Ông nhận định như thế nào về lãi suất cũng như lạm phát từ nay đến cuối năm?
Để thúc đẩy và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.
Với mức tăng thêm 2% cho trần tăng trưởng tín dụng (mức trần trước đây là 18%), đồng nghĩa với việc một lượng lớn tín dụng sẽ được đẩy vào nền kinh tế, hỗ trợ đáng kể cho mục tiêu tăng trưởng. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, Chính phủ có dư địa điều hành và kiểm soát lạm phát, tỷ lệ lạm phát cả năm 2017 dự báo khoảng 3 - 3,5%.
Thị trường ngoại tệ thì sao?
Ông Trần Minh Hoàng
Tiếp nối diễn biến từ cuối năm 2016, tỷ giá tham chiếu trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt trong 7 tháng đầu năm 2017. Trong khi đó, nhìn từ phía cung, mặc dù ghi nhận giá trị nhập siêu khoảng 3,08 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, nguồn cung ngoại tệ trong năm nay được dự báo vẫn ở mức ổn định và dư thừa khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng. Kèm theo đó, lượng kiều hối giữ ổn định so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, đặc biệt là quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước vốn hóa lớn được đẩy mạnh, hứa hẹn đem lại nguồn cung ngoại tệ lớn.
Với các yếu tố trên, cộng với diễn biến có lợi trên thị trường thế giới, thị trường ngoại tệ nhiều khả năng duy trì trạng thái ổn định trong quý III. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước có dư địa để tiến hành mua thêm ngoại tệ trong những tháng cuối năm.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý thêm, tín dụng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm đã tăng 5,5 - 6%, trong khi cùng kỳ năm ngoái hầu như không tăng. Với dự báo áp lực tỷ giá sẽ gia tăng vào cuối năm, trong bối cảnh USD có thể mạnh lên, việc hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ có lẽ nên được cân nhắc nhằm giảm thiểu áp lực lên tỷ giá trong quý IV - giai đoạn mà nhu cầu vay ngoại tệ tăng cao theo yếu tố mùa vụ.
VCBS dự báo, mức giảm giá của VND khoảng 2% trong năm nay và thời điểm biến động mạnh nhiều khả năng rơi vào quý cuối năm.
Ông có thể nói rõ hơn về cơ sở khiến VCBS dự báo, thị trường chứng khoán có thể xuất hiện rủi ro, đặc biệt là vào quý IV?
Cơ hội và rủi ro vẫn luôn đan xen. VCBS cho rằng, thời điểm nhà đầu tư cần lưu tâm nhiều hơn là quý IV, khi các biến động tỷ giá và lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường.
Cụ thể, xu hướng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ thu hẹp và dần chấm dứt. Kèm theo đó là khả năng USD có thể mạnh lên vào cuối năm. Thêm vào đó, lãi suất liên ngân hàng sau giai đoạn giảm thấp có thể bật tăng trở lại và ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường cũng là yếu tố cần được theo dõi sát sao.
Vậy đâu là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên quan tâm từ nay đến cuối năm, theo ông?
VCBS cho rằng, trong những tháng cuối năm, nhà đầu tư vẫn sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khi các nhân tố đóng góp tích cực vào đà tăng của chỉ số trong những tháng đầu năm được duy trì. Trong đó, điển hình là việc lượng cung hàng trên thị trường được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện về cả lượng và chất.
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường đã có nhiều đại diện mới niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của 10 cổ phiếu này tăng 15% so với Top 10 của giai đoạn cuối năm ngoái. Đây là một trong những con số tích cực nói lên sự mở rộng quy mô thị trường.
Thêm vào đó, như đã đề cập, tôi cho rằng, với động thái nới lỏng tiền tệ, đồng thời tăng cường hoạt động xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế…, sẽ là nền tảng hỗ trợ xu hướng tăng của chỉ số.
Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng tác động tích cực sau khi thị trường chứng khoán phái sinh được đưa vào vận hành. Các điểm nhấn từ hoạt động mua bán - sáp nhập cũng được kỳ vọng trở thành nguồn lực quan trọng bổ sung dòng tiền cho thị trường.
Theo đó, VCBS dành sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là các blue-chips đầu ngành khi nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức P/E cao như nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, thực phẩm tiêu dùng.
Chúng tôi cũng quan tâm đến nhóm doanh nghiệp có các câu chuyện cá biệt thu hút được dòng tiền như mới niêm yết, chuyển sàn, mua bán - sáp nhập, thoái vốn nhà nước, nới “room” cho nhà đầu tư ngoại, hay nhóm doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ, được hưởng lợi khi xu hướng giá cả hàng hóa thay đổi, kết quả kinh doanh khả quan.