Nhu cầu công nghiệp của châu Âu vẫn trì trệ trong khi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông đã giảm bớt đã góp phần làm hạ nhiệt giá dầu. Tuy nhiên, giá khí đốt ở châu Âu vẫn duy trì ở mức cao khi thị trường tập trung vào một loạt rủi ro có thể khiến việc xây dựng nguồn cung trở nên khó khăn hơn vào năm tới.
Khả năng mùa đông lạnh hơn cùng với sự chậm trễ đối với các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngay khi sự cạnh tranh về nhiên liệu ngày càng gia tăng đã làm suy yếu niềm tin rằng năm 2025 sẽ báo hiệu sự thoái lui của tình trạng biến động thị trường khí đốt. Việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển giữa Nga và Ukraine giúp khí đốt của Nga tiếp tục chảy vào khu vực này cũng có thể gây thêm căng thẳng cho nguồn cung.
Theo Kim Fustier, Giám đốc nghiên cứu dầu khí châu Âu tại HSBC Holdings, sự kết hợp của những yếu tố đó “đã làm gia tăng rủi ro rằng triển vọng cung cấp khí đốt cho châu Âu có thể không tốt hơn vào năm 2025 so với năm 2024, mà trên thực tế có thể tệ hơn”.
Hiện đang có sự đồng thuận trong ngành là lượng tồn kho khí đốt sẽ đầy từ 40 - 45% đến tháng 3, so với mức 58,5% vào mùa đông năm ngoái. Anthony Yuen, chiến lược gia của Citigroup cho biết, việc dừng lưu lượng khí đốt qua đường ống từ Nga qua Ukraine có thể khiến lượng hàng tồn kho của châu Âu kết thúc mùa đông chỉ đầy khoảng 30%.
Kịch bản đó đã bắt đầu phản ánh cho hợp đồng tương lai giá khí đốt cho năm tới, với các hợp đồng cho mùa hè đã tăng vọt trong tuần này so với hợp đồng cho mùa đông năm 2025-2026. Và phần bù rủi ro cho các đợt giá biến động mạnh vẫn đang ở mức cao nhất kể từ đầu mùa đông, đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang đặt cược vào việc giá sẽ tiếp tục tăng.
Đồng thời, châu Á đã thúc đẩy việc mua LNG khi các đợt nắng nóng khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn và quốc gia nhập khẩu khí đốt hàng đầu là Trung Quốc cũng đã tăng thêm năng lực lưu trữ, làm gia tăng sự cạnh tranh với châu Âu. Brazil và Ai Cập cũng đã tăng cường mua LNG để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Samantha Dart, Giám đốc nghiên cứu khí đốt tự nhiên tại Goldman Sachs cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng nguồn cung LNG cao hơn từ Mỹ nói riêng sẽ giúp bù đắp cho lượng mua cao hơn ở châu Á và Trung Đông, và giữ cân bằng phần nào phù hợp với những gì đã diễn ra vào mùa hè năm ngoái".
Phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ lạnh của mùa đông năm nay. Nhiệt độ tại hầu hết các vùng tây bắc của châu Âu dự kiến sẽ giảm vào giữa tháng 11, sau khi mùa đông bắt đầu.
Điều đó có thể thúc đẩy mức tiêu thụ nhiên liệu, trong khi nhu cầu về khí đốt để phát điện cũng có thể gia tăng.
“Sản lượng thủy điện rất mạnh đặc biệt là ở Nam Âu vào đầu năm nay sẽ quay trở lại gần mức trung bình lịch sử hơn, do đó, mức giảm sản lượng thủy điện theo năm sẽ đòi hỏi nguồn cung cấp điện nhiều hơn từ các nguồn khác… Điều này bao gồm khí đốt tự nhiên”, chiến lược gia Anthony Yuen cho biết.