/4/2019, xe ô tô Mercedes của một khách hàng nữ sửa tại garage thì garage này bị cháy do chập điện, dẫn đến xe ô tô bị thiêu trụi. Bảo hiểm Bảo Việt đã từ chối bồi thường do thiệt hại xảy ra trong quá trình sửa chữa được quy định tại điều khoản loại trừ của hợp đồng bảo hiểm. Không đồng tình, khách hàng đã khởi kiện nhà bảo hiểm này ra tòa. Qua 2 lần xét xử, 2 cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm (ngày 31/5/2022) tại TP.HCM đã buộc Bảo hiểm Bảo Việt phải bồi thường thiệt hại toàn bộ chiếc xe Mercedes với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Trong một trường hợp khác, mới đây, ngày 14/10/2022, xe ô tô Kia Seltos của chị L sửa chữa tại KIA Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng thì bị ngập nước trong cơn mưa lũ lịch sử vừa qua. Bảo hiểm Hàng Không (VNI) từ chối bồi thường với lý do tương tự. Không đồng tình, khách hàng đã kiện công ty bảo hiểm ra tòa và vụ việc đang trong quá trình giải quyết.

Ngoài 2 vụ việc trên, còn một số vụ tương tự khác nhưng các bên đang thương thảo, chưa khởi kiện ra tòa. Giải thích lý do không chi trả, các công ty bảo hiểm đều chung một lập luận rằng, trong điều khoản loại trừ bảo hiểm vật chất xe ô tô đính kèm bộ hợp đồng đã ký giữa bên mua và bên bán bảo hiểm có điểm loại trừ là thiệt hại trong quá trình sửa chữa (tức là thiệt hại xảy ra trong quá trình sửa chữa và do quá trình sửa chữa). Xe chưa nghiệm thu bàn giao cho chủ xe vẫn được coi là đang sửa chữa.

Đơn cử, điều khoản loại trừ của Bảo hiểm Bảo Việt nêu rõ sẽ từ chối bảo hiểm đối với thiệt hại do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, giảm giá trị thương mại, hỏng hóc do khuyết tật hoặc hỏng hóc thêm do sửa chữa, trong quá trình sửa chữa (bao gồm cả chạy thử)…

Còn phía khách hàng, Infair - đơn vị bảo vệ quyền lợi của khách hàng cho rằng, công ty bảo hiểm đã cố tình giải thích sai điểm loại trừ để từ chối bồi thường. Điểm loại trừ đã thể hiện rõ, chỉ loại trừ những tổn thất trong quá trình sửa chữa do một hỏng hóc bất kỳ do rủi ro được bảo hiểm gây ra hoặc sửa chữa thông thường gây ra và những tổn thất phát sinh thêm do việc sửa chữa không đúng quy trình kỹ thuật thông thường, hoặc do tay nghề kém gây ra. Bản chất điểm loại trừ này là nhà bảo hiểm xác định trong quá trình sửa chữa rủi ro cháy nổ, hư hỏng thêm do thao tác kém có khả năng xảy ra cao hơn nên không thể bảo hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa phát sinh các sự cố bất ngờ không liên quan đến hoạt động sửa chữa như cháy nổ, ngập lụt… dẫn đến xe đang sửa chữa được bảo hiểm là do rủi ro được bảo hiểm khác gây ra, nguyên nhân không liên quan đến hoạt động sửa chữa nên không thể áp dụng điểm loại trừ này, do đó công ty bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe.

Công ty bảo hiểm cũng không được thế quyền đòi chủ garage đền bù, bởi theo quy định tại Điều 49 - Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, để được thế quyền cần phải thoả mãn 2 điều kiện.

Thứ nhất, bên gây thiệt hại là bên thứ ba. Cụ thể, garage khi được chủ xe giao quản lý, sửa chữa xe có phát sinh trách nhiệm giữ gìn bảo quản xe theo hợp đồng dân sự, nên trách nhiệm của garage với chủ xe là trách nhiệm trong hợp đồng, nghĩa là garage không phải bên thứ ba (bên thứ ba là bên phát sinh trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, tức là giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại không có một hợp đồng thoả thuận trước). Khi được giao quản lý xe, chủ garage được coi là bên được bảo hiểm, có quyền thay mặt chủ xe thực hiện các thủ tục yêu cầu bảo hiểm bồi thường cho chủ xe, tương tự như việc lái xe thay mặt chủ xe thực hiện các thủ tục yêu cầu bảo hiểm bồi thường.

Thứ hai, trường hợp được coi là bên thứ ba thì garage phải là bên có lỗi. Thực tế, khi cơ quan công an kết luận cháy nổ do nguyên nhân khách quan (cháy nổ, ngập lụt… vì do bất khả kháng), tức là chủ garage không có lỗi gây ra thiệt hại nên không có trách nhiệm phải đền bù. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2023 quy định rõ về thế quyền theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm, cụ thể là công ty bảo hiểm phải bồi thường cho khách hàng xong mới được đòi thế quyền.

Theo quy định mới, công ty bảo hiểm không được quyền đòi bên thứ ba toàn bộ số tiền đã bồi thường, mà được theo công thức: Số tiền = Thiệt hại thực tế của bên mua bảo hiểm x Lỗi của bên thứ ba. Phần lỗi của người được bảo hiểm, phần khấu hao công ty bảo hiểm bồi thường theo điều khoản thay thế mới thuộc trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm. Ngoài ra, công ty bảo hiểm được quyền khấu số tiền bồi thường theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.

Tin bài liên quan