Mòn mỏi đợi bồi thường bảo hiểm
Sau 3 năm xảy ra vụ hỏa hoạn, bà Nguyễn Thị Phúc (hộ kinh doanh Phúc Sinh, ở huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) vẫn chưa nhận được tiền bồi thường bảo hiểm, thậm chí còn bị công ty bảo hiểm tố giác về hành vi trục lợi.
Ðược biết, vào năm 2016, bà Phúc ký 2 hợp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo hiểm Bưu điện Thăng Long thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Giá trị bảo hiểm là 20 tỷ đồng; trong đó, phần nhà xưởng là 1 tỷ đồng và máy móc, hàng hóa là 19 tỷ đồng. Phí bảo hiểm là 0,25%. Bà Phúc đã đóng phí số tiền 37,5 triệu đồng. Ngày 3/8/2016, cơ sở kinh doanh của bà Phúc xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà xưởng và máy móc, hàng hóa. Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà bảo hiểm đã cử cán bộ và Công ty Smart - đơn vị giám định xuống hiện trường ghi nhận tổn thất.
Công ty Smart đã liệt kê mức độ thiệt hại gồm phần nhà xưởng bị hỏng kết cục trục, phần thép - tôn mái bị biến dạng và đổ sập một phần, máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất (máy cắt mút, máy bắn ghim, máy khâu…) bị tổn thất rất nhiều theo mức độ khác nhau; phần lớn hàng hóa gồm hàng mẫu, bán thành phẩm, nguyên liệu bị tổn thất do cháy và nước chữa cháy.
Ðể tính toán con số thiệt hại, công ty giám định yêu cầu bà Phúc cung cấp hồ sơ ban đầu về nhà xưởng, hóa đơn chứng từ máy móc, hàng hóa. Ðối với nhà xưởng, Smart đã có bản vẽ hiện trường, tính toán được thiệt hại. Tuy nhiên, về máy móc và hàng hóa, bà Phúc chỉ cung cấp được giấy tờ viết tay, sổ sách mua bán hàng và một số hóa đơn còn sót lại tại hiện trường. Mặc dù công ty giám định đang tiến hành công việc, chưa có kết luận giám định cuối cùng thì PTI có đơn tố giác bà Phúc tới cơ quan công an về hành vi giả mạo hồ sơ chứng từ, hóa đơn để trục lợi bảo hiểm.
Theo PTI, khi xác minh hóa đơn tại Công ty TNHH Ngọc Long, Công ty TNHH Thương mại Tuấn Anh và Công ty TNHH Thương mại Ðức Thịnh - các đơn vị bán hàng cho hộ kinh doanh Phúc Sinh, phát hiện các công ty này không bán hàng cho bà Phúc. Tuy nhiên, năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã kết luận tố giác của PTI đối với bà Phúc là không có cơ sở. Công an cũng kết luận các hoạt động của cơ sở Phúc Sinh đối với các đơn vị kinh doanh này là có thật.
Cơ quan công an đã có kết luận, song công ty bảo hiểm vẫn không đồng ý bồi thường thiệt hại. PTI cho rằng, hộ kinh doanh bà Phúc không tuân theo quy định về hạch toán doanh nghiệp. Các giấy tờ giao dịch đều là viết tay, lưu trong sổ, không liên quan đến chế độ hóa đơn.
Trước ý kiến trên, bà Phúc đã khởi kiện vụ việc ra tòa án. Năm 2018, bản án sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của bà Phúc, buộc PTI phải bồi thường số tiền bảo hiểm là 20 tỷ đồng. PTI không đồng tình với bản án trên và kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã giải quyết theo trình tự phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo của PTI.
Trong quá trình tố tụng, tòa án đã chỉ định đơn vị khác thẩm định. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chỉ có cơ sở xác định tổn thất nhà xưởng, còn thiệt hại máy móc, hàng hóa chưa có đủ cơ sở để đánh giá thiệt hại. Khi giải quyết, tòa án cho rằng, theo Ðiều 48, Luật Kinh doanh bảo hiểm, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm. Công ty giám định Smart không hoàn tất việc giám định có phần lỗi của PTI. Căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm, PTI phải bồi thường cho bà Phúc số tiền bảo hiểm là 20 tỷ đồng. Vì vậy, tòa án không chấp nhận đơn kháng cáo của PTI.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay sau khi được tuyên. Nếu PTI không tự nguyện trả cho khách hàng số tiền 20 tỷ đồng nói trên, khách hàng có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án theo thẩm quyền.
Khung pháp lý nào cho hộ kinh doanh cá thể?
Dù được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, nhưng hộ kinh doanh bà Phúc mất 3 năm để theo đuổi tranh chấp, kiện tụng chưa kể thời gian thi hành án. Trình bày tại Tòa, bà Phúc đã khóc và kể rằng, hàng hóa tại nhà xưởng trị giá hơn 30 tỷ đồng và suốt 3 năm qua, nhà bảo hiểm không bồi thường một đồng nào dù thiệt hại về nhà xưởng đã được xác định, có đầy đủ căn cứ hóa đơn chứng từ. Hộ kinh doanh này không thể khôi phục hoạt động kinh doanh và thậm chí chủ hộ còn bị cơ quan công an điều tra theo đơn tố cáo của PTI.
Ðiểm tranh cãi mấu chốt khiến PTI từ chối bảo hiểm là trong vụ việc, cơ sở đánh giá thiệt hại, nhà bảo hiểm đòi hỏi phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ về hàng hóa, tài sản trong khi hộ kinh doanh bà Phúc chỉ có thể cung cấp các giấy tờ giao dịch viết tay, lưu trong sổ, không liên quan đến chế độ hóa đơn. Tuy nhiên, vấn đề giao dịch viết tay, hóa đơn chứng từ không có, chế độ kế toán đơn giản lại là những vấn đề đặc thù của hộ kinh doanh cá thể. Với quy mô nhỏ gọn, thủ tục hành chính dễ dàng, hình thức nộp thuế khoán, rất nhiều cá nhân khi tham gia kinh doanh đã lựa chọn mô hình hộ kinh doanh dù mô hình hoạt động này có thể đem lại những rủi ro, tranh chấp kéo dài như trường hợp hộ kinh doanh bà Phúc.
Gần đây, khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp, không ít ý kiến từ phía các chuyên gia, các nhà quản lý, đại diện hội doanh nghiệp, hội ngành nghề cho rằng, cần xem xét lại loại hình hộ kinh doanh cá thể, làm sao để thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể hình thành doanh nghiệp chính thức, vừa tạo điều kiện cho hộ kinh doanh cá thể phát triển mở rộng quy mô, vừa tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh. Hiện, cả nước có tới 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho gần 10 triệu người, nhưng ở góc độ chính sách, không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh. Theo ông Vũ Tiến Lộc, chúng ta cần phải tháo gỡ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.
Tương tự, ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh hay bắt họ chuyển đổi thành doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân tận dụng các cơ hội kinh doanh.
Việc hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình hộ kinh doanh cá nhân hoặc thúc đẩy lên doanh nghiệp, dù theo chiều hướng nào cũng tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể hoạt động chuyên nghiệp hơn, hạn chế rủi ro trong kinh doanh hơn là tình trạng không quy định như hiện nay.