Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện PTI cho biết, đợt ngập lụt lớn nhất tại Đà Nẵng cũng như tại TP.HCM vừa qua đã gây ra tổn thất khá lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Riêng PTI, trong đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt tình hình ngập lụt tại Đà Nẵng, hãng này có khoảng 40 khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới thông báo tổn thất.
Do trời mưa chủ yếu vào đêm tối nên nhiều xe ô tô, đặc biệt là một số xe để trong hầm chung cư bị ngập nước, nhiều xe bị ngập quá nóc. Cùng với tổn thất về xe cơ giới, hãng bảo hiểm này cũng tiếp nhận vài vụ tổn thất về ngập kho hàng.
Trong khi đó, hãng bảo hiểm PVI cũng đã có những thông tin sơ bộ về tổn thất xe cơ giới với khoảng 79 xe bị ngập nước. Về tổn thất tài sản, kỹ thuật có khoảng 8 tổn thất do ngập nước, trong đó có tòa nhà Seabank Đà Nẵng (đường Nguyễn Văn Linh) ngập toàn bộ 2 tầng hầm; tòa nhà Taseco Đà Nẵng (đường Phan Đăng Lưu) ngập toàn bộ 1 tầng hầm; tòa nhà Canada Đà Nẵng (đường Ngô Quyền) ngập toàn bộ 1 tầng hầm…
Dù tổn thất thiệt hại vẫn đang được tính toán và chưa có con số chính thức, tuy nhiên, theo nhận định của đại diện một công ty bảo hiểm, lần mưa bão này tổn thất của khách hàng khá nặng nề, đặc biệt là tổn thất về tài sản.
Hãng bảo hiểm Liberty cũng ghi nhận tổn thất sau đợt ngập lụt này là 19 xe và hầu hết đều là dòng xe hạng sang.
Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 gây mưa lớn, ngập cục bộ tại một số điểm tại TP.HCM, theo con số thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, riêng tổn thất bảo hiểm xe cơ giới đã lên tới hàng chục tỷ đồng.
Số thiệt hại về xe cơ giới vẫn đang được các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục cập nhật và khả năng tổn thất còn tăng lên. Đó là chưa kể những tổn thất của bảo hiểm rủi ro cho tài sản. Thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng thiệt hại của xe cơ giới đã lên đến hàng chục tỷ đồng.
Riêng tại Bảo hiểm PTI, ước đến thời điểm hiện tại, thiệt hại xe cơ giới vào khoảng 5 tỷ đồng. Đại diện PTI cho hay, bên cạnh thiệt hại về xe cơ giới, thiệt hại về tài sản cũng xảy ra khá nhiều, mặc dù số vụ không cao, nhưng giá trị thiệt hại có thể lớn hơn đối với xe cơ giới. Những tổn thất với tài sản kỹ thuật chủ yếu là nhà xưởng, một số ít là nhà chung cư, nhà dân do bị nước tràn vào. PTI đã tiếp nhận 16 vụ tổn thất về tài sản, trong đó, vụ tổn thất lớn nhất khoảng 10 tỷ đồng.
Bảo hiểm PVI thì có con số tạm ước ngay sau ảnh hưởng của cơn bão là gần 90 xe ô tô và ước giá trị bồi thường 4 tỷ đồng, chưa kể những thiệt hại về bảo hiểm tài sản vẫn đang được tính toán.
Bảo hiểm Liberty ghi nhận 108 trường hợp liên quan tới ngập nước. Số thiệt hại ghi nhận khoảng 4 tỷ đồng, tính riêng bảo hiểm AutoCare. Về tỷ lệ tổn thất của bảo hiểm thủy kích, hiện Liberty vẫn đang giám định và thống kê.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tỷ lệ bồi thường gốc toàn thị trường tính đến hết tháng 9/2018 là 42%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 36,26%.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, tỷ lệ bồi thường của khối phi nhân thọ tăng do tỷ lệ bồi thường của các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng, lần lượt là 15% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hai nghiệp vụ có tỷ lệ đóng góp doanh thu cao cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ so với các nghiệp vụ bảo hiểm khác.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về ảnh hưởng của các đợt mưa lũ tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, đại diện một công ty bảo hiểm nhận định, tỷ lệ bồi thường của nhiều công ty trong tháng cuối năm chắc chắn sẽ tăng. Những tổn thất này cũng sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động nhận nhượng tái của thị trường bảo hiểm trong năm 2019, tuy nhiên, tác động không lớn.
Những thiệt hại do ngập úng chủ yếu ảnh hưởng nhiều đến các phương tiện giao thông là xe máy và ô tô, trong khi đó, những tài sản này thường thuộc mức trách nhiệm giữ lại của các doanh nghiệp bảo hiểm. Chỉ những ô tô có giá trị trên 3 tỷ đồng mới phải có sự tham gia của các nhà tái bảo hiểm.
Một số thiệt hại về tài sản cũng có phát sinh trong đợt mưa lũ, nhưng không quá nặng nề nên chưa tác động nhiều đến hoạt động tái bảo hiểm.